Hãy đăng ký thành viên để có thể dễ dàng trao đổi, giao lưu và chia sẻ về kiến thức đồ họa.
  1. Hãy đăng ký subscribe kênh Youtube mới của Việt Designer tại địa chỉ: Youtube.com/VietDesignerChannel để theo dõi các video về thiết kế đồ họa. Do trước đó kênh cũ bị Youtube quét không rõ lý do, trong thời gian chờ kháng cáo nếu các bạn thấy video trên diễn đàn bị die không xem được thì có thể vào kênh mới để tìm xem video sơ cua nhé.
    Loại bỏ thông báo

Bài viết gây sửng sốt trên Facebook của 1 thanh niên Việt Nam 25 tuổi

Chủ đề thuộc danh mục 'Chuyện trò linh tinh' được đăng bởi Phạm Hữu Dư, 19/12/13.

Lượt xem: 28,160

  1. Phạm Hữu Dư phamhuudu.com

    Bài viết sau khi được đăng tải lên Facebook đã gây một hiệu ứng lan truyền cực nhanh và nhận được hơn 7681 lượt like, 3466 lượt share, và hàng trăm comment, chưa kể đến các bạn đã đọc và không click like hay bình luận điều gì. Điều gì làm nên một sự lan truyền mạnh mẽ đến vậy. Hãy cũng đọc xem bài viết này nhé.

    [​IMG]

    Sinh viên - bạn cần gì?


    "Gửi các bạn sinh viên những trăn trở của một người trẻ tuổi.


    Giờ này có thể bạn đang ngủ rất ngon. Tôi thì không dù đồng hồ chỉ đúng 5h sáng. Mấy nay cứ trăn trở nhiều thứ, thức khuya lắm! Nhiều khi cũng thắc mắc không biết mình có phải 25 tuổi không? Thấy mình già so với tuổi quá.



    Đây không phải là một chủ đề to tát hoặc mới mẻ gì, nhưng tôi trăn trở nên chia sẻ, thế thôi!



    Tôi nhớ trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Phan Việt có đoạn: “Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18 – 25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc”. Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của tác giả. Tôi đặt tên cho khoảng thời gian ấy là Tuổi Trẻ. Chẳng phải dưới 18 hoặc trên 25 thì không trẻ nữa, nhưng tôi thấy 8 năm ấy mới thật sự là đẹp nhất của giai đoạn tuổi trẻ. Ở cái tuổi ôm trọn thời sinh viên này, lẽ ra các bạn phải dấn thân thật nhiều, trằn trọc, suy tư thật nhiều về cuộc đời, về xã hội, về dân tộc,… thậm chí mất ăn mất ngủ, thao thức đêm dài.



    Có quá nhiều câu chuyện kể về những con người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, cùng cực để rồi họ có động lực vươn lên thành công. Tôi từng đọc và cả tiếp xúc với những con người ấy và tôi nghĩ: “Nếu ở trong hoàn cảnh đó, mình cũng sẽ có động lực vươn lên như họ thôi”. Hoặc cũng không thiếu những câu chuyện về những người thành công được sinh ra trong một nền tảng gia đình rất tốt, ba mẹ đều thành công và họ ý thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục cho con cái. Tôi cũng biết và tiếp xúc với nhiều người thuộc nhóm này, rồi tôi cũng từng nghĩ: “Gia đình họ có điều kiện và nền tảng như vậy, việc họ thành công không có gì đáng ngạc nhiên cả”. Nếu bạn cũng có những suy nghĩ giống như tôi cho hai trường hợp trên, thì tôi chia sẻ rằng đó chỉ là sự biện hộ thôi. Cả hai nhóm người trên đều đáng ngưỡng mộ và trân trọng bởi họ đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tôi thì thuộc nhóm người ở giữa và tôi nghĩ mình giống đa số các bạn. Nói một cách văn vẻ đây là nhóm người mắc kẹt ở mức trung bình về nhiều mặt. Gia đình tôi không giàu, nhưng cũng không quá nghèo (tuy là hơi nghèo vào cái thời đất nước còn khó khăn, gia đình nào cũng vậy thôi). Tôi học không xuất sắc, nhưng cũng không dở. Tôi không tự ti, nhưng cũng chẳng tự tin về mình lắm. Tôi không có nhiều mối quan hệ trong cuộc sống, nhưng cũng có không ít bạn bè,… Tôi nói như vậy chỉ để muốn chia sẻ với bạn rằng ai cũng có thể vươn lên cho dù xuất thân trong hoàn cảnh gia đình như thế nào, thành tích học tập ra sao, thông mình vừa vừa, thông minh kiệt xuất, hay ngu si đần độn,… Chỉ cần một tư duy đúng đắn, nuôi dưỡng khát vọng lớn và dám dấn thân lăn xả từng việc nhỏ bằng tất cả trách nhiệm của mình. Ai cũng có thể vươn lên!



    Cứ mỗi lần tiếp xúc với các bạn sinh viên là tôi lại đau đáu trong lòng. Những câu hỏi các bạn đặt ra cho tôi nhiều khi khiến tôi phát bực nhưng phải làm chủ cảm xúc để giữ thái độ bình tĩnh. Hoặc cũng không ít lần khi nghe hỏi xong, tôi chỉ biết cười trừ vì thật sự không biết phải trả lời sao cho thỏa đáng nữa. Tôi xót xa không biết tại sao những câu hỏi ấy lại được nêu lên dù biết là không nên vùi dập từ trong trứng nước, cần khuyến khích dám đặt câu hỏi khi có thắc mắc vì đó là cách rất hay để học hỏi. Nhưng thông qua những câu hỏi ấy, tôi thấy một thực trạng tư duy kém cỏi, thiển cận và bị động đang ăn sâu vào trong nhiều bạn sinh viên.



    Trong một lần tọa đàm thân mật với khoảng 20 bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau, có một bạn sinh viên năm cuối khối ngành kinh tế hỏi tôi rằng: “Anh ơi, trong 4 năm học đại học, em không tham gia hoạt động hoặc đi làm thêm gì hết, vậy thì bây giờ em điền cái gì vào CV để xin việc đây anh?”. Khi tôi hỏi ngược lại những người tham dự hôm ấy là ai cũng ở trong tình trạng giống vậy, thì quá ngạc nhiên là khoảng 60% cánh tay giơ lên. Trời ơi! Tôi chỉ muốn hét thật to với nhóm bạn trẻ đó (may là tôi giữ được sự bình tĩnh để từ tốn chia sẻ): “Các em ơi, sao các em đi tìm một thứ mà chắn chắn là không có trên đời này vậy? Các em muốn thành công mà không phải trả giá? Các em muốn học giỏi mà không có những đêm thức trắng vùi đầu vào đèn sách sao? Làm gì có cái thứ đó trên đời này”. Tôi đang nói đến một tư duy vô cùng nguy hiểm ở các bạn sinh viên, tư duy mì ăn liền. Cái gì cũng muốn có ngay kết quả mà không phải bỏ công sức. Cái gì cũng muốn người ta mang đến dâng cho mình, ngồi rung đùi mà hưởng trái ngọt.



    Khi huấn luyện một khóa học với chủ đề “Sẵn sàng cho sự nghiệp”, tôi ngạc nhiên khi thấy có khá nhiều bạn sinh viên mong muốn bước vô khóa học để được nghe về cách trả lời phỏng vấn, cách viết CV sao cho hay, cách làm sao để thi đậu vào chương trình MT (Management Trainee – đây là một cuộc thi nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ của các tập đoàn đa quốc gia rất được giới sinh viên quan tâm). Nói chung là các bạn cần những cái có thể xài được liền, tạo kết quả ngay tức thì. Thực dụng không có gì là xấu cả, tuy nhiên nó chỉ phát huy hiệu quả khi bạn có một nền tảng nhận thức vững chắc về sự nghiệp, về tư duy lãnh đạo, về phong cách làm việc, về văn hóa ứng xử nơi công sở,... Hay nói một cách khác là nội lực của bạn có mạnh thì kỹ năng mới phát huy tác dụng. Khi hỏi thăm thì tôi biết được các bạn rất ít tham gia vào những hoạt động xã hội, các câu lạc bộ đội nhóm và nỗ lực vươn lên nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau. Vậy mà ai cũng muốn thi đậu vào MT? Tôi giả sử các bạn may mắn trả lời phỏng vấn tốt để vào được chương trình này, thì liệu bạn có “sống” và tỏa sáng được trong đó hay không là điều bạn cần suy nghĩ. Tôi rất tâm đắc với cách nhìn nhận của Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung rằng “Ta là sản phẩm của chính mình”, vậy thì cái sản phẩm BẠN ngày hôm nay có cạnh tranh được với những “đối thủ” khác về tư duy, nhận thức, thái độ, kiến thức, kỹ năng,… hay không? Đối với đồ ăn thì người ta cũng ráng suy nghĩ cho ra những phương cách “mì ăn liền” để đáp ứng với đỏi hỏi ngày càng gắt gao và cạnh tranh của xã hội, nhưng với thành công thì làm sao có thể như vậy được?



    Tư duy thứ hai là tư duy đòi hỏi. Các bạn đòi hỏi nhiều quá, nhiều hơn những gì các bạn bỏ ra. Các bạn sinh viên đa số đều rất tự tin về kiến thức của mình, đó là con dao hai lưỡi. Tự tin là tốt, nhưng tự tin bao nhiêu thì cần phải nỗ lực chui rèn bản thân không ngừng. Các bạn đang dán cái mác “ĐẠI học” quá lớn vào mình để kết luận rằng kiến thức đã đủ cho công việc và mình có quyền đòi hỏi công ty phải trả mức lương tương xứng với 4 năm dùi mãi kinh sử trên ghế nhà trường. Có nhiều bạn khi tôi hỏi về công việc bạn mong muốn sau khi ra trường, bạn mô tả muốn làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia với thu nhập ít nhất là 800 USD/tháng. Tôi hỏi tiếp: “Vậy em có cái gì để người ta phải trả em 800 USD/tháng?”. Bạn… cứng họng!



    Các bạn ơi, mơ lớn là tốt. Bạn muốn mức lương bao nhiêu cũng được, không những 800 USD/tháng, mà thậm chí 8000 hay 80.000 USD cũng được. Nhưng, bạn cần phải trả lời câu hỏi là bạn có cái gì để người ta phải trả cho bạn mức lương đó? Bạn có nghĩ công việc photocopy cũng có thể làm xuất sắc hơn bình thường được hay không? Bạn phải thay thế tư duy đòi hỏi bằng một tinh thần cống hiến hăng say, không ngại việc, không chê việc, làm với tất trách nhiệm và chuẩn mực cao nhất để đổi lại kinh nghiệm và sự tín nhiệm. Chứng minh cho họ thấy đi đã, khoan đòi hỏi, rồi bạn sẽ được trả công xứng đáng sau này.



    Ngoài ra, các bạn chỉ muốn nhận mà không muốn trả giá. Từ “giá” ở đây tôi muốn nói ở cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tôi diễn thuyết cho sinh viên khá nhiều, cái gì miễn phí thì bạn đến đông lắm. Nhưng cái gì cần một khoản đầu tư để học hỏi sâu hơn thì hình như với bạn nhiêu đó “hàng” miễn phí là đủ rồi. Bạn chê mắc, bạn tiếc tiền, bạn thấy không cần thiết. Rồi thì sau này cái giá mà bạn thật sự sẽ trả còn đắt hơn nhiều. Bạn tiếc tiền đầu tư vào bản thân thì xem như bạn cũng tiếc thành công.



    Cuối cùng, điều khiến tôi trăn trở nhiều nhất ở các bạn sinh viên là các bạn không có một khát vọng lớn. Cách đây hai tuần, tôi kết hợp với một tổ chức nhân sự uy tín để tổ chức một khóa huấn luyện dành cho những sinh viên đã qua chọn lọc, nhằm mục đích trang bị cho các bạn cách tư duy của một nhà lãnh đạo tương lai. Khóa huấn luyện kết thúc rồi nhưng dư âm của nó khiến tôi trằn trọc mãi. Tôi băn khoăn, lo ngại về Tuổi Trẻ hiện nay, lứa tuổi mà tôi cũng thuộc về. Rồi Việt Nam chúng ta sẽ ra sao khi mà những con người chủ nhân tương lai của đất nước lại có những suy nghĩ và biểu hiện như vậy? Trách ai bây giờ đây? Tôi không dám vơ đũa cả nắm, bởi tôi tin rằng vẫn có rất nhiều bạn trẻ đang từng ngày nỗ lực vươn lên với những khát vọng lớn lao, phục vụ trước hết cho đất nước, sau đó mới đến bản thân mình. Nhưng tôi muốn dấy lên một thực trạng đáng báo động ngày nay ở một số lượng lớn các bạn sinh viên: các bạn suy nghĩ nhỏ quá. Đó là chỉ mong làm sao có đủ tiền sống mỗi ngày; làm sao có thể thi đậu tốt nghiệp tốt nghiệp nếu không sẽ bị ba mẹ la; làm sao để có thể tìm được một công việc ổn định sau khi ra trường; làm sao có thể tự lo được cho bản thân sau khi tốt nghiệp,... Tôi cũng từng như vậy, y chang các bạn thôi. Nhưng bạn ơi, bạn cần biết rằng điều đáng sợ nhất của một đất nước không phải là nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản; không phải là đất nhỏ ít dân; mà điều đáng sợ nhất là đất nước ấy chỉ tập hợp những con người không dám khát vọng lớn, không dám ước mơ lớn. Ai cũng muốn nước mình giàu mạnh, ai cũng muốn Việt Nam có thể vươn ra tầm châu lục, thậm chí là sân chơi toàn cầu; nhưng ai cũng suy nghĩ nhỏ nhặt, ai cũng chỉ nghĩ cho riêng cho bản thân mình thôi thì làm sao có thể cùng nắm tay nhau đi lên được đây? Bạn có thể trông chờ điều gì trong khi mỗi ngày mình chỉ biết la cà những quán café, quán nhậu, những thú vui cho quên đời quên sầu, giết thời gian. Tôi thật sự lo, lo lắm các bạn ạ!



    Than vãn rồi cũng thế thôi, bây giờ cần phải làm gì đây? Câu hỏi này quả là rất rộng và quá khó với tôi. Nhưng nếu chỉ được chọn một điều duy nhất để chia sẻ với sinh viên, trong giới hạn kinh nghiệm và hiểu biết của mình, tôi muốn nói rằng các bạn cần phải CHỦ ĐỘNG. Các bạn còn bị động quá, điển hình là mỗi khi tọa đàm (tức là một dạng hỏi đáp chia sẻ kinh nghiệm), tôi hỏi là có ai có câu hỏi gì không thì chỉ một sự im lặng đáng sợ xuất hiện. Tôi hỏi tại sao thì các bạn nói rằng đến đây để được nghe anh chia sẻ gì đó. Các bạn ơi, cần phải thay đổi tư duy ngay đi, CHỦ ĐỘNG lên. Đừng ngồi đó mà mong người ta đem thành công đến với bạn. Đừng chỉ biết nộp đơn rồi cầu mong nhà tuyển dụng gọi điện và mời bạn ký hợp đồng. Đừng mỗi ngày chỉ có đến trường rồi quay về nhà mà mong mình sẽ tỏa sáng trong sự nghiệp sau này. Đừng kêu than oán trách việc giáo dục đại học thế này thế kia, thiếu thực tiễn, toàn lý thuyết,… Ai cũng có công việc và trách nhiệm của họ thôi. Nhiệm vụ của bạn là học và hãy biết nỗ lực học một cách chủ động. Nó xuất phát từ ý thức “Ta là sản phẩm của chính mình” để chuyển vai trò đầy tớ sang vai trò ông chủ của quá trình học. Chính bạn mới là người đề ra những cái mình cần học dưới sự hướng dẫn của thầy cô hoặc những người trước, rồi nỗ lực học tập bằng phương pháp học sáng tạo. Sự học cũng cần mở rộng cách nhìn nhận. Không phải cứ phải có cái bàn, cái ghế, quyển vở, cây bút thì mới gọi là học. Học ở bất kì đâu, học từ bất kì ai. Chỉ cần một cái đầu rộng mở, chịu khó quan sát, trao đổi, đánh giá, phân tích, thắc mắc là được. Thay đổi cả hệ thống thì khó, nhưng thay đổi bắt đầu từ chính bản thân mình thì ai cũng làm được, chỉ là bạn có muốn hay không thôi?



    Vài trăn trở của một người trẻ tuổi gửi đến Tuổi Trẻ. Giai đoạn 18 – 25 thật đẹp, đừng phung phí thời gian để biến mình thành một thế hệ lu mờ của xã hội.



    5h sáng ngày 3/7/2012"



    By: Vũ Đức Trí Thể



    Cám ơn những suy nghĩ và trăn trở của bạn Vũ Đức Trí Thể nhé.



    Link bài viết trên facebook Vũ Đức Trí Thể
    Nguồn: TheBusiness.vn

    ...
  2. TậpTễnh

    TậpTễnh Thành viên cấp 2

    Đọc xong bài viết mới biết mình đã có nhưng suy nghĩ sai lầm về cuộc sống !
    Có 1 status khiến mình cũng pải suy nghĩ lại đó chính là : " Thay đổi thái độ , thay đổi cuộc đời ! "
    dieuhauteo thích bài viết này
  3. Bảo Mon

    Bảo Mon Thành viên cấp 1

    mình chưa đến thời sinh viên.... nhưng việc được lăn xả, được dấn thân là những điều mình khao khát :3
  4. Brian Duong

    Brian Duong Thành viên cấp 1

    Vẫn biết gây được làn sóng nhưng dư âm đến đâu chưa ai biết :(
  5. bboyleap

    bboyleap Thành viên cấp 1

  6. huy1993

    huy1993 Thành viên cấp 1

    :like: mình sẽ cố gắng thật nhiều. nhiều hơn nữa
  7. lenm

    lenm Thành viên cấp 4

    Anh nói thì rất hay nhưng tôi thấy chả ra gì.Mỗi người có một lựa chọn riêng cho cuộc đời của họ, cũng như chọn lọc tự nhiên mà thôi, khôn sống mống chết, a đòi hỏi tất cả đều phải mạnh mẽ, khát vọng, lãnh đạo, blah blah blah, tôi xin lỗi anh chứ nếu mà như thế xã hội sẽ không cần phải phân hóa, cuộc sống sẽ như thiên đường. Và điều đó, mãi mãi không xảy ra, ai rồi cũng có một vai trò nào đấy trong cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời, kể cả họ có lao đầu vào xe ô tô mà tự tử thì nó cũng là vai trò của họ. Anh có tin vào thuyết nhân quả luân hồi không, tôi thì không, nhưng tôi thấy nó hay và nhiều cái đúng. Ai cũng có một thời trẻ, cũng sai lầm, nhưng rồi cũng phải lớn, chỉ là họ lớn theo cách nào. Một quẩn thể rồi sẽ có những cá nhân kiệt xuất, và những cá nhân yếu kém. Giới già thì lúc nào cũng chỉ trích giới trẻ, nhưng rốt cuộc xã hội cứ tiến lên thôi, hãy vẽ đường cho hươu chạy chứ đừng bắt hươu chạy theo đường. Nó húc cho lòi ruột đấy
    Min Tk, jackpaker90, Trần Lê Huy7 người khác thích bài viết này.
  8. kakekake

    kakekake Thành viên cấp 1

    có ai tóm tắt lại dùm e không.thấy cũng hay..đọc được 2 đoạn nhìn xuống dưới còn cả chục đoạn..k muốn đọc nữa..
  9. Zeit Ds

    Zeit Ds Thành viên cấp 1

    Luôn luôn có sự hơn kém trong xã hội, điều tất nhiên ? Nhưng đâu phải muốn là có đc, nếu vậy thì k những VN mà cả TG chắc bây h đag giống phim khoa học viễn tưởng ! T đang năm trong độ tuổi đó, t k có năng khiếu về lãnh đạo, đấy là sự thật chả thể đổ lỗi rằng là do tôi k cố gắng, nó còn do sinh lý nữa. Đâu phải nói chủ động là đc. Tôi có tài năng, thông minh, và có trả giá nhưng con người của t k giống con ng của a, đơn giản là vậy @@

    Nếu hiện h a đang thành công, thì hãy nói rằng do a may mắn, nổ lực là 1 phần nhưng may mắn là yếu tố không thể thiếu, dù a có tin hay không thì tôi chắc chắc may mắn nó tồn tại. Vì tôi là nhân chứng " Đứt lưỡi không chết " a hiểu k ? Ngay cả bác sỉ, ng chửa trị cho t cũng gọi là cực kì may mắn đấy :)
    P/s: Gần 2cm lúc đó t còn nhỏ, năm 98 99 gì đó thì phải, năm đó có cái sao chổi to nhất đây, lúc còn tỉnh nhìn lên trời thấy cái sao chổi to đùng ( to hơn mặt trời @@ ) :3 và bây h t chỉ bị lỗi phát âm chữ r và g :)
    Star thích bài viết này
  10. Alexandre Gepard

    Alexandre Gepard Thành viên cấp 1

    Mình thấy tác giả không đòi hỏi cái gì ở thế hệ người trẻ VN cả bạn ạ. Đây đơn thuần chỉ là bài viết để anh ấy nói lên những suy nghĩ trăn trở của mình đồng thời có một vài lời khuyên, chứ không bắt ai làm gì cả. Cuộc đời của bạn thì tự bạn quyết định thôi, nhưng những gì anh ấy nói quả thực mình thấy rất đáng suy nghĩ...

    Đúng là ai cũng có một vai trò gì đấy trong xã hội, người thì lãnh đạo kẻ thì làm thuê... Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không phải cố gắng trong cuộc sống bạn ạ. Cho dù cuộc sống hiện tại có tuyệt vời và phù hợp với mình ra sao thì tại sao không cố gắng để có cuộc sống tốt đẹp hơn hiện tại chứ? mình tự thấy cái sự tự hài lòng với thực tại và bản thân quả thực rất nguy hiểm với những người trẻ tuổi... 18 đến 25 tuổi quá đáng cho con người chúng ta dấn thân và thử thách mình, nếu không sau này nghĩ lại mới thấy hối tiếc... Người già hay hối tiếc vì những gì tuổi trẻ không làm, vì thế họ hay khuyên những người trẻ nên làm gì, đó cũng là điều dễ hiểu thôi...

    Dù sao mình cũng thấy anh ấy nói đúng thật, về cái sự "ăn xổi", thiếu hoài bão, thích hưởng thụ nhưng không chịu cố gắng, thích đổ lỗi rồi phê phán này nọ mà không nhìn lại mình của sinh viên bây giờ, bởi vì mình đã từng có tất cả những thứ đấy... Bây giờ thì chỉ còn một số cái, đang phấn đấu để loại hết chúng đi :) Mong từ giờ đến 25 tuổi hoặc hơn một tí, cuộc đời của mình sẽ đi đúng hướng :)
    Sói Thống Lĩnhtuanpv thích bài viết này.
  11. Kizx

    Kizx Thành viên cấp 2

    Tác giả chỉ hỏi những sinh viên trả lời : em muốn ra trường có mức lương 800$ mà đã bao giờ hỏi qua những sinh viên trả lời : em muốn ra trường tìm được công việc ổn định để phụ gia đình cái đã.

    Sinh viên, tuổi trẻ là tuổi phù hợp để liều mạng, dám nghĩ dám làm, nhưng chỉ là phù hợp thôi. Bạn chỉ có thể liều mạng để đánh đổi khi bạn có gì đó để mất, khi sau lưng bạn không có gánh nặng nào, kể cả khi bạn quậy nát thế giới thì còn bố mẹ gánh vác cho bạn. Còn khi bạn mang trên lưng nhiều gánh nặng thì bạn lấy gì để liều ? Lấy sức đầu mà liều, lấy dũng cảm đâu để liều ?

    Tác giả viết rất nhiều, rất hay, nhưng đọc xong tôi cũng cảm thấy y hệt như đang nghe Bill Gate đang kể về thời ngày xưa ông ta bỏ học ntn và giờ thành công như thế nào. Còn tôi tôi đâu có dám bỏ học như Bill ?
    Min Tk, Starkakekake thích bài viết này.
  12. sadlove2401

    sadlove2401 Mới đăng kí

    Bài viết đánh giá đúng một phần thực trạng xã hội, nhưng chỉ nói được lên quan điểm sống và kiếm tiền làm giàu.

    Cá nhân tôi thì lại có quan điểm của riêng mình, đó là: "Chúng ta sống vì cái gì?". Nếu bạn làm rõ được quan điểm này, cuộc sống bạn sẽ luôn ý nghĩa, và bạn sẽ cảm thấy sợ sệt cái chết.

    Mỗi người ai cũng có cái ham muốn, ai cũng có ước mơ riêng của mình. Nhưng cuộc sống không phải chỉ dành cho mỗi con người, mà còn là cho cả xã hội. Bạn khát vọng giàu sang, đó là mục đích sống. Bạn sống vì mọi người xung quanh, đó cũng là mục đích sống, Bạn đam mê một cái gì đó quên ăn quên ngủ, đó cũng là mục đích sống... Vậy nên dù mục đích sống của bạn có cao quý hay tầm thường thế nào, miễn là nó ko gây hại đến những điều xung quanh bạn, nó sẽ là một mục đích sống đáng trân trọng và tự hào.

    Có người họ bỏ cả sự nghiệp để làm công tác từ thiện, giúp đỡ trẻ em, người già cô đơn, đồng tiền chỉ đủ sống qua ngày, nhưng họ vẫn mỉm cười chấp nhận. Có những người thầy người cô chấp nhận lên những vùng hẻo lánh dạy học, vì họ tâm huyết với nghề, họ thương con trẻ trong từng câu chữ. Những người công nhân đổ rác, nạo cống, những công việc hôi thối nhưng họ vẫn cần cù chăm chỉ làm việc từng ngày... Cuộc sống luôn có những con người như thế này, đâu nhất thiết phải giàu sang, nhưng thiếu họ liệu bạn có làm những điều này vì cuộc sống. Mọi nghề nghiệp đều giúp cho cái xã hội này cân bằng. Vậy nên NGHỀ NÀO MÀ CHẢ CAO QUÝ, sống không hổ thẹn với cuộc đời này là được.

    Dù cho sinh viên Việt Nam hiện nay mức độ trưởng thành kém hơn nước ngoài, nhưng chả có cái gì tự nhiên như thế cả. Đó là ảnh hưởng của nền giáo dục, đó là ảnh hưởng của xã hội. Thử hỏi các doanh nghiệp có dám liên kết hầu hết với các trường Đại học - Cao đẳng để tạo môi trường thực tế cho sinh viên học tập không, có dám gắn kết tạo việc làm tương lai cho sinh viên không? Có nhé, nhưng mà cái số lượng đó cực ít, không như nước ngoài đâu. Vậy nên đừng có lấy lý do so sánh với nước ngoài quá, họ là tấm gương cho chúng ta học tập, nhưng không phải là thứ mà chúng ta có thể copy được. Mọi mặt của đời sống xã hội này đều tác động lẫn sau và sinh ra vô vàn nguyên nhân. Và cái lý do xăng tăng giá suốt ngày chẳng phải nó kéo theo cả một hệ lụy kinh tế xã hội sao...?

    Xã hội càng ngày càng phát triển, càng có nhiều thứ sinh ra để nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng không có nghĩa là khi có những thứ đó thì cuộc sống bạn sẽ tốt hơn. Có khi vì tiếp xúc với những thứ đó khiến bạn bỏ quên những điều tầm thường, mà vốn dĩ chỉ cần những điều tầm thường đó thì cũng đủ để bạn hài lòng với cuộc sống rồi. Phấn đấu để cho đất nước giàu đẹp hơn, đó là mục đích tốt. Nhưng không có nghĩa là cống hiện của bạn sẽ giúp duy trì hòa bình thế giới. Cứ nhìn sang người hàng xóm Trung Quốc của chúng ta, họ có rất nhiều người cống hiến để trở thành một cường quốc trên thế giới, họ cũng là một nước xã hội chủ nghĩa. Vậy sao chúng ta cứ suốt ngày chửi xéo họ, ngẫm đi...

    Vậy nên sinh viên dù họ có vô tâm với tương lai của mình, nhưng họ không vô tình với cuộc sống xung quanh mình thì cũng chẳng cần quá phàn nàn gì về họ cả. Cuộc sống là vậy, luôn có được và có mất. Chẳng phải ai cũng có thể dễ dàng thành công cả. Tài năng, cơ hội, các mối quan hệ, vận may... mới quyết định được yếu tố thành công. Đời người chỉ mấy mươi năm ngắn ngủi. Đừng vì chạy theo đồng tiền mà khiến cho những điều đáng quý xung quanh xa lánh mình đi. Hãy sống sao cho xứng đáng với cuộc sống này.

    Tôi suy nghĩ đơn giản thế này: Trái Đất này quá to so với chúng ta nhưng cũng chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ. Chính bản thân con người chúng ta cũng chưa chắc đã có đủ khả năng quyết định vận mệnh của Trái Đất.

    :)
    Star, Manh ThangIkaros thích bài viết này.
  13. cubin

    cubin Thành viên cấp 1

    Tác giả viết rất đúng, các bạn thử kiểm chứng ở bản thân mà xem, riêng mình thì tác giả nói đúng đó, ở cái tuổi này mà không lăn xả vấp ngã thì về sau vấp ngã khó mà vực dậy được...
  14. _MeoHoang_

    _MeoHoang_ Thành viên cấp 4

    chưa có bằng đh, dù đi làm thêm cũng làm photo, bưng bát, tính tiền.... chẳng liên quan tới cái j nó to lớn như chuyên ngành thì đi làm hay ko liên quan j tới cái CV, chẳng lẽ viết "Tôi có 2 năm kinh nghiệm làm part time ở tiệm cơm xxx với công việc dọn bát" tác giả suy nghĩ quá chủ quan, biết rằng anh ấy thành công rồi nhưng ko có nghĩa ai cũng phải theo cách của anh ta. Dù đúng là 1 bộ phận ko nhỏ thanh niên bây giờ có tư tưởng học tàn tàn lấy bằng ròi đi làm :/ Nói tóm lại vấn đề bài viết đó nói cũng bình thường thôi chẳng có j gọi là sốt cả, có chăng sốt là do người ta tung hô mà thôi
    ngochoangbdb thích bài viết này
  15. Dinh Cuong

    Dinh Cuong Thành viên cấp 3

    Mình thì không thích mấy người nói dài mà thực ra chỉ xoáy quanh một vấn đề, cách diễn đạt của tác giả thì nghe như đang chỉ trích, nếu xây dựng nó mang tính động viên thì có sức thuyết phục hơn. Những điều tác giả nói đúng thật nhưng cũng chẳng có gì mới, hầu như các buỗi hội thảo về kĩ năng sống mình tham dự đều nói về vấn đề này, nhưng cách truyền đạt cuốn hút hơn
  16. hùng hăng hái

    hùng hăng hái Thành viên cấp 1

    rất ý nghĩ . đọc và suy ngẫm
  17. TrungDe

    TrungDe Thành viên cấp 1

    Bài viết đúng là rất hay, nói đúng
    nhưng mình nghĩ nếu thế mà được tung hô và phải "sửng sốt" trên mạng thì đúng là hơi quá, phải nói là rất quá so với một bài viết hay ở mức bình thường như vậy
  18. nhtvhvt

    nhtvhvt Mới đăng kí

    Tôi hoàn toàn đồng ý với chia sẻ trong bài viết này. Nếu đúng theo quy luật 80/20 thì ít ra chúng ta vẫn có thể tìm được 10 đến 20 sinh viên trong 100 sinh viên, những người có được tư duy như trên. Tuy nhiên thực tế trong môi trường công việc và cuộc sống thì tôi thấy tỉ lệ này là rất ít. Tôi mong mọi người hãy cùng chia sẻ vấn đề này cho nhiều bạn trẻ hơn nữa. Như vậy may ra chúng ta có thể thấy kết quả sau vài năm nữa
  19. Adjn

    Adjn Mới đăng kí

    Rất hay ! Không biết anh này có từng bán hàng đa cấp chưa nhỉ :))
  20. Manh Thang

    Manh Thang Mới đăng kí

    Bài viết hay, học hỏi và ngộ ra được nhiều thứ. Đầu tiên là CHỦ ĐỘNG, thứ hai TA LÀ SẢN PHẨM CỦA CHÍNH MÌNH.

    Mình rất thích và ủng hộ cách suy nghĩ của bạn sadlove2401, mình cũng nghĩ vậy, SINH VIÊN DÙ HỌ CÓ VÔ TÂM TỚI TƯƠNG LAI CỦA MÌNH, NHƯNG HỌ KHÔNG VÔ TÌNH VỚI CUỘC SỐNG.

    Có quá nhiều quan điểm, quá nhiều khía cạnh để đứng mổ xẻ, quá nhiều cái tôi được nêu lên. Mình không nghĩ mỗi một đoạn thông tin được đưa ra đều đúng - sai hoàn toàn. Cũng tuỳ cách bạn đứng khía cạnh nào để tiếp nhận nó ? nên mình chưa thấy đồng tình với bạn lenm :D

    Mình nghĩ quan trọng là ở bước chắt lọc, khi đọc xong thì bạn nhận ra được điều gì, bạn thấy cái gì đúng với mình, cái gì chưa thích hợp lắm thì tự suy ngẫm mà lấy đó làm câu hỏi cho mình. NGHE VÀ NGẪM.

    Đọc toàn bộ bài viết mình nghĩ âu cũng là trải nghiệm về trường đời của anh tác giả, mình chưa là một cá thể hoàn toàn hoàn hảo, nên suy cho cùng cái tôi được thể hiện tốt nhất khi mình biến những thông tin mình tiếp nhận được chuyển hoá thành của mình, lúc đó cái tôi, mình nghĩ mới chất lượng.

    Tất cả những dòng trên chỉ là mình nghĩ và viết ra :)

Ủng hộ diễn đàn