Hãy đăng ký thành viên để có thể dễ dàng trao đổi, giao lưu và chia sẻ về kiến thức đồ họa.
  1. Hãy đăng ký subscribe kênh Youtube mới của Việt Designer tại địa chỉ: Youtube.com/VietDesignerChannel để theo dõi các video về thiết kế đồ họa. Do trước đó kênh cũ bị Youtube quét không rõ lý do, trong thời gian chờ kháng cáo nếu các bạn thấy video trên diễn đàn bị die không xem được thì có thể vào kênh mới để tìm xem video sơ cua nhé.
    Loại bỏ thông báo

Dở khóc dở cười văn chương của học sinh tiểu học

Chủ đề thuộc danh mục 'Chuyện trò linh tinh' được đăng bởi Phạm Hữu Dư, 17/2/14.

Lượt xem: 8,243

  1. Phạm Hữu Dư phamhuudu.com

    Một học sinh tả về ông nội rất thật như người ông béo, lùn, da ông ngăm đen, đầu ông bị hói vì tóc đã rụng nhiều. Thế nhưng, cháu được 5 điểm với lời phê "lạnh lùng" của cô rằng “tả về ông ngây ngô quá”.

    “Bà ngoại em vẫn chưa già/ Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường/ Mắt bà vẫn rất tinh tường/ Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày...”. Đó là những câu thơ đang gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày gần đây khi thực tế, học sinh ngay từ bậc tiểu học đã được mặc định theo văn mẫu: đã là ông bà thì tóc phải trắng như cước, da đồi mồi, bước đi chậm chạp, tả dòng sông thì phải trong lành, cánh đồng phải thẳng cánh cò bay...

    Rập khuôn hay... giả dối?

    Không ít phụ huynh tiểu học chia sẻ, sau một thời gian để con tự “đánh vật” với những bài văn ngô nghê đã bị cô giáo nhắc nhở rất thật rằng: “Các con ở lứa tuổi này chưa thể tự làm được một bài văn ngắn, mà phụ huynh phải hướng dẫn chi tiết cho các con theo đúng... chương trình, gợi ý trong sách giáo khoa”. Và đương nhiên như vậy thì không thể tránh... văn mẫu.

    Một phụ huynh buồn rầu, cô giáo ra đề văn tả về dòng sông quê hương. Con trai anh đã tả con sông Kim Ngưu ngay gần nhà với những câu như “Dòng sông trong xanh, nước chảy lững lờ, rồi vắt ngang như một dải lụa…”; trong khi đó, con sông này luôn “đứng đầu” trong những dòng sông bị ô nhiễm của Hà Nội, nước đen ngòm, luôn bốc mùi khó chịu. Anh có góp ý thì cậu con trai hồn nhiên: “Cô nói tả dòng sông thì phải như vậy mới hay!”.

    Một phụ huynh có con học lớp 2 thì bức xúc kể rằng, đề bài cô đưa ra là tả ông hoặc bà em. Con trai chị đã tả bà ngoại với những câu từ: “tóc bà bạc phơ, dáng đi chậm chạp, ánh mắt hiền từ”. Trong khi bà ngoại mới ngoài 50 tuổi, tóc còn đen, và bà vẫn chưa có dấu hiệu của tuổi già như lời cô nói; thậm chí bà tự lái xe “Mẹc” đi làm, đi chơi, đi shopping, đi du lịch, đi khiêu vũ…, vị phụ huynh này cho biết.

    Một học sinh khác tả về ông nội rất thật như người ông béo, lùn, da ông ngăm đen, đầu ông bị hói vì tóc đã rụng nhiều. Thế nhưng, cháu được 5 điểm với lời phê lạnh lùng của cô rằng “tả về ông ngây ngô quá”.

    [​IMG]

    Một bà mẹ có con học lớp 5 cũng giật mình khi đọc bài văn con tả bố hoàn toàn xa lạ với “bố thật”. Khi yêu cầu cháu viết lại một bài văn khác chân thật hơn thì cháu nói rằng: “Cô giáo bảo tả như thế mới hay và cả lớp con tả bố như thế, tả thật cô không cho điểm cao”. Chị cho rằng với cách dạy như vậy, chính ngành Giáo dục đang dạy các cháu cách nói dối.

    Nhiều phụ huynh đã rất bức xúc trước thực tế học sinh bây giờ tả văn rập theo khuôn mẫu, như kiểu tả dòng sông thì phải trong mát, cánh đồng thì bát ngát, lúa trổ đòng đòng, ông bà thì tóc phải bạc phơ, dáng đi chậm chạp. Còn khuôn mẫu để tả con vật là phải so sánh đầu, tai, mũi, đuôi giống cái gì, to bằng gì. Chính vì thế nên có chuyện một học sinh lớp 3 khi tả con lợn đã dũng cảm ví von: “Đầu con lợn to bằng đầu bố em, mũi con lợn bẹp gí như mũi bố em, tai con lợn to bằng tai bố em… Và đuôi con lợn giống em vì bố nói em là cái đuôi của bố”.

    Ngay trong chương trình làm văn lớp ba học về viết thư cho bạn để làm quen, bao giờ cũng là kết thúc bằng câu: “Thôi thư mình viết đã dài, mình xin dừng bút ở đây” mặc dù cả thư được vài dòng ngắn ngủn, sáo rỗng. Chưa kể, bài văn đúng chuẩn mẫu đến cuối mỗi bài phải nói lên cảm nghĩ của mình: “xin hứa sẽ chăm ngoan, học giỏi để vui lòng…”. Thế nên mới có chuyện bi hài: sau khi tả xong con bò, một HS lớp 4 đã “hào hứng” kết luận: “Em xin hứa sẽ học tập theo... con bò để ngày càng học giỏi và chăm ngoan hơn”.

    Hàng loạt người giỏi mà không... giỏi

    Trước mỗi kì kiểm tra, học thuộc lòng các bài văn mẫu để làm bài thi là tình trạng phổ biến ở các trường từ tiểu học đến THPT hiện nay. Mọi thứ đều có “khuôn” nên học sinh cứ thế áp vào và sẽ đạt thành tích như mong muốn của giáo viên, nhà trường. Thế nên mới có chuyện lớp nào cũng đa số là học sinh giỏi. Thế nhưng, cảm xúc thật của các em, tất cả những gì ngây ngô, trong trẻo nhất đã bị thui chột ngay từ những năm tháng đầu đời …

    Nhóm nghiên cứu báo cáo tại hội thảo văn học quốc gia mới đây đã tìm ra câu trả lời sau khi khảo sát 3.085 bài văn của học sinh 15 trường (THCS, THPT của trường chuyên, dân lập, trên địa bàn nông thôn và thành phố) có đến 75% số bài văn ở bậc THPT, 58,1% số bài ở bậc THCS đạt điểm khá, giỏi. Như vậy, dù chối bỏ môn văn nhưng điểm thi của các em lại không bi quan chút nào chính bởi cách chấm điểm theo ý và… văn mẫu.

    Nhà giáo Dương Phương Hồng (Trường THPT Lê Trực - Kiên Giang) đã chỉ ra: Trên thị trường sách có quá nhiều sách học tốt môn ngữ văn, trả lời sẵn các câu hỏi trong phần hướng dẫn học bài của SGK. Khi được hỏi, các em trả lời đúng y xì trong sách hướng dẫn. Lớp có 40 em thì có 40 câu trả lời giống nhau.

    Không chỉ ở bậc tiểu học mà tới thi đại học (ĐH) cũng thuộc lòng văn mẫu. Năm 2006 dư luận đã bất ngờ về bài văn dự thi vào ĐH Đà Nẵng được điểm 10. Khi bài văn được đưa lên phương tiện truyền thông thì “bí quyết” học giỏi môn văn của thí sinh này đã bị phát hiện giống hệt bài văn mẫu in trong cuốn “Kiến thức cơ bản văn học 12”. Hội đồng tuyển sinh đã bị đặt trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhận định thí sinh này không có lỗi, không vi phạm quy chế tuyển sinh nên vẫn phải công nhận điểm cho thí sinh.

    Ông Trần Phò - giáo viên văn (TP.HCM) nói rằng: “Tôi không trách học sinh làm bài giống y trong sách. Điều tôi bức xúc là cách ra đề thi và chấm thi bao năm nay vẫn như cũ. Đó là cách đánh giá đầy mâu thuẫn và nguy hiểm. Nó đẻ ra hàng loạt người “giỏi mà không giỏi” và ngược lại”.

    Nhà giáo Nguyễn Hà (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) thì chỉ ra một bất cập: Với đáp án chi ly, chính xác từ 15 - 20 cột điểm, người thầy thành những “thợ chấm”, “máy chấm” vô hồn. Thầy không chỉ ngán ngẩm vì đọc quá nhiều bài na ná nhau rút ra từ bộ đề, sách văn mẫu, mà còn vật vã với những phép cộng, phép chia tới hai số lẻ, thì còn đâu hứng thú hay chấm với “con mắt xanh”…

    Theo Uyên Na
    Pháp luật Việt Nam

    ...
    dangthutrang, G Dinny, Nam Ikari4 người khác thích bài viết này.
  2. SITUVN

    SITUVN Thành viên cấp 2

    Văn nó khác Toán là thế.

    Nếu đã rập khuôn thì nó chẳng là Văn. Văn là nghệ thuật, mà nghệ thuật thì cái chính là sáng tạo.

    Những giáo viên kiểu này khác gì dạy các em nói dối từ bé chứ, chúng không được tả những gì chúng thấy. Không biết sau này nó có trở thành một con người thành thật không?

    Nói thì mới nhớ, môn Văn là môn tệ nhất của mình. Hồi còn học tiểu học, có bài văn yêu cầu "Tả em gái của em". Mình thì ngây ngô, không văn vẻ, chỉ tả theo những gì mình thấy và nghe cha, mẹ nói về nó.
    Lúc bé nó đen lắm, cũng gần bằng Châu Phi. Mình vẫn nhớ mãi câu cha nói: Đen như Cam-pu-chia. Mình quất luôn câu đấy vào =)). Đến lúc cha mẹ biết bài văn bị điểm kém thì cũng bò lăn ra cười khi đọc bài văn của mình.
    thoaihuong, dangthutrang, dongvu4 người khác thích bài viết này.
  3. rubia

    rubia Thành viên cấp 3

    haha, giống mình hồi nhỏ. :)
    ps: văn là môn học đòi hỏi sự sáng tạo và nghiêm túc.
  4. quốc nam

    quốc nam Thành viên cấp 2

    văn là cái môn vớ vẩn nhất cái đời học sinh của mình và nó luôn ở mức 5.0 :)):)):)):)):)):)):)):)):)):)):))
  5. Thành Designer

    Thành Designer Thành viên cấp 1

    Cái môn văn mem lun nhớ nhất, lúc lớp 10 có cô giáo dạy văn mới ra trường, cho 1 đề tài về tình yêu, làm xong cô phê: Em giỡn mặt với cô hả, thế rồi từ bà cô thấy mình như thấy sát thủ =))=))
  6. Đoàn Võ Duy Thanh

    Đoàn Võ Duy Thanh Thành viên cấp 2

    Mọi sự sáng tạo văn học trong nhà trường tiểu học chỉ nằm ở mức 5.0 ;;) Văn mẫu là nhiều :v :v
  7. oblivion.sofar

    oblivion.sofar Thành viên cấp 2

    :-w:-w:-w Ca này cũng khó. Theo mình hiều thì nền giáo dục của nước ta đã hình thành nên hình thức giáo dục này từ xưa kia. Tuy nhiên thì nó ko còn phù hợp với thời đại bây giờ nữa.
    Trước kia thật tốt khi hướng cho trẻ suy nghĩ về những điều tốt đẹp, mơ mộng để cho trẻ có một tâm hồn trong sáng.
    Nhưng đến bây giờ, trẻ con (hay thậm chí là bố mẹ chúng thế hệ 8x, 9x) đã bị biến đổi theo xã hội một lối sống và tư tưởng thực tế (hay đôi khi là thực dụng), thì sao trẻ có thể làm văn theo lối lãng mạn như trước được.
    Là giáo viên cũng có cái khó, bảo trẻ viết cái hay cái đẹp thì là ko đúng thực tế, nhưng nếu hướng cho trẻ viết một cách thực tế thì biết đâu vô tình biến chúng thành những kẻ thực dụng theo hướng phát triển của VH đương đại.
    Người giáo viên giỏi là người biết truyền sự sáng tạo cho trẻ theo lối thực tế nhưng vấn giáo dục được chúng hình thành một nhân cách sống tốt.
    Yến MummiSITUVN thích bài viết này.
  8. kissmeo

    kissmeo Thành viên cấp 1

    Ôi trời, ngày xưa đi thi cái bài ước mơ. Mình viết thật là mình không có ước mơ gì cả, viết ntn là tự vả vào mặt mình =)) Cô giáo phê là không học bài. Còn mẹ thì bảo mày phải biết chém ra chứ, văn chứ có phải viết thật đâu mà. :v :v bảo sao bây giờ nói dối như đúng rồi
    oblivion.sofar thích bài viết này
  9. karthus

    karthus Thành viên cấp 2

    nhớ nhất có bài văn trên mạng có đoạn" nhà em có nuôi một ông nội......".
  10. SoiNgoc

    SoiNgoc Mới đăng kí

    Tôi là nạn nhân của văn chương đây . Cái hồi 8x bọn tôi học , môn văn mà tự viết thì chả ra ý gì phịa theo mình hiểu thì toàn lủng củng ,hoặc viễn tưởng , hoặc rời rạc , ấy thế mà cứ văn mẫu với cánh đồng xanh bát ngát , dòng sông quê toi trong vắt với mái đình , giếng nước , "xào nấu vài câu " y như rằng đảm bảo trên 5 đ ^^ , sau nầy cứ thế mà dập đến tận cấp 3 , bảo sao đầu óc toàn thấy những điều tốt đẹp ,sống chung toàn người lãng mạng , những người quanh ta sao tốt đẹp nhân hậu thế , ,............ kết quả sống phi thực tế , rồi ra đời toàn gặp hoàn cảnh và con người khác hẳn , đến nỗi người tốt cũng lợi dụng mình , chán mình , người xấu thì khỏi nói rồi , sống hoang tưởng mất bao nhiu năm , đến khi phải Thả .....sống tự do phá phách 1 thời gian mới lấy lại dc cân bằng , từ đấy mới biết sống thực tế hơn , biết yêu thương hơn , nhận định cái tốt cái xấu ,nhưng vẫn hướng tới điều tốt đẹp dc , ,.... góp ý nhỏ mong nghành giáo dục có cách dạy bảo bọn trẻ cho phù hợp không thì tạo ra toàn thế hệ vô cảm hoặc người máy thì chết .....
    oblivion.sofar, SITUVNPhạm Hữu Dư thích bài viết này.
  11. lethu

    lethu Thành viên cấp 1

    Nhớ hồi lớp 10 cô cho đề "em hãy tả cuộc gặp mặt của mỵ châu trọng thủy ở dưới thủy cung" lớp nhao lên tìm văn mẫu nhưng ko có cuối cùng chém gió, đấy là lần đầu tiên lớp có nhiều bài văn với những ý tưởng hay ho 1-0-2 như vậy.Mình thích văn, nhưng ko thích cái cách dạy của giáo viên bây h, dập khuôn quá nhìn con em học lớp 5 viết văn mà ngán ngẩm, bảo nó sao ko tả thế này, thế kia nó bảo: Cô giáo đọc cho cả lớp chép rồi. haizzzzzzz
  12. htn_myn

    htn_myn Mới đăng kí

    hôm qua vừa nghe được câu chuyện của 1 bác có 2 con học tiểu học.
    bác bảo : " các cô giáo tiểu học bây giờ cứ mắc bệnh thành tích, cứ mỗi lần kiểm tra tập làm văn thì cô đều cho các cháu nhỏ của mình học thuộc tất cả các đề mà cô giáo sẽ ra vào buổi tới.... xong là đứa nào đứa nấy khi được trả bài kiểm tra thì toàn 8-9-10...có lẽ ai cũng biết là để được 8đ văn thì chắc không phải ai cũng làm được. Tôi đọc bài văn nó làm mà không thể ngờ là con mình nó có thể làm được... như 1 bài báo là đúng hơn ! còn kiểm tra tiếng Anh thì còn hay hơn, cô giáo ra hiệu thế nào thì khoanh tròn vào đáp án đấy..." Thật nhục nhã cho nền giáo dục Việt Nam...
    oblivion.sofar, lethuYến Mummi thích bài viết này.
  13. Yến Mummi

    Yến Mummi Thành viên cấp 1

    Mình lại nhớ đến thằng bé mình dạy thêm.
    Đề: tả mẹ em
    Bài làm: Mẹ em môi thâm xì, nhìn cũng biết ngày xưa nghiện thuốc lá nặng. Da mẹ em đen như than. Tính độc ác, suốt ngày mắng em. Biệt tài của mẹ là đếm tiền trong bóng tối.
    Đề: tả bà em
    Bà em rất hay cãi nhau với hàng xóm. Có lần bà quát cô hàng xóm rất to.
    Đề: tả ca sĩ đang biểu diễn trên sân khấu.
    Cả lớp tả mỹ tâm với bài cây đàn sinh viên =)))
    oblivion.sofarlethu thích bài viết này.
  14. dangthutrang

    dangthutrang Thành viên cấp 2

    Thấy có đứa chị con bác học lớp 4, viết bài văn miêu tả bao giờ cũng tả thật, chẳng được điểm cao. Người lớn bây giờ cứ tập cho trẻ con thói quen nói dối từ khi còn nhỏ vậy trời :( Thế đâu phải viết văn, mà là ghi nhớ - chép lại. Mà đâu chỉ tiểu học, hs thi đại học, viết mấy dòng cảm nhận nhiều khi cũng là chém ra thôi chớ, đi thi ai dám viết mỗi câu vào đề cảm nhận "Em không thích tác giả/bài viết này nên không có cảm xúc gì"... , trừ những ai xác định thi chơi :))
  15. Song Tử

    Song Tử Thành viên cấp 2

    :)) Lớp em có thằng lúc kt bài cũ để cb thi HK1 nó lên bảng chép 1 mạch không suy nghĩ một bài văn dài ngoằng trong khi cô chỉ bảo chép ý của bài :)) Em làm văn theo cảm xúc toàn 5.0 :))
  16. dr.dre

    dr.dre Thành viên cấp 1

    Giống như đi học thêm cô dạy tả con mèo : " Bà e có nuôi 1 con mèo. bà thương nó lắm. Sáng nào bà cũng cho nó ăn, chải lông cho nó. Bà bảo vệ nó khỏi những con chó hàng xóm .. v. ...v ...."
    Đi thi cho đề tả ông của em: " Bà em có nuôi 1 ng ông. Bà thương ông lắm. Sáng nào bà cũng cho ông em ăn và chải tóc cho ông. Bà bảo vệ ông khỏi những con chó hàng xóm ..... "
    =))=))=))
    dangthutrang thích bài viết này

Ủng hộ diễn đàn