Hãy đăng ký thành viên để có thể dễ dàng trao đổi, giao lưu và chia sẻ về kiến thức đồ họa.
  1. Hãy đăng ký subscribe kênh Youtube mới của Việt Designer tại địa chỉ: Youtube.com/VietDesignerChannel để theo dõi các video về thiết kế đồ họa. Do trước đó kênh cũ bị Youtube quét không rõ lý do, trong thời gian chờ kháng cáo nếu các bạn thấy video trên diễn đàn bị die không xem được thì có thể vào kênh mới để tìm xem video sơ cua nhé.
    Loại bỏ thông báo

10 nguyên lí thiết kế tốt của Dieter Rams

Chủ đề thuộc danh mục 'Kinh nghiệm / Kiến thức dành cho designer' được đăng bởi Thiên Ma, 4/10/13.

Lượt xem: 8,999

  1. Thiên Ma Lãng du VietDesigner

    Dieter Rams (sinh ngày 20/5/1932 tại Wiesbaden, Hesse) là nhà thiết kế cho hãng nội thất, đồ gia dụng Vitsœ của Đức và là một người rất có ảnh hưởng đến thế giới trong thế kỉ 20. Những năm 1970, Rams nhận thấy rằng những thứ xung quanh ông đang có "một sự rối rắm không thể phớt lờ về hình dáng, màu sắc và độ nhiễu". Ông quay sang hỏi chính bản thân mình: vậy thiết kế của tôi có tốt hay chưa, để rồi đưa ra 10 nguyên lý trong thiết kế công nghiệp vẫn còn được sử dụng cho đến tận ngày nay. Những nguyên lý này giúp những sản phẩm không chỉ trở nên đẹp mà còn hữu dụng và thân thiện hơn với người dùng.

    1. Thiết kế tốt chính là sự cách tân

    Khả năng của việc đổi mới là vô hạn và không ngừng nghỉ ở bất kì khía cạnh nào. Nhờ sự tiến bộ của công nghệ nên nhà thiết kế luôn luôn có được cơ hội để làm mới thiết kế của mình. Lưu ý rằng sự cách tân trong thiết kế sẽ luôn đi kèm với sự cách tân trong công nghệ, và chúng sẽ không bao giờ dừng lại. Ngay bên dưới bạn có thể thấy được một mẫu loa do Rams tạo ra, rất độc đáo, rất khác biệt, rất cách tân. Người ta vẫn thường nghĩ loa là phải có dạng thùng hoặc tháp, trông khá cục mịch, nhưng Rams đã thay đổi điều đó. Và thiết kế của chiếc loa này được nhiều người cho là khởi nguồn cảm hứng để Apple làm ra chiếc iMac.

    [​IMG]

    2. Thiết kế tốt làm cho sản phẩm trở nên hữu dụng

    Khi một sản phẩm đã được mua chắc chắn là để người ta xài, do đó nó phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định không chỉ về mặt tính năng và còn về mặt tâm lý và thẩm mĩ. Một thiết kế tốt sẽ nhất mạnh tính hữu dụng của một sản phẩm và bỏ quả tất cả những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến tính hữu dụng này. Ví dụ, trong một cái khay đựng giấy, người ta khoét một lỗ để chúng ta có thể đặt ngón tay vào và lấy giấy ra một cách dễ dàng. Hoặc như trên cục sạc laptop của Apple, bạn có thể bắt gặp hai "cái chân móc" để chúng ta quấn dây vào đó, tránh tình trạng dây bị rối.


    [​IMG]

    [​IMG]

    3. Thiết kế tốt là thẩm mĩ

    Tính thẩm mĩ của một sản phẩm được tích hợp chặt chẽ với tính hữu dụng bởi vì những sản phẩm mà chúng ta dùng hằng ngày có thể ảnh hưởng đến bản thân chúng ta và cả những người xung quanh. Sản phẩm phải đẹp, phải tốt thì người ta mới cảm thấy thích thú khi sử dụng nó. Bên dưới là chiếc máy sấy tóc HLD4 do Rams thiết kế, cách chọn màu của thiết bị này đẹp và nó giúp phản ánh nên tính cách của chủ nhân, do đó người dùng sẽ cảm thấy thích mỗi khi họ chạm vào sản phẩm này.

    [​IMG]

    4. Thiết kế tốt là phải tạo ra các sản phẩm dễ hiểu

    Tự bản thân thiết kế phải nói lên được kết cấu của sản phẩm. Tốt hơn một bậc, nó có thể giúp sản phẩm "nói" với người dùng về bản thân nó. Và ở mức tốt nhất, thiết kế sẽ giúp sản phẩm tự giải thích với người dùng về công năng và mọi thứ có liên quan tới nó. Như lời Dieter Rams, nếu có một sản phẩm có khả năng vượt qua những rào cản về thời gian, ngôn ngữ, giáo dục, văn hóa thì chúng ta có thể nói rằng nó là "một sản phẩm dễ hiểu". Ví dụ dễ thấy đó là chiếc điện thoại di động, nhìn vào là chúng ta biết nó dùng để làm gì, các phím thì phải nhấn ra sao. Hoặc như một cái radio, thiết kế của nó giúp chúng ta biết được nút nào xoay để chỉnh tần số, nút nào để chỉnh âm lượng mà thậm chí còn không cần phải nhìn vào các dòng chữ chú thích.

    [​IMG]
    Chiếc Radio RT20 của Rams thiết kế cho công ty Brauhn tuân theo nguyên lý thứ 5

    5. Thiết kế tốt là không phô trương

    Sản phẩm dùng để phục vụ một mục đích nào đó thì lại giống như các công cụ. Chúng không được mua về để trang trí, cũng chẳng phải là tác phẩm nghệ thuật gì cả. Nói cách khác, thiết kế phải giúp người dùng tập trung hoàn toàn vào việc sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả nhất chứ không phải dành nhiều giờ liền thắc mắc và suy nghĩ xem sản phẩm này được tạo ra bằng cách nào. Thiết kế phải trung tính và có những mặt giới hạn nhất định.

    Ảnh bên dưới là chiếc máy tính bỏ túi ET 66 Calculator do Rams thiết kế cho hãng Braun hồi năm 1987. Nó khác lạ so với những máy tính bỏ túi khác thời bấy giờ, nhưng lúc chúng ta xài thì chúng ta chỉ cần tập trung vào việc tính toán chứ không mải mê suy nghĩ về chính bản thân cái máy tính. Sự phối màu ở đây cũng là một cách "giới hạn" mà Rams áp đặt cho người dùng, không phải để làm gì đó tiêu cực mà để giúp người dùng sử dụng thiết bị một cách dễ dàng và tập trung hơn. Và nếu bạn để ý thì giao diện ứng dụng máy tính trên iOS trước đây có rất nhiều nét tương đồng với ET 66 Calculator, từ cách chọn màu cho đến hình dạng tròn của nút.
    [​IMG]

    6. Thiết kế tốt là trung thực

    Thiết kế không được làm cho một sản phẩm trở nên mới lạ, mạnh mẽ hay giá trị hơn những gì nó vốn có. Nhà thiết kế phải làm sao để người dùng cảm thấy rằng thiết kế này hoàn toàn xứng đáng với sản phẩm, không nói quá lên, và cũng không "thất hứa" với người dùng. Hãy thử tưởng tượng xem một chiếc máy xay sinh tố nếu được thiết kế cực đẹp, cực mới lạ, nhưng máy lại xay không nhuyễn thì có ích gì? Hoặc như một trang web sử dụng rất nhiều thành phần đồ họa để giúp bạn làm một việc gì đó dễ dàng hơn, nhưng thực chất lại đánh lừa bạn thực hiện một hành động nào đó mà bạn không mong muốn, vậy thì có được hay không?

    Ngoài ra, thiết kế tốt phải là thiết kế của chính bạn, không đi ăn cắp từ người khác mà là lấy cảm hứng từ môi trường xung quanh.

    7. Thiết kế tốt là phải trường tồn theo thời gian

    Thiết kế tốt không phải như một xu hướng thời trang, do đó nó sẽ không bao giờ lỗi thời. Một thiết kế tốt sẽ tồn tại qua rất nhiều năm, qua nhiều thế hệ người dùng khác nhau. Chúng ta có thể lấy ví dụ với Google chẳng hạn, thiết kế trang tìm kiếm của hãng gần như không hề thay đổi từ năm 1999 đến nay, mặc dù các icon hay đường link thì có được đổi màu một chút cho hiện đại hơn. Còn khung tìm kiếm, logo hai nút "Search" và "I'm feeling lucky" thì vẫn tồn tại như nguyên thủy.

    [​IMG]

    Ngoài ra, thiết kế tốt sẽ giúp cấu thành thói quen sử dụng đối với một sản phẩm nào đó. Ví dụ: phần đỡ cánh tay của chiếc ghế mà chúng ta hay ngồi thường nằm ở ngay dưới cánh tay để chúng ta có thể gác lên nó. Thiết kế này đã tồn tại được hàng trăm năm rồi đấy.


    8. Thiết kế tốt phải chú trọng đến từng chi tiết cuối cùng

    Cái tên của nó đã nói lên tất cả. Việc thiết kế phải được tiến hành một cách kĩ lưỡng cho từng chi tiết trên sản phẩm. Bạn có thể thấy được điều này thông qua cách mà Apple tạo ra iPhone 5: hãng cho đánh bóng và cắt kim cương phần viền giúp giữa cạnh máy với màn hình, điểm mà ít nhà sản xuất nào chịu trang hoàng cho thiết bị của mình. Hoặc như Sony với VAIO Z, hãng trang trí cho cạnh sau của màn hình laptop một dải kim loại màu bạc nổi bật, lại có thêm hai khấc nhỏ để giúp máy dựng nghiêng lên, trong khi những hãng khác thường để trống và không làm gì với chi tiết này. Theo Dieter Rams thì việc chú trọng như thế sẽ thể hiện sự tôn trọng của người thiết kế đối với người dùng.

    [​IMG]

    9. Thiết kế tốt phải thân thiện với môi trường

    Việc thiết kế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của môi trường. Thiết kế tốt phải giúp tiết giảm nguồn tài nguyên mà một sản phẩm sẽ sử dụng trong suốt vòng đời của nó, đồng thời cắt giảm những ảnh hưởng xấu đến môi trường. Chúng ta có thể thấy nguyên lý này thông qua việc các hãng sản xuất ngày nay chú trọng đến việc sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Các sản phẩm điện tử hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thủy ngân, vốn là một chất gây độc. Ngoài ra, thiết kế tốt cũng không được "đầu độc" môi trường xung quanh về khía cạnh thị giác, tức là không được làm xấu đi những gì đang có xung quanh sản phẩm.

    Trong thế giới số ngày nay, nếu nhìn khái niệm " môi trường" ra xa hơn thì đó không chỉ là đất, nước, không khí, tài nguyên thiên nhiên mà còn là băng thông mạng, nguồn tài nguyên CPU, GPU, bộ nhớ của hệ thống, và cả bản chất của thiết bị điện tử. Các nhà thiết kế web áp dụng nguyên lý thứ 10 này để tạo ra những website thân thiện với từng loại thiết bị khác nhau nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất có thể. Có thể thiết kế website đó là nhằm tiết kiệm lưu lượng hình ảnh và nội dung cần tải, hoặc áp dụng Responsive Design để giúp website "co giãn" tùy kích thước, độ phân giải màn hình của thiết bị.

    Tinhte.vn là ví dụ dễ thấy, bạn hãy thử kéo nhỏ cửa sổ trình duyệt lại với chiều ngang nhỏ hơn 700 pixel thì phần quảng cáo sẽ tự biến mất, tương tự như vậy khi bạn truy cập Tinhte.vn bằng smartphone. Bố cục trang sẽ được sắp xếp lại một chút để phù hợp cho màn hình kích thước nhỏ nhưng vẫn đảm bảo tính dễ dùng.

    [​IMG]

    10. Thiết kế tốt là đơn giản nhất có thể

    Thiết kế đơn giản nhưng phải làm cho mọi thứ trở nên tốt hơn, không phải là làm nó khó sử dụng hơn. Sự tối giản sẽ giúp tập trung vào những khía cạnh cơ bản và quan trọng, nhờ vậy mà người dùng và sản phẩm sẽ không bị chôn vùi trong một đống những chi tiết dư thừa. Theo Dieter Rams nói thì "quay về với sự thuần khiết, quay về với sự đơn giản", và ông đã áp dụng nó để tạo ra chiếc kệ 606 Universal có khả năng tháo lắp linh hoạt nhưng cũng vô cùng đơn giản như hình bên dưới. Chiếc loa L2 bên dưới do Rams thiết kế cho hãng Braun hồi năm 1958 cũng thế.

    [​IMG]
    Theo TINHTE.vn

    ...
    Phạm Hữu Dư, Hẻo Hóm Hĩnhthanhiep01 thích bài viết này.

Ủng hộ diễn đàn