Hãy đăng ký thành viên để có thể dễ dàng trao đổi, giao lưu và chia sẻ về kiến thức đồ họa.
  1. Hãy đăng ký subscribe kênh Youtube mới của Việt Designer tại địa chỉ: Youtube.com/VietDesignerChannel để theo dõi các video về thiết kế đồ họa. Do trước đó kênh cũ bị Youtube quét không rõ lý do, trong thời gian chờ kháng cáo nếu các bạn thấy video trên diễn đàn bị die không xem được thì có thể vào kênh mới để tìm xem video sơ cua nhé.
    Loại bỏ thông báo

[Cùng học hỏi] Nhận tư vấn về máy ảnh và các vấn đề liên quan đến nhiếp ảnh

Chủ đề thuộc danh mục 'Hỏi đáp - Thảo luận' được đăng bởi Jucker, 9/5/13.

Lượt xem: 23,499

  1. Jucker Thành viên cấp 2

    Xin chào toàn thể các bạn, anh, chị trong box Nhiếp ảnh, em xin giới thiệu bản thân em trước. Em có nick trên Xóm nhiếp ảnh, vnphoto hay các diễn đàn khác là Jucker. Nick facebook của em là Tíc Tắc (http://www.facebook.com/Juckerphotographer). Em mở topic này nhằm giúp đỡ các bạn mới chơi về nhiếp ảnh có các câu hỏi thắc mắc cần giải đáp [ngày trước em cũng đi hỏi nhiều lắm :))] và được học hỏi thêm kiến thức từ các anh chị, các bạn. Vì lượng kiến thức của em không nhiều, nên cũng mong các bạn trong diễn đàn nếu biết gì thì giúp đỡ thêm. Người Việt mình có câu:" Không biết thì hỏi" và từ các câu hỏi ta cũng học thêm được nhiều điều. Nên em rất mong nhận được nhiều câu hỏi của các bạn trong diễn đàn về nhiếp ảnhmáy ảnh. Với lượng kiến thức ít ỏi của em, giải đáp được đến đâu em sẽ giải đáp ạ ^^ còn đâu nhờ mọi người quote lại bổ sung thêm. Các bác cũng đừng đánh đồng em là đã kém còn thích giúp đỡ người khác ạ. Cái này chỉ là em mở ra với mục đích giúp đỡ những ai kém hơn em và những bạn có đam mê mới bước chân vào lĩnh vực này, qua đó em cũng học hỏi thêm được từ nhiều người khác (mở rộng thêm quan hệ với các anh em bạn bè chơi ảnh). Các bác nào giỏi hơn, đã biết rồi, nhưng không có nhu cầu chia sẻ thì cũng đừng ném gạch em nhé. :)). Em sợ đã không được miếng còn mang tiếng lắm. Nhất là bây giờ giới nhiếp ảnh VN chụp ảnh bằng bàn phím nhiều hơn máy ảnh nữa :)).
    * Yêu cầu: - Các bác có câu hỏi thì đọc các comment ở trên và đánh "câu hỏi số..." theo thứ tự. Trong một câu hỏi của các bác có nhiều í thì cũng đánh "1,2,3..." dùm em.
    - Những vấn đề nằm ngoài câu hỏi, hay những câu nói không liên quan, nếu có thể nhờ admin del hộ em, đỡ loãng topic và mọi người khi đọc lại cũng không phải tìm nhiều.
    Topic của em làm việc từ 6h sáng đến 24h đêm ạ :) Xin chân thành cảm ơn các bác đã quan tâm. Ai hứng thú thì like hộ em :)

    ...
    Cici, Táo Trần, ryo.uit10 người khác thích bài viết này.
  2. Trung Kiên

    Trung Kiên Thành viên cấp 3

    #1 Cho e hỏi với lens kit (18-55) làm sao có thể chụp ra được những tấm ảnh như thế này? ;;)
    [​IMG]
  3. Jucker

    Jucker Thành viên cấp 2

    Trung Kiên: Bạn sửa dùm mình là thêm tiêu đề câu hỏi số 1 nhé ^^ Mình xin trả lời bạn như sau:
    + Ở đây không xem được exif ảnh nên không dám nói là có đúng nó được chụp bằng 18-55 không, vì nếu đúng thì người xử lí pts rất khéo :D
    + Nếu bạn sử dụng kit 18-55 bạn có thể kéo tiêu cự lên 55 chụp bán thân chủ thể như thế này, nhưng phông sẽ không xóa nhòa kiểu 135f2 hay 85f1.2 thế này đâu. Sau đó sử dụng pts với lệnh blur hoặc sử dụng plug in alien skin bokeh để làm nhòe phông thêm :D
    Chúc bạn thành công.
    Trung KiênHuỳnh Nhật Hưng thích bài viết này.
  4. Nguyễn Thế Anh

    Nguyễn Thế Anh Mới đăng kí

    Bức ảnh trên được chụp bằng 5D MII và lens 135 f/2.0 L
    Đây là ảnh gốc trên flickr, đầy đủ thông tin exif: flickr.com/photos/65977087@N00/3929892385
    Jucker thích bài viết này
  5. Jucker

    Jucker Thành viên cấp 2

    Nguyễn Thế Anh: Cám ơn em :) Anh trả lời ở trên rồi. Em có gì muốn hỏi không :)
  6. Jucker

    Jucker Thành viên cấp 2

    Post một bài sưu tầm chào buổi sáng các bác :) Mong chờ nhận được nhiều câu hỏi của các bác trong hôm nay. Bài này đọc hay lắm đấy ^^​
    Máy ảnh của bạn đâu phải là vấn đề lớn!


    [​IMG]
    Ansel Adams​
    Tại sao trải qua hơn 60 năm phát triển cùng với những tiến bộ vượt bậc của các loại thiết bị ngành ảnh mà vẫn không ai có được những tác phẩm xuất sắc như Ansel Adams đã từng làm vào những năm 1940?​
    Ansel thậm chí còn chẳng có Photoshop! Vậy ông ấy đã chụp những bức ảnh ấy như thế nào? Hầu hết mọi nỗ lực để đạt được điều tương tự đều thất bại, cũng có những nhiếp ảnh gia có những tác phẩm rất đẹp như Jack Dykinga, nhưng là với một phong cách khác , còn để giống như Ansel thì chưa ai làm được.​
    Có những nhà nhiếp ảnh đã dùng internet để xác định chính xác tọa độ địa điểm mà Ansel đã chụp các bức ảnh của ông . Sau đó cùng với những trang bị tối tân và tác phẩm của Ansel trong tay, họ tìm đến nơi với mong muốn chụp được một bản sao hoàn hảo nhất (điều này là vi phạm luật bản quyền của Mĩ) . Tuy nhiên điều họ làm được là những bức hình trông thì giống nhưng hoàn toàn thiếu sự ấn tượng và cảm xúc của phiên bản gốc​
    Tôi không đùa đâu. Bạn có thể đọc thêm về những người này ở đây . Họ đã nhờ các nhà thiên văn học của trường đại học để dự đoán thời điểm duy nhất trong 2 thập kỉ mà những điều kiện thiên nhiên có thể lặp lại, và 300 người đó đã tìm đến đúng địa điểm dự đoán. Dù vậy họ vẫn không có được những đám mây, tuyết hay bóng râm như mong muốn. Dĩ nhiên là họ không thể đạt được những bức ảnh như Ansel: nhiếp ảnh nghệ thuật xuất phát từ cảm hứng, không phải là từ sự sao chép.​
    Tại sao mà khi ai cũng biết rằng có thể sử dụng Photoshop để biến những bức ảnh tồi thành một tác phẩm nhưng khi bắt tay vào làm thì sau nhiều giờ kết quả lại tồi tệ còn hơn ban đầu?​
    Có lẽ những gì tạo nên các tác phẩm của người nghệ sĩ nhiếp ảnh là con mắt nhạy cảm, sự kiên nhẫn và những kĩ năng chứ không phải là những dụng cụ mà anh ta sử dụng.
    [​IMG]
    Tác phẩm Anseladams Rocks​
    Chiếc máy ảnh nắm bắt lại những gì bạn tưởng tượng ra . Không có sự tưởng tượng, không có ảnh, mà chỉ là những thứ rẻ tiền. Từ “image” (hình ảnh) xuất phát từ “imagination” (sự tưởng tượng) chứ không phải từ “độ nét ống kính” hay “độ nhiễu” (noise level). Những tác phẩm của David LaChapelle đều xuất phát từ sự tưởng tượng của ông ấy, không phải từ chiếc máy ảnh. Sắp đặt được những bối cảnh như vậy mới là phần khó khăn. Một khi mọi thứ đã được sắp đặt thì máy ảnh nào cũng chụp được như vậy. Nếu như đưa tôi chiếc máy ảnh của David LaChapelle thì tôi sẽ chẳng bao giờ chụp được như ông ấy, ngay cả khi cho tôi đúng người diễn viên ngôi sao đó.​
    Lý do duy nhất mà tôi để tấm hình mình với cái ống kính khổng lồ ở trang chủ là để không phải thêm cái tiêu đề “nhiếp ảnh” hay “nhiếp ảnh gia” bên cạnh. Cái ống kính đó sẽ nói rõ điều đó hơn bất kì từ ngữ nào. Đó chính là mục tiêu của giao tiếp bằng hình ảnh: Suy nghĩ lâu và kĩ để nói ra điều mình muốn nói một cách rõ ràng và nhanh chóng nhất. Còn về cái ống kính khổng lồ đó thì tôi đã không sử dụng nó nhiều năm nay rồi.​
    Nói về máy ảnh, bất cứ chiếc máy ảnh nào, không kể tốt xấu đều có thể cho ra những bức ảnh nổi bật để đăng lên bìa tạp chí, đạt giải ở các cuộc thi hay được trưng bày ở các triển lãm. Chất lượng của ống kính hay máy ảnh hầu như chẳng liên quan gì đến chất lượng của những bức hình mà nó tạo ra​
    Những bức hình cỡ 13x19” của Joe Holmes trong series American Museum of Natural History được bán ở nhà trưng bày Jen Bekman Gallery tại Manhatan với giá 650$ một bức. Chúng đều được chụp bằng máy D70​
    Có rất nhiều triển lãm bán những bức hình được chụp bằng máy Holga và thu được rất nhiều tiền, chỉ có điều họ chẳng bao giờ nói ra điều đó. Một chiếc Holga mới tinh được bán với giá 14.95$ ở đây . Bạn cũng có thể thấy những bức hình đoạt giải được chụp bằng máy Holga trưng bày trong gallery Hemicycle của Bảo tàng nghệ thuật Corcoran trong cuộc thi Eyes of History vào năm 2006 của tổ chức White House News Photographers ở đây.​
    Walker Evans đã có lần nói “Mọi người cứ hay hỏi là tôi dùng máy ảnh gì. Máy ảnh không phải là thứ quan trọng, quan trọng là - - - “ và anh ta lấy ngón trỏ gõ gõ vào đầu mình.​
    Tương truyền rằng, cha của chúa Jesus, thánh Joseph, đã xây dựng những bậc thang gỗ kì diệu của mình trong một nhà thờ ở New Mexico vào năm 1873 và liệu có ai quan tâm đến những dụng cụ mà ông đã dùng? Hãy thử tìm kiếm và bạn sẽ thấy rất nhiều cuộc thảo luận hàn lâm về điều này nhưng không bao giờ đề cập đến chuyện dụng cụ . ​
    Thiết bị của bạn KHÔNG ảnh hưởng đến chất lượng những bức ảnh của bạn. Càng bỏ ít thời gian quan tâm đến thiết bị của mình, bạn càng có nhiều thời gian để đầu tư cho việc tạo ra những bức ảnh đẹp. Thiết bị tốt chỉ giúp bạn đạt được điều mong muốn nhanh hơn, thuận tiện hơn hoặc dễ dàng hơn.
    [​IMG]
    “Tất cả những ống kính tốt ngày nay đều được tinh chỉnh để đạt được độ trung thực cao nhất ở khẩu độ lớn nhất. Giảm khẩu độ chỉ là để tăng chiều sâu ảnh…” Ansel Adams, ngày 3-6-1937 đã trả lời như vậy với Edward Weston khi được nhờ tư vấn về việc chọn ống kính (trang 244 tự truyện của Ansel). Ansel đã chụp được những bức ảnh sắc nét đến kinh ngạc cách đây đến 70 năm mà không hề mất thời gian quan tâm đến ống kính của mình sắc nét đến mức nào. Với 70 năm tiến bộ của ngành ảnh, chúng ta lại càng phải tập trung hơn nữa cho việc chụp ảnh thay vì để ý đến những biểu đồ đánh giá chất lượng . Dĩ nhiên là ống kính cho cỡ phim lớn vào những năm 1930 và cả bây giờ đều khá chậm, thường là f/5.6. Còn ống kính cho cỡ phim nhỏ và máy kĩ thuật số thì sẽ hoạt động tốt nhất khi giảm bớt khoảng 2 khẩu.​
    Mua thiết bị mới sẽ KHÔNG cải thiện chất lượng ảnh của bạn. Trong nhiều năm tôi đã từng nghĩ “giá mà mình có cái ống kính đó” thì tất cả những bức ảnh tôi muốn chụp đều sẽ được thực hiện. Không đâu, tôi vẫn muốn “thêm một ống kính mới nữa” và đã 30 năm như thế. Luôn luôn có ý nghĩ về việc có thêm một cái ống kính nữa. Hãy vượt qua suy nghĩ đó. Bạn hãy đọc bài viết "The Station" này để hiểu thêm.​
    Nhiệm vụ duy nhất của chiếc máy ảnh đứng tránh ra khỏi con đường tạo nên một bức ảnh.
    Ernst Haas đã kể lại câu chuyện trong một trại sáng tác vào năm 1985 thế này :​
    Có 2 cô gái đến từ Nova Scotia đã rất cố gắng để có mặt trong trại sáng tác này. Họ đều làm fan của Leica, làm việc trong một cửa hiệu bán máy ảnh, để dành tiền để mua Leica và rất nể trọng Ernst vì ông cũng dùng máy Leica (cho dù ông đã dùng máy Nikon để chụp những bức ảnh quảng cáo Marlboro lừng danh của mình)​
    Sau 4 ngày ở trại sáng tác này, ông đã chịu hết nổi sự thần tượng Leica quá mức mà những người trẻ tuổi này bộc lộ và trong một cuộc thảo luận, khi một trong số họ hỏi thêm một câu về việc xây dựng sự đẳng cấp của loại máy ảnh này thì Ernst đã nói “Leica, schmeica. Chiếc máy ảnh không làm nên một chút khác biệt nào cả. Tất cả chúng đều nắm bắt lại những gì bạn đang nhìn thấy. Nhưng bạn phải THẤY.​
    Thế là từ đó đến kết thúc trại sáng tác, không còn ai nói về Leica, Nikon, Canon hay bất cứ nhãn hiệu máy ảnh nào nữa.​
    Ông còn nói , “Ống kính góc rộng tốt nhất à? Đó là bước lui 2 bước”
    (Câu chuyện thú vị này của Haas được kể bởi Murad Saÿen, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng từ Oxford,Maine mà mọi người đều ngưỡng mộ. Nhiều người nói rằng ông bất ngờ xuất hiện từ hư không như là một sự kết hợp của Eliot Porter và Henri Cartier Bresson. Tôi đã tìm thấy ít nhất 3 trang web tự nhận là trang chính thức của Haas ở đây, ở đây và ở đây​
    Bạn cũng có thể xem một trong những loạt ảnh đẹp nhất thế giới ở đây , và tác giả của chúng cũng nói những điều tương tự như vậy ở đây . Còn đây là một loạt những dữ liệu nghiên cứu khác cũng chứng minh việc tại sao sở hữu nhiều ống kính sẽ chỉ làm cho những bức ảnh tệ hơn. Tôi cũng đã từng chụp những bức ảnh trắng đen ở đây với một chiếc máy ảnh hộp 50 tuổi giá 3$ có cấu trúc còn đơn giản hơn những máy ảnh chụp 1 lần hiện nay. Còn trang web này có những tác phẩm tuyệt đẹp được chụp bằng máy PnS Olympus 8080​
    Andreas Feininger (người Pháp, 1905-1999) đã nói rằng “Những người nhiếp ảnh – mà trong đó có rất nhiều kẻ ngu ngốc – thường nói rằng “Ôi, giá mà tôi có một cái Nikon hay Leica, tôi có thể chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp” Đó là điều ngu xuẩn nhất mà tôi từng được nghe trong đời mình. Nó không gì khác ngoài việc bạn phải thấy,phải suy nghĩ và phải đam mê. Đó là điều làm nên những bức ảnh đẹp. Và sau đó hãy loại bỏ tất cả những gì có thể làm xấu bức ảnh. Ánh sáng xấu, phông nền xấu và tiếp tục như vậy. Hãy nhớ điều đó, đừng cố chụp những bức ảnh như vậy bất kể chủ thể có đẹp đến mức nào”​
    Ai cũng biết là những chiếc xe không thể tự lái, những chiếc máy đánh chữ không thể tự viết ra các tác phẩm văn học và những cây cọ của Rembrandt cũng không thể tự vẽ. Vậy thì tại sao rất nhiều người thông minh lại cho rằng những chiếc máy ảnh sẽ tự đi lòng vòng và tự chụp ra những bức ảnh đẹp cho họ? Một chiếc xe hiện đại, tối tân, mắc tiền nhất cũng không thể tự lái theo làn đường của nó chứ chưa nói đến việc sẽ chở bạn về nhà. Bất kể máy ảnh của bạn có tân tiến như thế nào thì bạn cũng phải có trách nhiệm đưa nó đến đúng nơi, đúng lúc và chĩa nó đúng hướng để chụp được bức ảnh bạn muốn. Tất cả mọi chiếc máy ảnh đều có lúc phải yêu cầu bạn phải chỉnh tay, bất kể nó có hiện đại đến đâu. Đừng bao giờ đổ lỗi cho chiếc máy ảnh không thể biết hết mọi thứ , đo sáng bị sai hoặc cho ra những tấm ảnh mờ tịt.​
    Tiếp theo dưới đây tôi sẽ kể về hành trình khám phá ra chân lý của mình:
    Khi nói đến nghệ thuật , có thể là âm nhạc, nhiếp ảnh, lướt ván hay bất cứ thứ gì khác thì đều có một ngọn núi để vượt qua. Điều gì xảy ra trong 20 năm đầu khi bạn học một môn nghệ thuật nào đó mà chỉ biết rằng là nếu bạn có nhạc cụ, máy ảnh, hay ván trượt tốt hơn thì bạn sẽ giỏi như những nghệ sĩ nổi tiếng. Bạn bỏ phí quá nhiều thời gian để lo lắng về những thiết bị của mình và luôn muốn mua những thứ tốt hơn. Sau 20 năm đầu đó, bạn cuối cùng cũng trở thành một người tài giỏi và bỗng một hôm có một người hỏi bạn về bước ngoặc trong sự nghiệp khiến bạn thành công thì bạn nhận ra đó chính là lúc bạn hiểu được rằng thiết bị không là gì cả.​
    Bạn cuối cùng cũng hiểu rằng những thứ dụng cụ mà bạn mất rất nhiều thời gian thu thập chỉ làm cho bạn dễ dàng hơn để đạt được mục tiêu. Nhưng bạn cũng thấy rằng mình đã có thể đạt được mục tiêu đó bằng những dụng cụ rẻ tiền như ban đầu cho dù phải mất thêm một chút nỗ lực. Bạn nhận ra rằng điều quan trọng nhất mà bộ đồ nghề của bạn phải làm là đừng cản con đường đi của bạn. Và rồi bạn cũng nhận ra rằng giá như bạn không bỏ phí nhiều thời gian để suy nghĩ về thiết bị mà để thời gian đó luyện tai, chụp hình hay cưỡi sóng nhiều hơn thì bạn đã có thể thành công sớm hơn rất nhiều.​
    Tôi đã gặp Phil Collins trong một buổi biểu diễn vào tháng 12 năm 2003. Có một điều rõ ràng là mọi người luôn nhận ra được những âm thanh của ông. Một vài người đã thử chơi bộ trống của Phil khi ông ra nghỉ giải lao và bạn biết không? Nó nghe hoàn toàn khác Phil. Mặt khác, khi chơi trên một bộ trống cho thuê thì Phil vẫn là Phil. Vậy bạn có còn nghĩ rằng bộ trống đã đem lại những âm thanh tuyệt vời đó cho ông ấy hay không?​
    Có một người ở Michigan dạy đua xe kể rằng. Con gái của một trong các học viên đến và tỏ ý muốn học. Cô bé xuất hiện trên đường đua cùng với một chiếc Chevy Cavalier. Thế rồi cô ta qua mặt những người trung niên trên những chiếc Corvettes và 911. Tại sao ư?Rất đơn giản: Cô ta đã chú ý đến những lời hướng dẫn và cố gắng chạy thật ổn định và đúng làn, không tìm cách lao hết tốc lực mà kiên nhẫn và tận dụng kĩ năng. Những học viên ở đó đã rất xấu hổ, khi bị đánh bại bởi một CÔ GÁI, mà chỉ mới 16 tuổi.​
    Như vậy đó, nếu bạn là một tay lái chuyên nghiệp, bạn sẽ biết cách để khai thác đến giọt cuối cùng khả năng của một chiếc xe và sẽ bị giới hạn bởi khả năng của nó. Còn nếu bạn giống như hầu hết mọi người khác thì chiếc xe hơi, cái máy ảnh hay đôi giày chạy sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến kết quả bạn đạt được bởi vì bạn chính là nhân tố quyết định chứ không phải những thứ công cụ ấy.​
    Hãy tìm gặp những nghệ sĩ lớn khi họ đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà tài trợ và họ sẽ chia sẻ những điều tương tự với bạn.​
    Vậy tại sao những nghệ sĩ lớn với những tác phẩm được ngưỡng mộ lại luôn dùng những thứ đồ nghề hiện đại và đắt tiền nhất nếu như nó chẳng ảnh hưởng gì? Đơn giản thôi:​
    1. Những dụng cụ tốt sẽ giúp cho bạn dễ dàng hơn để đạt được kết quả mong muốn. Dụng cụ xấu hơn sẽ có thể làm bạn tốn nhiều công sức hơn.
    2. Chúng có độ bền cao phù hợp cho những người cần sử dụng chúng gần như mọi lúc.
    3. Người dùng cao cấp sẽ cần đến một số tính năng phụ trợ tiện dụng . Những sự tiện dụng đó sẽ giúp cho việc chụp ảnh dễ hơn, nhưng chúng không làm cho những bức ảnh đẹp hơn

    4. Này bạn, những dụng cụ tốt chẳng có gì sai trái cả, và nếu bạn có đủ tiền để chi cho nó thì tại sao không? Chỉ cần đừng bao giờ nghĩ rằng những thứ dụng cụ xa xỉ đó sẽ lao động thay cho bạn.

    Vậy tại sao tôi lại đưa tấm hình mình với cái ống kính khổng lồ ấy ra trang nhất? Đơn giản thôi: Nó giúp tôi không phải ghi là “Ken Rockwell Photography", nghe không hay mà lại chiếm nhiều chỗ. Cái máy ảnh to đã truyền tải thông điệp ấy tốt hơn và nhanh hơn vì vậy tôi chỉ cần nói là “Ken Rockwell”​
    Đây là những bức ảnh được chụp bởi một anh chàng ở Philipines – bằng điện thoại di động của anh ta​
    Một ví dụ cuối cùng : Trước đây tôi có mua một chiếc máy ảnh cũ , nó không lấy nét tốt cho lắm. Tôi đã quay lại chỗ bán hàng vài lần để sửa, mỗi lần sửa xong thì nó vẫn như cũ. Là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, tôi biết cách khắc phục lỗi này, nhưng điều đó khá bất tiện khi mà tôi luôn phải chỉnh lại nét bằng tay. Và trong lúc thử nghiệm chiếc máy ảnh này thì tôi đã có được bức ảnh yêu thích nhất của mình. Bức ảnh này đã đem về cho tôi đủ loại giải thưởng và còn được treo ở một gallery tạị Los Angeles . Ở đây , nó đã được treo lên ngay khi tấm ảnh gốc của Ansel Adams được gỡ xuống và khi tấm ảnh của tôi gỡ xuống thì lại đến ảnh của Ansel được treo ngay lên lại. Hãy nhớ rằng, tấm ảnh đó được chụp bằng chiếc máy ảnh mà nơi bán đã nói rằng nó không thể sửa được.​
    Phần quan trọng nhất của bức ảnh là việc tôi đã ở lại một mình khi mà những bạn bè của tôi cùng đi về ăn tối vì tôi đã nghi ngờ rằng sẽ có một cảnh đẹp sắp diễn ra (bầu trời màu magenta như trong hình) Tôi đã chụp một bức ảnh với 4 phút phơi sáng với một ống kính thường. Tôi cũng đã có thể làm được điều đó với chiếc máy ảnh 3$ mà tôi dùng để chụp những bức ảnh đen trắng ở đây và kết quả cũng sẽ không khác gì.​
    Bạn biết không, đôi khi tôi cũng nhận được những bức thư và cuộc gọi điện thoại đầy sự bất mãn từ những người đàn ông (chưa bao giờ gặp phụ nữ) không đồng ý với sự lựa chọn thiết bị của tôi. Họ khó chịu bởi vì tôi thích những thứ khác với họ. Họ chính là những người chưa vượt qua đỉnh núi mà tôi nói ở trên và vẫn nghĩ rằng mỗi thứ dụng cụ đều có những thang đo tuyệt đối về chất lượng, bất kể nó được dùng trong trường hợp nào. Họ coi những thứ dụng cụ ấy như là một cánh tay bổ sung cho thân thể họ và vì vậy không thật khó hiểu trước những phản ứng của họ khi xem những lựa chọn thiết bị của tôi. Lấy ví dụ, những người sưu tập Leica ở đây thật sự có vấn đề với trang web này. Mọi thứ đồ nghề đều có những giá trị riêng phụ thuộc vào việc bạn sẽ dùng nó trong trường hợp nào. Những thứ phù hợp với bạn có thể không phù hợp với tôi và ngược lại.​
    Với bất kì chiếc máy ảnh nào, bất kể tốt xấu đều có thể được dùng để tạo ra những bức ảnh nổi bật để đăng bìa tạp chí, đoạt giải thưởng và trưng bày trong các triển lãm lớn. Chất lượng ống kính hầu như không liên quan gì tới chất lượng những bức ảnh mà nó tạo ra.​
    Bạn có thể đã có tất cả đồ nghề bạn cần, nếu vậy thì bạn chỉ còn phải học cách sử dụng nó một cách tốt nhất. Đồ nghề tốt hơn không tạo ra những bức ảnh đẹp hơn, bởi vì đồ nghề không thể làm cho bạn thành một nhà nhiếp ảnh tài giỏi.​
    Nghệ sĩ nhiếp ảnh tạo ra những bức ảnh chứ không phải là do chiếc máy ảnh.​
    Đáng buồn là có khá ít người nhận ra được những điều này và suốt ngày chỉ đổ lỗi cho thiết bị tồi thay vì sử dụng thời gian để học cách quan sát và học cách vận dụng và kết hợp ánh sáng​
    Mua một chiếc máy mới sẽ chắc chắn đem lại cho bạn nhưng bức ảnh y như cũ . Sự học tập mới chính là cách để có những bức ảnh đẹp hơn .​
    Đừng đổ lỗi cho đồ nghề của bạn vì nó bỏ sót một thứ gì đó trên tấm ảnh. Nếu bạn còn nghi ngờ thì hãy đến một bảo tàng ảnh hay đọc một cuốn sách lịch sử nhiếp ảnh và xem những tấm ảnh mà người ta chụp cách đây 50 đến 100 năm hoàn hảo về mặt kĩ thuật như thế nào. Ưu thế mà dụng cụ hiện đại đem lại là sự tiện lợi, không phải là chất lượng ảnh. Hãy xem những bức ảnh đen trắng của tôi trong Death Valley Gallery . Nó trông sắc nét chứ? Chúng được chụp bằng chiếc máy ảnh tiêu cự cố định 50 năm tuổi mà tôi đã mua với giá 3$​
    Tôi đã chụp được những tấm ảnh tuyệt vời cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật bằng chiếc máy ảnh giá 10$ mua ở Goodwill và cũng đã chụp ra hàng đống rác rưởi với chiếc ống kính 10.000$ trên chiếc máy Nikon của mình.​
    Nhiếp ảnh gia Edward Steichen đã chụp ảnh diễn viên múa Isadora Duncan ở Acropolis, Athens vào năm 1921. Ông đã sử dụng một chiếc máy Kodak mược của người phục vụ khách sạn. Những bức ảnh, dĩ nhiên là tuyệt vời. Steichen đã không mang máy ảnh của mình theo vì kế hoạch bạn đầu chỉ là làm việc với những thiết bị làm phim. Bức ảnh này được trưng bày tại bảo tàng The Whitney trong năm 2000 - 2001.​
    Bạn phải học cách để quan sát và sáng tạo. Càng nhiều thời gian bạn phí phạm vào việc quan tâm đến thiết bị thì càng ít thời gian bạn còn cho việc tạo ra những bức ảnh đẹp. Hãy quan tâm đến những bức ảnh , không phải đến đồ nghề.​
    Ai cũng biết là nhãn hiệu của một chiếc máy đánh chữ (hay là khả năng sửa chiếc máy đó) chẳng liên quan gì đến khả năng sáng tác ra một tác phẩm văn học, cho dù một chiếc máy tốt sẽ giúp cho việc đánh máy thoải mái hơi. Vậy thì sao nhiều người lại cứ cho rằng loại máy ảnh mà người khác sử dụng hay là những kiến thức về tốc độ màn trập , cấu trúc ống kính hay công nghệ máy ảnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng tạo ra những bức ảnh đẹp?​
    Cũng giống như một người cần phải biết cách sử dụng máy đánh chữ để có thể viết một kịch bản, bạn cũng phải cần biết cách sử dụng chiếc máy ảnh của mình để chụp, nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ bé trong quá trình tạo ra sản phẩm. Bạn có hình dung nào về nhãn hiệu máy tính hay phần mềm tôi dùng để tạo ra những gì bạn đang đọc hay không? Dĩ nhiên là không trừ phi bạn đọc trang about của tôi. Nó quan trọng với tôi , nhưng chẳng là gì với bạn – nhưng người độc giả. Cũng như vậy, chẳng ai lại nhìn vào những bức ảnh của bạn và kết luận hay quan tâm đến việc bạn dùng loại máy ảnh nào. Nó chẳng có ý nghĩ gì cả.​
    Biết cách làm một điều gì là hoàn toàn khác biệt với việc có thể làm được điều đó, và làm điều đó thật tốt thì lại còn khác xa.​
    Chúng ta đều biết cách chơi Piano: Chỉ cần nhấn vào các phím và đạp vào các pedal. Nhưng khả năng chơi được nó, chưa nói đến khả năng chơi một cách có hồn lại là một điều hoàn toàn khác​
    Đừng lầm tưởng những thứ đồ nghề mắc tiền nhất là tốt nhất. Có quá nhiều đồ nghề nhiếp ảnh là cách tốt nhất để tạo ra những bức ảnh tồi nhất.​
    Những chiếc máy ảnh và ống kính mắc tiền hơn không tạo ra những khác biết đáng kể so với mức giá ngất ngưỡng của chúng​
    Dịch sang tiếng Việt : Hồ Phước Bảo Chi ( solidsnake_bc@yahoo.com).
    Jellopy, ryo.uit, tuxuonglc7 người khác thích bài viết này.
  7. Jucker

    Jucker Thành viên cấp 2

    Mình rất thích xem các clip về nhiếp ảnh của digital rev, chia sẻ cũng các bạn. Vừa học tiếng anh vừa học nhiếp ảnh nhé ^^


    50 Quick Photography Tips


    HoanTQ, Panbeo, Vo Hoang Bac1 người khác thích bài viết này.
  8. Jucker

    Jucker Thành viên cấp 2

    Street life Photography with Hai Thanh

    .GấuPanbeo thích bài viết này.
  9. CHAULUONG

    CHAULUONG Mới đăng kí

    Bạn ui trả lời dùm mình cái này mình thắc mắc lâu rùi:
    1. Nikon d3100 chế độ chụp lấy nét tay Manual ah, thí dụ chụp 1 bông hoa thì mình ko biết cách lấy hết toàn bộ cành+lá+nguyên cái hoa mà chỉ lấy đc 1 phần của bông hoa thui, làm sao để lấy nét hết bông hoa mà ko bị blur phần nào nào hết zị bạn ?
    Jucker thích bài viết này
  10. Linh Dang

    Linh Dang Thành viên cấp 2

    Em muốn hỏi bác 1 câu là : 70-200 cắm trên crop khác với cắm trên ff ở chỗ nào?
    Jucker thích bài viết này
  11. hungdinh

    hungdinh Mới đăng kí

    CHAULUONG: Vấn đề nằm ở chỗ bạn khép khẩu quá lớn (f nhỏ) nên DOF mỏng, bạn chỉ cần để khẩu bé hơn (f lớn) là ok ngay í mà.
    Huỳnh Nhật Hưng, JuckerCHAULUONG thích bài viết này.
  12. CHAULUONG

    CHAULUONG Mới đăng kí

    thanks bạn hungdinh hihi h thì mình đã hỉu
    Jucker thích bài viết này
  13. Liebestraum

    Liebestraum Clone Stamp Talent

    Thank bài viết rất hay bạn đã share ở dưới :-bd Có lẽ bạn nào đọc hết bài đó rồi sẽ không còn mấy câu hỏi như "máy nào chụp đẹp hơn" nữa nhỉ :)
    Jucker thích bài viết này
  14. Zeroco

    Zeroco Thành viên cấp 3

    rất hoan nghênh và ủng hộ tinh thần của chủ top.
    [vỗ tay] [vỗ tay] [tung hoa] [tung hoa] :P
    Jucker thích bài viết này
  15. ngocanpk81

    ngocanpk81 Thành viên cấp 1

    Linh Dang cái này mình vừa tìm hiểu không chắc chắn là chính xác nhưng mà theo tài liệu nhiếp ảnh trong diễn đàn thì cùng 1 tiêu cự thì ống fullframe sẽ cho tấm ảnh có chất lượng tốt hơn nhờ cảm biến lớn nên thu được nhiều ánh sáng hơn và khử noise tốt hơn. Ngoài ra máy ff sẽ giữ được đúng dải tiêu cự ghi trên ống kính còn máy cropframe thì tiêu cự ống kính trên máy của bạn sẽ tính theo qui tắc [ tiêu cự ok * hệ số crop của máy bạn ]
    vd thường các máy dòng entry hoặc semi sẽ có hệ số crop là 1.6 (có cả 1.3 mà mình thấy ít) nếu bạn dùng ok 70-200mm trên máy crop 1.6 thì chụp hình nó sẽ tương đương với dải tiêu cự 112-320 trên máy ff.
    Nếu ai thấy có gì sai thì sửa giúp mình với mình mới tập tành cũng chưa rành rẽ lắm :)
    Thân!
    Jucker thích bài viết này
  16. Jucker

    Jucker Thành viên cấp 2

    + Mình rất cám ơn bạn hungdinh đã trả lời giúp câu hỏi cho bạn CHAULUONG nha ^^. Câu trả lời và câu hỏi hoàn toàn trùng khớp rồi đấy ạ.
    + Cám ơn bạn ngocanpk81 đã giúp mình trả lời câu hỏi. Ở đây mình xin trả lời câu hỏi của bạn Linh Dang đơn giản như sau ạ:
    - Khác biệt thứ nhất khi cắm tele nói chung giữa FF và crop đó là khác biệt về tiêu cự như bạn ngocanpk81 nói ở trên. Trên máy FF mọi lens đều được giữ nguyên tiêu cự. Nhưng trên máy crop thì nó sẽ bị nhân thêm hệ số 1.6 hoặc 1.3 với các body canon, và 1.5 đối với các body nikon. Tức là với lens 70-200 ta sẽ thành 112-320. Vì vậy các bạn sử dụng máy crop nên chú ý để tốc thay đổi tránh rung tay :D.
    - Khác biệt thứ hai: "Dùng cùng 1 lens trên Canon crop hay Canon FF thì ảnh của Canon crop có DOF mỏng hơn 1.6 lần so với ảnh của Canon FF (tuy nhiên 2 hình ảnh này là không giống nhau vì góc nhìn là khác nhau). Dùng cùng 1 lens trên Canon crop và FF và sau đó crop khung hình của Canon FF để có hình ảnh giống với Canon crop thì DOF là giống nhau."
    Ps: Về vấn đề chất lượng ảnh, theo mình tìm hiểu không khác nhau là mấy đâu :D nếu bạn cùng crop khuôn hình vào giống nhau thì chất lượng cũng như nhau thôi. Ở đây chắc sẽ có nhiều bạn dùng 24-70 sẽ có câu hỏi lại ^^ Vì giới chơi ảnh vẫn hay đồn rằng 24-70 cắm crop chất ảnh không tốt bằng cắm trên FF.
    * Mình chỉ đưa ra 2 khác biệt về tiêu cự và dof. Còn khác biệt khác xin các bạn hiểu biết nhiều hơn chỉ giúp thêm. Với cả mình cũng không muốn đưa câu trả lời đi quá rộng :D Vì cái vấn đề khác biệt giữa crop và FF nó rộng lắm :D


    Rất mong nhận được thêm nhiều câu hỏi của các bạn, và sự giúp đỡ của các bạn khác trong diễn đàn. Các bạn chú ý đánh số câu hỏi theo thứ tự nhé. Hiện tại câu hỏi tiếp theo sẽ là câu số 4. Cảm phiền bản nào hỏi tiếp theo thì ghi câu số 4 đầu tiên dùm mình :D
    Linh Dang thích bài viết này
  17. Linh Dang

    Linh Dang Thành viên cấp 2

    Jucker: Cám ơn bác về những thông tin bác đã chia sẻ. Thật ra câu hỏi này em đã tìm hiểu rất kĩ từ lâu và cũng có những câu trả lời cho riêng mình. Nhưng sau khi đọc câu trả lời của bác em đã ngộ ra được rất nhiều và cực kỳ chi tiết. Cám ơn bác rất nhiều ạ :D
    Jucker thích bài viết này
  18. Jucker

    Jucker Thành viên cấp 2

    Mình xin share tiếp một bài viết về nhiếp ảnh nữa... Nó rất dài, nhưng nếu bạn là người yêu nhiếp ảnh và đam mê thực sự. Hãy đọc và bạn sẽ cảm nhận thấy trong thâm tâm mình có một cái gì đó rất mới mẻ.
    (Sưu tầm) 1. KHÔNG THỂ SÁM HỐI / 2. KHÔNG THỂ VÀ CÓ THỂ SÁM - Lê Thiết Cương


    1. KHÔNG THỂ SÁM HỐI
    2. KHÔNG THỂ VÀ CÓ THỂ SÁM HỐI

    CÁC BẠN QUAN TÂM NHIẾP ẢNH CẦN ĐỌC 2 BÀI VIẾT TRÊN CỦA HOẠ SĨ Lê Thiết Cương

    BÀI 1: KHÔNG THỂ SÁM HỐI
    Hồi còn trong bộ đội, nhờ có hoa tay pha mầu, một lần tôi được thủ trưởng đơn vị gọi lên giao trọng trách: sơn tút lại cái chân giả của ông. Cái chân bằng gỗ lâu ngày đã bong tróc gần hết lớp sơn phủ, cùng những long-đen, chốt hãm và ốc vít bị hoen gỉ sắp hỏng.
    Tôi hí húi vừa làm vừa nghe ông kể, câu được câu chăng. Trận đánh ác liệt ở Khe Sanh năm 1968 đã cướp đi của ông một phần cơ thể. Chiều cuối năm, mưa phùn gió bấc, thủ trưởng của tôi muốn sửa sang lại hình thức đôi chút trước khi về quê ăn Tết và sau đó thì nghỉ hưu hẳn. Tôi lộ thoáng ngạc nhiên, ông bảo: Tuổi thì cao, mỗi khi trở trời vết thương cũ thức dậy hành hạ, vả lại gân cốt đã nhão, súng đạn đã buồn. Sau khi hoàn thành công việc ông thưởng tôi một điếu thuốc lá Sông Cầu. Thấy ông vui vui, tôi lấy hết can đảm hỏi một câu mà tôi để bụng đã lâu:
    - Thưa thủ trưởng, thủ trưởng có dũng cảm thật không ạ?- Cả nước mình dũng cảm. Ông trả lời câu hỏi của tôi với một thái độ rất khó kể lại chính xác. Nó hao hao cách trả lời những câu nửa hỏi, nửa chào kiểu như "Bác đã đi làm về đấy ạ?" Thế thôi.
    Yêu nước thì đương nhiên rồi. Nước như Cha Mẹ, có ai lại không yêu cha mẹ đâu. Nhưng lòng dũng cảm thì đúng là một thứ đặc sản đã tạo nên chiến thắng của hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20: cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
    Ấy thế nhưng ta bỗng giật mình khi chợt nhận ra rằng phần lớn những chiến sĩ, phóng viên cầm máy ảnh của chúng ta trong hai cuộc chiến tranh đó đã gần như không làm được gì đáng kể. Thế mạnh đặc thù của nhiếp ảnh là tính chân thực, thời điểm và nóng hổi đều không được tận dụng. Các phóng viên ảnh chiến tranh của chúng ta có thừa lòng dũng cảm nhưng lại thiếu một quan niệm chuẩn xác về nhiếp ảnh. Họ đã bỏ lỡ, đã tự đánh mất, đã lãng phí một cơ hội ngàn vàng là được sống, được có mặt và được làm việc ngay trong lòng của hai cuộc chiến tranh đó. Nếu có thì chỉ nên nhắc đến một người, đó là phóng viên ảnh, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng. Tiếc rằng những người hiểu đúng về nhiếp ảnh như anh quá ít. Cũng còn vài ba bức ảnh nữa khá có tiếng nhưng toàn chụp cảnh dẫn giải tù binh, có nghĩa là sự kiện đã bị nguội mất.

    Trong khi ngược lại có biết bao phóng viên ảnh của tất cả các hãng thông tấn hàng đầu thế giới đã triệt để khai thác cơ hội đó. Rất nhiều những tên tuổi lớn đã phát lộ từ đây. Rất nhiều những tác phẩm đã đi vào lịch sử của nhiếp ảnh thế giới.
    Cái kim đồng hồ không thể quay ngược chiều. Cái sai lầm về quan niệm nhiếp ảnh của một thế hệ phóng viên chúng ta không thể sửa chữa được. Một khoảng trống lớn trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam mãi mãi sẽ không bao giờ có thể lấp kín.
    Những bức ảnh chụp thời khắc lịch sử của ngày chiến thắng đều là ảnh giả. Tấm hình quen thuộc có cảnh các chiến sĩ phất cờ reo hò trên nóc hầm sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ của De Castrie vào lúc 5h30' chiều 7.5.1954 và bức hình chiếc xe tăng đâm đổ cánh cổng sắt của Dinh Độc lập hồi 11h30' sáng ngày 30.4.1975 đều là những bức ảnh được sắp đặt lại để chụp. Điện ảnh thì có phim tài liệu và phim truyện nhưng nhiếp ảnh thì không thể chấp nhận ảnh-truyện được.
    Biết bao xương máu của cha anh chúng ta đã đổ. Biết bao người đã chết (trong đó có cả những phóng viên ảnh) để rồi hai khoảnh khắc huy hoàng đó đã không được các phóng viên ảnh của chúng ta bấm máy đúng lúc.
    Tác phẩm của Edward T.Adams đoạt giải Pulitzer năm 1969 chụp tướng ngụy Nguyễn Ngọc Loan đang chĩa súng vào thái dương của một chiến sĩ biệt động trên đường phố Sài Gòn tháng 2 năm 1968 có thể nói lên rất nhiều điều mà các loại hình nghệ thuật khác không thể làm thay nó được.
    Sự tàn khốc của chiến tranh thì khó có bức ảnh nào vượt được bức ảnh của Nick Út chụp Kim Phúc đang kêu "Nóng quá. Cứu tôi với" tại Trảng Bàng tháng 8 năm 1972. (Giải Pulitzer năm 1973).
    Không thể liệt kê ra hết những tác phẩm như thế. Tất cả chúng đều được chụp bằng ống kính 50mm hoặc 35mm, có nghĩa là người chụp và đối tượng gần nhau trong gang tấc. Một câu chuyện sau mang tính biểu tượng.
    Tất cả các phóng viên ảnh Phương Tây trước khi ra chiến trường đều tự hàn ống kính tiêu cự 35mm vào thân máy ảnh. Họ muốn gắn chặt họ với không khí của máu lửa, súng đạn và sinh tử. Giống như phi công Nhật trong thế chiến thứ hai trước giờ xuất kích đều vứt dù ra khỏi máy bay.
    Bức ảnh chụp vết đạn xuyên thủng chiếc máy ảnh Nikon-F treo ở triển lãm Hồi niệm tại Hà Nội tháng 3 năm 2000 có thể coi là Logo cho nghề phóng viên ảnh chiến tranh. Họ yêu nghề, họ dũng cảm và quan niệm đúng về nghề.
    Sức mạnh của nghệ thuật nhiếp ảnh đã giảm đi rất nhiều nếu như chiến tranh chỉ là những bức ảnh chụp các chiến sĩ đang vui vẻ đọc thư nhà, hay đang lau súng để chuẩn bị chiến đấu hoặc vừa hát vừa hành quân qua bản, nghỉ ngơi dọc đường và thậm chí là vô số những bức ảnh chụp các chị dân quân, du kích, thanh niên xung phong đang ngồi chải tóc, bắt chấy cho nhau cạnh dòng suối chảy có hoa nở. Lực lượng nghệ sĩ nhiếp ảnh rất hùng hậu, số lượng ảnh mà họ chụp được vô cùng đồ sộ và chất lượng nghệ thuật rất tốt nhưng công bằng mà nói thì đó không phải là ảnh phóng sự chiến tranh.
    Thật đáng tiếc biết bao khi chúng ta, những người chiến thắng lại không phải là tác giả chính của bộ sách vĩ đại về lịch sử của chiến tranh bằng hình ảnh này.
    Đối với nhiếp ảnh, nghệ thuật của thời khắc thì không bao giờ tồn tại khái niệm sám hối.
    Kỳ sau xem tiếp Phần 2: Có thể sám hối

    KHÔNG THỂ VÀ CÓ THỂ SÁM HỐI (bài viết mới 18.3.2013)
    LÊ THIẾT CƯƠNG

    Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc năm 1954, rồi kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước năm 1975. Tiếp theo là 10 năm hậu chiến với những hệ lụy tất yếu. Vết thương chiến tranh đau nhức không chỉ thể xác mà cả tinh thần, không chỉ đối với những thân phận cá nhân mà toàn xã hội, rồi chiến tranh biên giới và bao trùm lên là nghèo đói. Rồi đến thời Đổi mới từ 1986 đến nay, giàu vật chất được một bước thì văn hóa lại nghèo đi bên cạnh đó là những được mất của “mở cửa”, của hội nhập v.v..

    Một đất nước ăm ắp câu chuyện như vậy, một phân đoạn lịch sử đặc biệt như vậy, quá nhiều bi kịch và hài kịch, nhiều nụ cười và nước mắt, nhiều gặp gỡ chia ly, nhiều giận hờn, nhiều oan trái, tang thương, nhiều vô nghĩa, nhiều tấm lòng, nhiều tê buốt và đau đớn. Thế mà cái hiện thực phong phú ấy lại không được lưu giữ. Thế mà lịch sử ấy lại không được chép lại bằng hình ảnh, bằng nhiếp ảnh thì quả thực là có lỗi, là phí phạm, là một điều không thể sám hối (*) của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam.

    Ngược lại, chiến tranh Việt Nam là một “thánh địa” của những phóng viên ảnh của các hãng thông tấn hàng đầu thế giới. Quá nhiều người đã sống ở đây, chết ở đây, thành danh ở đây, gây dựng sự nghiệp cầm máy ở đây. Có thể kể ra những tên tuổi như: Larry Burrows, Henri Huet, Malcolm Browne, Ishikawa Bunyo, Eddie Adams, Horst Faas, Griffiths, Tim Page’, Daniel Riffe…

    Thời hòa bình cũng vậy, Việt Nam luôn hấp dẫn những tay máy nước ngoài (tất nhiên không phải vì phong cảnh đẹp) như: Eva Lindskog, Mary Cross, Ellen Kaplowitz, Nicolas Cornet… Họ cần mẫn ghi chép, hoàn toàn trung thực từng chuyển động của đời sống.
    Gần đây nhất, Justin Maxon với bức hình đoạt giải nhất thể loại Cuộc sống hằng ngày của World Press Photo năm 2007. Bức hình chụp một nhân vật bị HIV ở ngay bãi giữa sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội.

    Nói thế để thấy, không phải rằng hiện thực hôm nay ở Việt Nam không có những đề tài lớn cho nhiếp ảnh báo chí. Chỉ có điều những người cầm máy Việt Nam có nhìn thấy hay không mà thôi. Chỉ có nhiếp ảnh mới có thể làm được điều kỳ diệu là biến những khoảnh khắc bình thường đang diễn ra hàng ngày xung quanh chúng ta trở nên khác thường và đặc biệt.

    Bản chất của nhiếp ảnh là trung thực. Đời sống thì biến động, những sự kiện đó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc với sự chuyển dịch và thay đổi chóng mặt, không bao giờ lặp lại. Chụp đồng nghĩa là nắm bắt và lưu giữ, điều mà chỉ có nhiếp ảnh mới làm được, làm được hay nhất, không có bất kể một loại hình nào làm thay được. Nhiếp ảnh không phải là văn học, là tiểu thuyết, là thơ, là phim truyện, là hội họa. Người ta có thể viết một vở kịch về cuộc kháng chiến chống Pháp sau đây 100 năm hoặc sau đây 1000 năm người ta vẫn có thể vẽ một bức tranh về ngày 30/4/1975, lúc 11h30 phút khi chiếc xe tăng T54 lao vào trong sân Dinh Độc Lập, ví dụ như vậy nhưng nếu người chụp để lỡ thì ngay ngày hôm sau, thậm chí một giờ sau cũng không thể chụp được nữa, vĩnh viễn không chụp được nữa. Ấy thế mà cả một giai đoạn lịch sử đã bị bỏ lỡ.

    Mấy chục năm đã qua đi, đã có nhiều triển lãm ảnh, nhiều sách ảnh của phóng viên ảnh và nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam được phát hành nhưng có quá ít những bức ảnh xứng đáng được gọi là ảnh. Phần lớn đều nhạt nhẽo, nguội lạnh, thậm chí là chụp lại, sắp đặt để chụp, nào là hành quân ra trận, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, dân công tải đạn, giờ nghỉ giữa hai trận đánh, ăn mừng chiến thắng, dẫn giải tù binh. Trong khi những khoảnh khắc nóng nhất, sinh tử nhất của chiến tranh thì lại không chụp. Chưa kể một bệnh nữa, rất nặng của nhiếp ảnh chiến tranh Việt Nam đó là bệnh văn học hóa, thơ hóa nhiếp ảnh. Căn bệnh này cũng đã tàn sát toàn bộ nhiếp ảnh chiến tranh Việt Nam.

    Thời chiến tranh đã vậy, thời hòa bình xây dựng đất nước cũng thế. Năm 2006 Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức triển lãm Thời bao cấp. Cả một triển lãm đồ sộ, kỳ công như vậy cũng chỉ có chừng độ mươi bức chụp cảnh mậu dịch quốc doanh, bến tàu bến xe, xếp hàng đong gạo… rất sơ sài. Lỗi không phải của bảo tàng mà bởi làm gì có ảnh để trưng bày.

    Chỉ có hai loại nhiếp ảnh: một là nhiếp ảnh báo chí, hai là nhiếp ảnh nghệ thuật. Hay nói cách khác chỉ nên có một loại nhiếp ảnh. Đó là ảnh báo chí, ảnh là phải có thông tin, thông điệp, phải trung thực, phải lưu giữ được những khoảnh khắc của cuộc sống. Dứt khoát ảnh phải là một con mắt khác để giúp người xem nhìn thấy được bộ mặt của đời sống. Chỉ ảnh báo chí mới có thông tin, có tính thời sự, nóng hổi nhưng lại tồn tại được mãi. Tôi muốn rằng ảnh chính là những khoảnh khắc vừa thời sự vừa vĩnh cửu, nói cách khác 1/125 giây cũng bằng nhiều nghìn năm. Các loại ảnh còn lại trong đó có ảnh nghệ thuật nên coi là ứng dụng của nhiếp ảnh. Tương tự như mỹ thuật và mỹ thuật ứng dụng vậy.

    Trở lại câu chuyện chính: một đất nước có nhiều sự kiện, nhiều biến động như thế, nhiều người chụp như thế mà không hiểu sao nhiếp ảnh báo chí lại không phát triển trong khi ngược lại, nhiếp ảnh nghệ thuật lại phát triển vượt bậc. Có lẽ không có cuộc thi nhiếp ảnh nghệ thuật nào trên thế giới mà các tay máy của Việt Nam bỏ sót. Họ nhiệt tình tham gia và luôn ẵm giải cao, nghe nói có người còn đoạt được mấy trăm giải thưởng quốc tế. Chắc chỉ có mỗi Việt Nam mới dùng khái niệm nghệ sỹ nhiếp ảnh. Trong khi đáng lý chỉ là người chụp ảnh. Đã đến lúc nên bỏ Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh, thay bằng Hội Những người chụp ảnh. Hoặc giữ nguyên Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh như hiện nay dành cho những người chụp ảnh nghệ thuật, những người làm nhiếp ảnh ứng dụng như (ảnh viện đám cưới, ảnh nude, ảnh quảng cáo, CT scanner, X-quang, siêu âm…). Còn lại những người chụp báo chí nên lập hội riêng hoặc là một chi hội của Hội Nhà báo.

    Ảnh nghệ thuật cũng tốt, cũng đáng được tôn vinh, tôn trọng, cũng cần cho đời sống nhưng đừng coi nhiếp ảnh chỉ là ảnh nghệ thuật. Để trang trí phòng ngủ, phòng khách hoặc quán xá thì người ta rất cần mấy tấm ảnh phong cảnh hoa mận trắng Bắc Hà, hoa cải vàng Mộc Châu, hoặc mấy cô gái tươi cười đứng bên cây lộc vừng hồ Hoàn Kiếm chứ không ai mua tấm ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan đang dí súng vào thái dương một chiến sĩ biệt động trên đường phố Sài Gòn năm 1968 của phóng viên AP Eddie Adams về treo cả. Nhấn mạnh thêm bằng ví dụ đó để thấy nhiếp ảnh nghệ thuật cũng cần thiết và có đất sống của nó.

    Tình hình đã sáng hơn khi từ năm 2006 bắt đầu có giải thưởng ảnh báo chí “Khoảnh khắc vàng” do Thông tấn xã Việt Nam phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức thường niên và các báo như Tuổi Trẻ, Sài Gòn Tiếp Thị đã có trang nhiếp ảnh phóng sự hàng tuần. Những người chụp trẻ chuyên ảnh báo chí ngày một nhiều như: Trần Việt Đức, Lê Anh Tuấn, Xuân Trường, Việt Thanh, Đoàn Đạt, Phan Quang, Doãn Khởi, Lê Quang Nhật, Hoài Linh, Việt Dũng, Na Sơn…

    Những người chụp ảnh báo chí, những người tôn trọng nhiếp ảnh báo chí tuy không ai nói ra nhưng tất cả đều thầm khao khát một ngày nào đó, sẽ có một người Việt được giải của World Press Photo. Bởi vì World Press Photo là một giải thưởng quan trọng nhất, uy tín nhất, chuyên nghiệp nhất, khắt khe nhất. World Press Photo không phải một trong những mà là giải lớn nhất, duy nhất. Không thể có giải thưởng nào so sánh được với World Press Photo. Giống như giải Nobel của Văn chương và Khoa học, giải Pritzker của Kiến trúc, giải Fields của Toán học.

    Cho nên sự kiện bộ ảnh The pink choice của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thanh Hải (Maika Elan) đoạt giải nhất thể loại Vấn đề đương đại của cuộc thi World Press Photo 2012 là một bất ngờ, một “quả bom”, một vinh dự không chỉ của tác giả mà còn cho toàn bộ nền nhiếp ảnh báo chí Việt Nam. Đây có thể gọi là một sự kiện then chốt tạo ra bước ngoặt vô cùng quan trọng để thúc đẩy nền nhiếp ảnh báo chí, là một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam hiện đại. The pink choice là một dự án nhiếp ảnh chụp về cuộc sống của những cặp đôi đồng tính, một đề tài không dễ tiếp cận trong bối cảnh xã hội vẫn còn nhiều nghi kị và chưa cởi mở, đó là khó khăn thứ nhất. Khó khăn thứ hai, dự án ảnh khác hẳn với ảnh đơn. “Dự án ảnh như là một cuốn tiểu thuyết mà mỗi dòng đều hướng đến mục đích cuối cùng” (Peter Bialobrzeski). Tôi rất tôn trọng thể loại ảnh đơn nhưng nói gì thì nói trong một tác phẩm ảnh đơn vẫn có yếu tố may mắn lấy ví dụ bức ảnh Em bé napalm. Chắc chắn rằng Nick Út trước khi ôm máy ra khỏi văn phòng không thể biết được rằng hôm nay mình đi đến vùng Trảng Bàng (Tây Ninh) để chụp cảnh em bé bị bom napalm. Ngược lại, với thể loại ảnh dự án, người chụp phải nghiên cứu chọn lựa đề tài, tức là có chủ định chứ không phải là tình cờ, ngẫu nhiên, may rủi. Với dự án ảnh The pink choice như chia sẻ của Maika, chị đã bắt đầu từ tháng 7/2011 đến tháng 3/2012 bằng cách ăn ở cùng với các cặp đôi đồng tính trong suốt một năm rưỡi để bắt lấy những khoảnh khắc tự nhiên nhất của các đôi khi họ thể hiện tình cảm cũng như sinh hoạt trong đời sống thường ngày.

    Khoảng trống không gì có thể lấp đầy được trong cuốn sử bằng ảnh giai đoạn trước là một mất mát không thể sám hối. Cách sám hối duy nhất, nếu có thể làm, đấy chính là những người chụp thế hệ hiện nay, như Maika, phải trở về đúng bản chất của nhiếp ảnh. Đó là nhiếp ảnh báo chí.
    binngo.v2, LiebestraumZeroco thích bài viết này.
  19. Jucker

    Jucker Thành viên cấp 2

    Đây cũng là một trong những clip mình thích của Digital Rev :D Mình là fan của kênh này.

    25 Photography Quotes That You Should Know


    ngocanpk81 thích bài viết này
  20. Jucker

    Jucker Thành viên cấp 2

    Bạn nào không đủ đồ nghề và khéo tay thì mang ra Lê Bảo Minh nhé, giá là từ 50-100k cho một lần vệ sinh máy thì phải. Lưu ý các bạn mới chơi máy ảnh là đừng mang ra biển, nhất là những biển có hơi muối nhiều. :)) Làm sao để biết biển có hơi muối nhiều ah hehe, giơ máy ra trước biển một lúc là có cả 1 lớp mờ mờ ám lên ống kính.(Đi biển Vũng Tàu là rõ lắm). Và hạn chế thay ống kính quá nhiều ở ngoài đường.


    How to clean your sensor (and what not to do)​



    Panbeo thích bài viết này

Ủng hộ diễn đàn