Hãy đăng ký thành viên để có thể dễ dàng trao đổi, giao lưu và chia sẻ về kiến thức đồ họa.
  1. Hãy đăng ký subscribe kênh Youtube mới của Việt Designer tại địa chỉ: Youtube.com/VietDesignerChannel để theo dõi các video về thiết kế đồ họa. Do trước đó kênh cũ bị Youtube quét không rõ lý do, trong thời gian chờ kháng cáo nếu các bạn thấy video trên diễn đàn bị die không xem được thì có thể vào kênh mới để tìm xem video sơ cua nhé.
    Loại bỏ thông báo

Nhiếp ảnh và các vấn đề cơ bản.

Chủ đề thuộc danh mục 'Các kỹ thuật trong nhiếp ảnh' được đăng bởi Kel Media, 25/3/13.

Lượt xem: 11,557

  1. Kel Media Thành viên cấp 2

    Bài viết được em tổng hợp và biên tập lại từ nhiều nguồn khác nhau để ngắn gọn và dễ hiểu nhất có thể :D

    Phần 1: Căn bản về nhiếp ảnh:
    Ở phần này mình chủ yếu không nhấn mạnh về các kỹ thuật về nhiếp ảnh mà nêu rõ các định nghĩa liên quan đến nhiếp ảnh. Có thể có một số định nghĩa không có hoặc không liên quan đến khi dùng máy DSLR mà được sử dụng cho các máy ánh SLR (Single-lens reflex camera).
    Vậy, nhiếp ảnh là gì?
    Nhiếp ảnh định nghĩa đơn giản nhất có nghĩa là chụp hình (Nhiếp = bắt lấy, chụp. Ảnh = hình). Nói nôm na nhiếp ảnh chỉnh là bắt lại một khoảnh khắc mà ta chứng kiến bằng một vật có khả năng lưu giữ hình ảnh. Đó chỉ là định nghĩa một cách ngắn gọn, còn về sâu xa hơn, nhiếp ảnhNghệ thuật từ hình ảnh, và nó được cấu thành từ:
    Máy ảnh:

    [​IMG]Những tác phẩm tốt, đều được xuất phát từ những nhà nhiếp ảnh, họ hiểu rất rõ đến từng chức năng trong thiết bị của mình. Một nhà nhiếp ảnh giỏi luôn dành thời gian để đọc kỹ sách hướng dẫn sử dụng, và làm quen với mọi thao tác kỹ thuật trong sử dụng máy. Bạn sẽ không thể làm tốt, nếu bạn không rành rẽ các thao tác vận dụng máy. Hơn nữa, một nhà nhiếp ảnh giỏi, còn có thể khiến chiếc máy ảnh hoạt động thêm một số tính năng khác nữa, mà nhà sản xuất chưa kịp đề cập đến trong sách hướng dẫn sử dụng...
    Như trường hợp, ta có chiếc máy ảnh, với khả năng ống kính chỉ cho phép tiếp cận đến khoảng 50cm, thì việc gắn phía trước nó một thấu kính hội tụ (có thể mua ở hiệu bán kính lão), thế là ta có thể tiếp cận hơn khá nhiều đến rất nhiều (tùy theo độ hội tụ của kính lão đó).

    Kiến thức:Việc nắm vững được kiến thức tổng quát về nhiếp ảnh, giúp ta hiểu rõ được trong từng thủ pháp, những gì có thể được, và những gì là không thể.
    Việc chọn chế độ chụp là Auto hay Manual, là tùy sở thích cá nhân, hơn là để xác lập "đẳng cấp", như nhiều người vẫn hay lầm tưởng. Vì trong mọi tình huống, thì quang kế trong máy vẫn là "kim chỉ nam" đắc lực, để nhà nhiếp ảnh biết phải làm gì, để có thể kiểm soát tối ưu cái được gọi là "đúng sáng".
    Và vì hiểu rõ thế nào là "tốc độ an toàn tối thiểu", nên nhà nhiếp ảnh biết phải làm gì trong điều kiện ánh sáng yếu. Hoặc phải dùng đến chức năng "chống rung", hoặc phải dùng đến chân đơn hay chân ba, với dây bấm mềm, hay bộ điều khiển (remote control).

    Việc học liên tục, để khỏi lạc hậu, là luôn cần thiết. Chẳng ai có thể bảo rằng kiến thức của mình là đỉnh, là không cần phải học thêm gì nữa, ngay cả việc sở hữu những ống kính vài ngàn USD, nếu không nắm vững thao tác kỹ thuật, thì cũng hiếm khi có thể tạo ra được những tác phẩm xuất sắc. Thật không ngoa, khi phải nói rằng, việc tạo ra tác phẩm, là do nhà nhiếp ảnh, chứ không hẳn hoàn toàn do thiết bị mà nhà nhiếp ảnh sở hữu.


    Cảm xúc:

    [​IMG]Hình ảnh là tác phẩm thuộc về nghệ thuật thị giác. Nó cho phép biến những gì hết sức bình thường, lên một ngưỡng cao hơn. Một hàng rào dây kẽm gai vẫn có thể thi vị, hay một mầm chồi cỏ dại có thể làm bùng cháy lên sự tưởng tượng kỳ vỹ.

    Ansel Adams, một nghệ sỹ nhiếp ảnh phong cảnh nổi tiếng, có lần nói: "Một tác phẩm lớn phải hàm chứa được những phô diễn đầy đủ nhất mà tác giả cảm thấy, trong một cảm xúc sâu lắng nhất, nơi những gì đã được ghi nhận lại." (A great photograph is one that fully expresses what one feels, in the deepest sense, about what is being photographed.) Một nhà nhiếp ảnh khác, David Hum, cũng nói: " Nhiếp ảnh chỉ là một công cụ, một chiếc xe, để diễn tả hay truyền tải một cảm xúc trên một vật nào đó." ( Photography is only a tool, a vehicle, for expressing or transmitting a passion in something else.) Có thể hiểu như thế này, với những ảnh mà ta đã chụp, chúng đều mang được những cảm xúc nhất định của tác giả trước cảnh vật, hay khoảnh khắc thời gian nào đó. Và khi người xem thưởng lãm những tác phẩm đó, họ sẽ tiếp nhận phần nào cái cảm xúc đó của tác giả, hoặc, họ sẽ có thể đoán định "tác giả là ai"...
    Thật tuyệt vời, khi có một tác phẩm được ấn hành ra thị trường, và tác giả có thể có được lợi nhuận từ đó, nhưng đồng thời, tác giả còn cảm nhận được sự thích thú trên cả một tiến trình xây dựng nên tác phẩm đó, như cảm xúc đối với nhiếp ảnh, cảm xúc đối với tác phẩm, rồi những ấn tượng mà chủ thể trong ảnh đem lại cho người xem, chúng hòa quyện lại với nhau.

    Đó là nhiếp ảnh theo cách nhìn chủ quan, nên tốt nhất các bạn nên tự đặt ra cho mình một khái niệm riêng về nó khi bước chân vào lĩnh vực này. Điều đó giúp cho ta tạo ra cho mình một phong cách để tạo nên dấu nhấn riêng.Các khái niệm cơ bản:
    Máy ảnh DSLR (Digital Single-lens reflex camera)
    Khác với máy ảnh SLR bắt sáng một cách thủ công và lưu giữ lại hình ảnh bằng film, DSLR sử dụng nguyên lý bắt giữ hình ảnh hoàn toàn bằng kỹ thuật số.

    [​IMG]
    Nguyên tắc hoạt động cơ bản của DSLR:
    Với mục đích căn hình, gương sẽ phản xạ ánh sáng đến từ ống kính một góc 90 độ. Sau đó ánh sáng được phản xạ 2 lần bởi hệ thống phản xạ điều chỉnh sao cho mắt của người chụp ảnh có thể thấy được. Trong quá trình phơi sáng, gương sẽ được nâng lên và khẩu độ đóng lại(khi khẩu được thiết lập nhỏ hơn khẩu độ tối đa của ống kính), và cửa sập mở, cho phép ánh sáng đi qua ống kính vào cảm biến ảnh. Tiếp theo cửa sập sẽ đóng lại, che cảm biên, kết thúc quá trình phơi sáng, và gương hạ xuống. Thời gian gương nâng lên được gọi là khoảng thời gian tối ở ống ngắm. Hệ thống gương và cửa sập hoạt động nhanh được sử dụng cho việc chụp ảnh với tốc độ cao. Tất cả các quy trình trên tự động xảy ra trong khoảng thời gian của phần trăm giây, với mật độ từ 3-10 lần trên giây Các máy ảnh DSLRs thường được sử dụng bởi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp bởi chúng cho phép ngắm khung hình trên thời gian thực và bởi DSLRs cho phép người dùng sử dụng các ống kính khác nhau. Phần lớn các máy ảnh DSLRs đều có tính năng xem trước độ sâu của ảnh
    Tiêu cự ống kính (Focal length)Tiêu cự của ống kính (Focal Length) là khoảng cách từ bề mặt Sensor đến quang tâm của hệ thấu kính (ống kính) như hình dưới:
    [​IMG]
    Tiêu cự của máy ảnh là thông số cho biết góc nhìn của máy ảnh, nghĩa là khoảng phạm vi mà máy ảnh có thề “thâu tóm” được. Ống kính có tiêu cự 50 mm được coi là chuẩn (tính theo hệ máy ảnh sử dụng phím nhựa 35 mm), vì loại ống kính này có góc nhìn gần giống với mắt người nhất. Ống kính có tiêu cự nhỏ hơn thì gọi là ống kính góc rộng, tức là có góc chụp “wide”. Ngược lại nếu tiêu cự lớn hơn 50 mm thì gọi là ống kính Tele, tức là có khả năng phóng lớn được những vật ở xa. Trong ảnh dưới đây cho ta một hình dung về “góc nhìn” của máy ảnh.
    Apeture (Độ mở ống kính)Độ mở ống kính là phần điều chỉnh cường độ ánh sáng đi qua ống kính. Chúng ta có thể hiểu phần này như là khả năng cho ánh sáng đi qua của ống kính. Cấu tạo bộ phận này bao gồm những lá mỏng ghép lại tạo ra khe hở dạng hình tròn có thể điều chỉnh được. Tương ứng với các độ mở ống kính ta có dãy trị số tiêu chuẩn 1, 1.4 ,2 ,2.8 ,4 ,5.6 ,8 ,11 ,16 ,32 … các trị số này gọi là F-stop hay Khẩu độ. Tại mỗi F-stop ta có đường kính lỗ mở d tương đương f/1, f/1.4, f/2, f/2.8 … và f chính là độ dài tiêu cự ống kính. Như vậy ta có thể thấy Khẩu độ càng lớn thì đường kính d càng nhỏ và ánh sáng đi qua ống kính càng ít. Và thêm một điều nữa là cùng một đường kính lỗ mở d nếu độ dài tiêu cự ống kính càng dài thì khẩu độ càng lớn.
    [​IMG]
    [​IMG]


    * Các bạn thường hay thắc mắc tại sao dãy trị số F-stop không phải là 1 ,2 ,3… mà là dãy bội số của căn bậc hai của 2. Trong kỹ thuật chụp ảnh, người ta chọn tiêu chuẩn điều chỉnh độ sáng với một khoảng cách là gấp đôi. Bạn có thể hiểu là khi bạn mở ống kính thêm một khẩu độ có nghĩa là lượng ánh sáng thu được sẽ tăng gấp hai lần. Muốn như thế diện tích lỗ mở phải tăng gấp đôi tương đương với đường kính tăng lên 1.4 lần. Đó là lý do tại sao ta có dãy trị số trên.



    Shutter Speed (Thời chụp hay tốc độ)

    [​IMG]

    Ngoài việc điều chỉnh cường độ ánh sáng đi qua ống kính ta còn có thể điều chỉnh thời gian cho ánh sáng đi vào để thay đổi độ sáng của ảnh chụp. Yếu tố này gọi là thời chụp hay tốc độ chụp. Đơn vị tính là giây.

    Thời gian này chính là thời gian màn trập trong máy mở ra để cho ánh sáng đi vào. Thời gian này càng lâu (tốc độ chậm) thì lượng ánh sáng đi vào càng nhiều và ngược lại, thời gian này càng ngắn (tốc độ nhanh) thì lượng sáng đi vào sẽ ít đi.

    Cũng như phần độ mở ống kính, theo tiêu chuẩn thì khi tăng một nấc thời gian chụp thì lượng ánh sáng đi vào gấp đôi. Tốc độ chụp nhanh hơn 1s có 1/2 , 1/4 , ….1/125, 1/250….Còn lâu hơn 1s là 2, 4, 8 , 16s….

    Ngoài ra còn có ký hiệu B : màn chập mở cho đến khi buông tay bấm nút chụp.
    Ký hiệu T : màn chập mở cho đến khi bấm nút chụp lần nữa.

    Depth Of Field ( DOF)
    Một thực tế là khi bạn chụp một bức ảnh, độ rõ nét không xuyên xuốt. Khi bạn canh nét vào chủ đề thì trước và sau chủ đề sẽ có khoảng không rõ nét. Khoảng cách mà ảnh còn rõ nét trước và sau điểm lấy nét (tạm) gọi là độ sâu trường ảnh và thường gọi tắt là DOF.

    Khoảng rõ nét do nhiều yếu tố ảnh hưởng đến. Tuy nhiên yếu tố đầu tiên có thể nói là độ mở ống kính.
    Các bạn có thể xem hình minh họa sau đây.
    [​IMG]

    Điểm lấy nét trong tất cả các hình là điểm giữa khoảng 3 – 4 inch. Số 3 và 4 rõ nét trong tất cả các hình. Các điểm còn lại rõ nét dần khi độ mở ống kính khóa nhỏ lại. Đến đây các bạn có thể hiểu rằng khi ống kính khép nhỏ lại thì khoảng rõ nét càng mở rộng hơn.
    Giải thích một chút về khoảng rõ nét. Các bạn xem hình bên dưới.
    [​IMG]
    Chủ đề là điểm màu vàng và cũng là điểm lấy nét. Vì lấy nét vào chủ đề nên hiển nhiên các tia sáng từ chủ đề qua ống kính sẽ hội tụ trên film. Các điểm khác có cùng khoảng cách với chủ đề đều hiện rõ trên film. Bây giờ hãy xem điểm màu trắng xa hơn chủ đề. Điểm ảnh rõ của điểm trắng sẽ nằm ở phía trước film và ảnh của nó in trên film sẽ là vòng tròn màu trắng. Khoảng trắng đó gọi là Circle of Confusion ( CoC ).
    Vấn đề đặt ra ở đây là làm cách nào để thu hẹp vòng tròn lờ mờ đó để ảnh rõ nét hơn. Trong hình minh họa dưới đây, bạn thấy từ một điểm sẽ có một chùm tia sáng đi qua ống kính và tạo ảnh trên mặt phẳng film. Khi khóa bớt cửa điều sáng lại nghĩa là một số tia sáng bị chặn lại ( phần màu xanh nhạt). Do đó phạm vi của CoC cũng được thu hẹp lại và hình ảnh trở nên sắc nét hơn.
    [​IMG]
    Các chế độ trên máy:1.Manual: (Thủ công)
    Các thông số chụp khẩu độ và tốc độ sẽ chọn hoàn toàn bằng thủ công. Đôi khi bạn cố ý muốn chụp một bức ảnh với các thông số khác biệt dạng như dư sáng overexposure hay thiếu sáng (underexoposure) … bạn sẽ phải chọn chế độ chụp này. Ký hiệu trên máy: M 
    2.Program: (Tự động hoàn toàn)
    Hai thông số tốc độ và khẩu độ sẽ do máy hoàn toàn tự chọn. Công việc còn lại của bạn là lấy nét và chụp. Ký hiệu trên máy: P
    3.Aperture-Priority ( Chọn khẩu độ _ Tốc độ chụp tự động)
    Chế độ này người chụp sẽ chọn khẩu độ và tốc độ chụp sẽ do máy tự động đưa ra. Chế độ này thường được chọn để kiểm soát vùng ảnh rõ DOF. Tuy nhiên cần lưu ý khi ánh sáng thiếu việc chọn độ mở ống kính bé có thể làm tốc độ chụp giảm thấp khiến ảnh bị run tay. Ký hiệu trên máy A hay Av
    4.Shutter speed- Priority ( Chọn tốc độ chụp _ Khẩu độ do máy tự chọn)
    Chế độ này người chụp sẽ chọn trước tốc độ chụp, máy sẽ tự động chọn khẩu độ tương ứng. Chế độ này thường được chọn khi chụp ảnh động nhằm kiểm soát hiệu quả tạo động trên ảnh. Ký hiệu trên máy S hay Tv
    Trên đây là các chế độ căn bản. Các nhà sản xuất còn thiết kế các chế độ tự động khác như chụp thể thao, chụp phong cảnh, chụp chân dung… thì các bạn sẽ xem trong hướng dẫn đi kèm theo máy.
    Phần 2: Các khái niệm căn bản:
    CMOS:
    CMOS trong máy DSLR được ví như tấm film trong các máy SLR ngày trước. Nhiệm vụ cơ bản của nó là tiếp nhận ánh sáng từ ống kính và chuyển đổi thành các pixel ảnh.
    Có 2 loại cảm biến trong máy ảnh DSLR là Full-frameCrop. Cả hai loại cảm biến này đều có cùng nguyên lý làm việc nhưng khác nhau về kích thước.
    [​IMG]
    Chuẩn Full-frame - Chuẩn APS-H - Chuẩn APS Crop
    Vậy tại sao các máy ảnh Full-frame lại thường đắt hơn các dòng crop?

    [​IMG]Các kích cỡ cảm biến khác nhau.
    Nói một cách giản lược, kích cỡ cảm biến lớn hơn sẽ cho ra chất lượng ảnh tốt hơn. Lý do là vì cùng một số lượng điểm ảnh, cảm biến kích cỡ lớn sẽ có cỡ điểm ảnh lớn hơn cảm biến cỡ nhỏ. Điểm ảnh lớn hơn sẽ thu nhận được nhiều ánh sáng hơn điểm ảnh cỡ nhỏ, ít phải khuếch đại tín hiệu ở quá trình đầu ra dẫn tới ít nhiễu hơn, điều này đặc biệt hữu ích trong các điều kiện chụp ở ánh sáng yếu. Ngoài ra điểm ảnh lớn hơn giúp cảm biến nhạy sáng hơn, có dải màu lớn hơn, chuyển tông màu mềm mại hơn, đưa chất lượng màu sắc về gần với thật hơn.

    Hình ảnh minh họa đơn giản trên sẽ giúp người dùng hiểu hơn về sự khác nhau giữa ống kính cho máy full-frame và máy có cảm biến crop. Ở phía bên trái là mô tả về ống kính full-frame. Vòng tròn là hình ảnh do ống kính tạo ra, hình chữ nhật to hơn chính là hình ảnh mà cảm biến full-frame thu được, hình chữ nhật nhỏ là hình ảnh mà cảm biến crop thu được.

    Đối với hình ảnh ở bên phải, vòng tròn là hình ảnh tạo ra bởi ống kính crop (như Nikon DX và Canon EF-S), hình chữ nhật to bên ngoài là cảm biến full-frame thu được. Các góc không có hình ảnh nên xảy ra hiện tượng tối 4 góc. Hình chữ nhật bên trong là phần hình ảnh cảm biến crop thu được.
    Cho dù có nhiều kích cỡ cảm biến máy ảnh nhưng tiêu biểu cho dòng máy DSLR là hai kích cỡ cảm biến toàn khung (full-frame) và APS-C, chung cho hầu hết các hãng có tham gia vào thị trường DSLR.
    [​IMG]Kích cỡ cảm biến Full-frame so với ASP-C (Crop)

    Kích cỡ cảm biến full-frame (24 x 36 mm) bắt nguồn từ kích cỡ một khung phim tiêu chuẩn của máy ảnh cơ là 24 x 36 mm, được dùng trong các dòng máy cao cấp đầu bảng của hai ông trùm máy ảnh Canon (1Ds Mark III và gần đây nhất là 5D và 5D Mark II) và Nikon (D3 và mới nhất là D3x).

    Trong khi đó, kích cỡ APS-C chỉ là 22 x 15 mm, nhỏ chưa đầy nửa cỡ full-frame. APS-C hiện nay đã gần như là kích thước tiêu chuẩn trên tất cả các dòng máy DSLR từ bình dân tới tầm trung với lợi thế không thể phủ nhận là nhỏ gọn hơn, giá thành lại rẻ hơn, trong khi chất lượng ảnh vẫn chấp nhận được, thỏa mãn hầu hết các tay chơi ảnh.
    Vì lí do kích thước của 2 loại CMOS mà chúng ta đặt ra khái niệm thông số 1.5x (1.6x cho một số dòng). Tức là tất cả các lens có tiêu cự định sẵn đưa vào các máy crop đều phải nhân lên 1.5 lần, còn đưa vào các máy Full-frame thì đúng tiêu cự của nó.
    Ví dụ ta có lens 24-70mm, nếu đưa vào các máy Full-frame thì tiêu cự của nó là 24-70mm, còn nếu đưa vào các máy crop thì tiêu cự trở thành 36-105mm.


    Các loại lens:
    Lens Fix (hay còn gọi là Prime):
    Lens fix (hay còn gọi là Prime lens) là ống kính có tiêu cự cố định. Thuật ngữ fix bắt nguồn từ cụm từ Fixed Focal Length. Lens fix thường có độ mở ống kính lớn (f2.5, f1.8, f1.4, f1.2, f1,...). Loại lens này được đánh giá có chất lượng hình ảnh cao hơn so với các loại lens khác do đặc tính của các thấu kính được chuyên biệt hóa cho tiêu cự cố định.

    Lens fix thường có các tiêu cự: 20mm, 35mm, 50mm, 85mm, 105mm, 135mm, 300mm,...Trong đó lens 50mm được biết đến nhiều nhất với tên gọi Normal lens. Đây là lens dễ chụp nhất cho người mới bắt đầu do tiêu cự được làm giả lập với tầm nhìn của mắt người.

    [​IMG]Lens fix 50mm f1.8 của Nikon.
    Lens Zoom:
    Nói đơn giản lens zoom là lens có tiêu cự có thể thay đổi, đây là loại lens khá phổ biến vì sự tiện dụng của nó. Tuy nhiên, các thấu kính được sử dụng cho dải tiêu cự khác nhau nên chất lượng hình ảnh thua kém cho với Prime lens. Zoom Lens được chia làm một số loại nhỏ như: Lens wide (dải tiêu cự nhỏ hơn 50mm), Lens tele (dải tiêu cự lớn hơn 50mm) và lens Siêu zoom (dải tiêu cự lên hơn 200mm).
    [​IMG]Nguyên tắc hoạt động của zoom lens.
    Lens zoom cũng được chia làm loại Đa dụng và loại Chuyên dụng, thực ra đây không phải là luật quy ước mà là luật ngầm của dân chơi ảnh. Loại Đa dụng thường có 2 khẩu (độ mở ống kính lớn nhất có 2 mức độ cho dải đầu và cuối tiêu cự), loại Chuyên dụng thường có 1 khẩu (độ mở ống kính luôn ở mức cố định khi điều chỉnh dải tiêu cự). Thường thì ống Chuyên dụng sẽ có chất lượng ảnh cao hơn ống Đa dụng vì chỉ có 1 khẩu nhưng dải tiêu cự thì cách nhau không xa như ống Đa dụng. Để phân biệt giữa 2 loại lens này chúng ta thường áp dụng luật ngầm 3x, tức là giữa tiêu cự thấp nhất và tiêu cự cao nhất cách nhau không quá 3 lần (tiêu cự thấp nhất nhân 3 sẽ ra số thấp hơn hoặc bằng tiêu cự cao nhất). Ví dụ lens 24-70mm, ta có tiêu cự thấp nhất là 24, nếu nhân 3 lên sẽ ra 72, còn cao hơn tiêu cự cao nhất là 70 nên đây là lens 1 khẩu (chuyên dụng). Lens lens 18-200mm là đa dụng do tiêu cự thấp nhất là 18 nhân cho 3 là 54, thấp hơn tiêu cự cao nhất là 200 nên sử dụng 2 khẩu.



    Các loại lens đặc biệt:
    Lens Macro: Theo quy ước chung, chụp macro là chụp cận cảnh với độ phóng đại lớn hơn hoặc bằng 1:1, có nghĩa là chủ thể phải choán một vị trí lớn trên phim hoặc sensor, bằng hoặc hơn kích thước thật của nó ngoài đời. Ví dụ, mắt chuồn chuồn có đường kính 5mm thì ảnh của nó trên phim hoặc sensor cũng có kích thước không nhỏ hơn 5mm hoặc phóng đại hơn. Thường thì lens Macro có tiêu cự phóng đại là 1:1 hoặc 1:2.

    [​IMG]
    Lens Fisheyes: Xét về bản chất vật lý, loại ống kính này có tiêu cự dưới 20 mm và thường được các nhà sản xuất chế tạo theo chuẩn 8, 10, 15 hay 16 mm khi quy đổi trên hệ máy phim 35 mm. Ống fisheye ban đầu được phát triển để sử dụng trong ngành khí tượng thủy văn nhằm theo dõi sự hình thành mây, nên có tên gọi khá phổ biến là ống kính "toàn bầu trời" (whole-sky lens). Loại ống kính này sau đó nhanh ***ng trở nên phổ biến trong nhiếp ảnh do những hiệu ứng độc nhất vô nhị mà chúng đem lại. Đặc biệt, thể loại nhiếp ảnh bán cầu (Hemispherical photography) thường hay sử dụng fisheye cho nhiều mục đích khoa học, chẳng hạn nghiên cứu dạng tổng thể của tán cây hay tính toán năng lượng bức xạ mặt trời sát mặt đất.

    [​IMG]
    Ảnh chụp bởi ống kính Fisheye tròn (Circular fisheye lens), ảnh thu được bao quát một trường nhìn đúng 180 độ và góc ảnh có xu hướng bị đen.
    [​IMG]Lens fisheye
    Tất cả ống kính cực rộng có trường nhìn quá 90 độ đều gặp phải hiện tượng méo hình. Tiêu cự càng nhỏ méo hình càng trở nên nghiêm trọng. Do vậy, ngoài khả năng bao quát một khu vực cảnh rộng lớn, ống kính fisheye còn đem lại những hiệu ứng đặc biệt như bẻ các đường thẳng thành đường cong (và ngược lại) hay cho ảnh các vật thể không tuân theo tỷ lệ xa gần như nhìn bằng mắt thường. Lưu ý rằng, thể loại panorama thực hiện trên các thấu kính quay hay bằng cách ghép liên tiếp ảnh không phải là một dạng nhiếp ảnh fisheye dù trường nhìn thu được không hề thua kém.

    Lens tilt-shift: Tilt-shift photo là phương pháp làm cho các đối tượng trong ảnh bị thu nhỏ lại như chụp mô hình, đồ chơi. Về nguyên tắc ảnh tilt-shift làm nông DOF của hình ảnh, làm ta có cảm giác như nhìn nó rất gần, biểu hiện là ảnh chỉ sắc nét ở bề ngang giữa ảnh và bị blur hai vùng trên và dưới. Nhất là những người đã quen với các ảnh chụp close-up hay macro sẽ hiểu ngay tại sao ta lại có cảm giác sự vật bị nhỏ lại như vậy.
    [​IMG]Một bức ảnh chụp bằng kỹ thuật Tilt-shift.
    Để chụp những bức ảnh này, chúng ta cần lens chuyên dụng gọi là lens "nghiêng, trượt" (tilt-shift) (rất đắt ).
    Hiệu ứng thu nhỏ có được là nhờ áp luật Định luật Scheimpflug. Định luật này được diễn giải về cơ bản là khi mặt phẳng của hình ảnh muốn chụp, mặt phẳng của lens không song song thì chỉ một vùng của hình ảnh nằm trên đường thẳng nối với mặt phẳng tiêu cự mới có thể được làm rõ. Trong trường hợp của lens có thể nghiêng, một mặt phẳng của hình ảnh, của lens, của sensor cắt nhau tại một điểm và cũng chỉ mặt phẳng đó được nhìn rõ.
    [​IMG]Lens Tilt-shift trên máy Nikon.
    Mẹo: không cần phải bỏ số tiền khá lớn ra để sở hữu lens Tilt-shift chuyên dụng, bạn cũng có thể tạo những bức ảnh như vậy một cách đơn giản bằng Photoshop.


    Filter (Bộ lọc): Nếu tham gia vào nhiếp ảnh với mức độ chuyên nghiệp thì filter là cả một môn nghệ thuật riêng của nhiếp ảnh, vậy filter là gì?
    [​IMG]
    Filter là kính lọc, dùng để lọc ánh sáng. Trong quang phổ, nếu phân tích ra thì ánh sáng tự nhiên có nhiều màu tác động đến việc chụp ảnh màu của ta, cho nên phải dùng kính lọc để cản màu này, cho màu khác đi qua ống kính thu hình. Vì thế, kính lọc có rất nhiều loại, nhưng chủ yếu được chia làm các loại như sau:

    -UV (Ultra Violet): dùng để cản tia cực tím tác động làm ảnh bị mù, dùng trong những trường hợp muốn chụp ảnh trong, rõ trong sương mù.

    -MC (Multicoating): kính ó lớp hóa chất chống lóe được tráng lên, chống các trường hợp chụp ảnh bị lóe do chụp ngược sáng...

    -MCUV: kết hợp cả 2 tác dụng trên.

    -Sky light: Kính lọc bảo vệ ống kính, lọc hiện tượng áp sắc xanh bầu trời.

    -ND: kính xám trung tính, có tác dụng cản bớt cường độ ánh sáng...

    -Polarizing: Lọc bớt bóng phản chiếu.

    Mẹo: đừng tiếc tiền khi đầu tư cho mình một filter UV, nó vừa có tác dụng chống tia cực tím vừa có tác dụng bảo vệ giúp tránh khỏi các tác động vật lý vào bề mặt ống kính của bạn.

    Các tùy chọn trên lens:
    Tính năng VR (Nikon), IS (Canon): Đây là tính năng chống rung được tùy chọn ON/OFF trên các lens của các nhà sản xuất. Bí quyết của việc chống rung nằm ở chỗ phần thấu kính ở trung tâm sẽ di chuyển qua lại ngược chiều rung của tay cầm nhằm làm tác động. Trong khi đó, các thấu kính phía trước và sau vẫn giữ nguyên vị trí. Điều này thực hiện nhờ con quay hồi chuyển và cảm biến gia tốc nhằm phát hiện hướng chuyển động của ống kính do tay cầm bị run sau đó thực hiện động tác di chuyển chiều ngược lại.

    [​IMG]Thành phần thấu kính phía trong sẽ thực hiện động tác dịch chuyển để giảm thiểu rung lắc.
    Mẹo: nếu như chụp trong điều kiện ổn định và có dùng chân máy, bạn tên tắt chế độ chống rung, ảnh sẽ đạt được chất lượng cao hơn.


    Tính năng MF/AF:
    AF (Auto Focus): Giải thích một cách đơn giản đây là chế độ lấy nét tự động. Khi bạn click ống kính sẽ chuyển động để làm nét vùng được chọn.


    MF (Manual focus): Lấy nét thủ công. Khi chọn chế độ này thì bạn phải xoay vòng nét cho đến khi đối tượng đạt đủ độ nét.
    [​IMG]Nút điều chỉnh AF/MF trên lens.
    Mẹo: Khi ở chế độ MF, bạn nên xoay vòng nét cho đến khi trong viewfinder xuất hiện 1 chấm nhỏ màu vàng, điều đó báo hiệu nét bạn lấy đã chính xác.

    Viewfinder/Live view:
    Viewfinder: là ống ngắm máy ảnh. Được dùng để xem trực tiếp hình ảnh thu được từ ống kính. Có 2 loại viewfinder là: Quang học (hình ảnh được truyền trực tiếp từ ống kính sang viewfinder bằng các thấu kính), Điện tử (hình ảnh được truyền ảnh dữ liệu pixel rồi chiếu trên màn hình nhỏ đặt trong viewfinder.
    [​IMG]
    Live view: là hình ảnh được ống kính thu được sẽ xuất hiện trên màn hình thông tin của máy ảnh. Mọi điều chỉnh thông số sẽ được thay đổi trên màn hình hiển thị.
    [​IMG]
    Mẹo: các tay máy chuyên ngiệp thường không sử dụng chế độ live view mà chỉ sử dụng view finder. Chỉ một số trường hợp bắt buộc thì mới sử dụng đến nó. Nếu như bạn thường sử dụng live view để chụp thì nên tập lại thói quen đó, bởi cách ngắm chụp cũng biểu hiện được trình độ của bạn ở mức nào.

    Link PDF: https://www.dropbox.com/s/goscr3z36gqb4v5/Nhiếp ảnh và những vấn đề cơ bản.pdf

    ...
  2. Kel Media

    Kel Media Thành viên cấp 2

    Phần 3: Căn bản thực hành:
    Phần này mình tổng hợp một số kỹ năng căn bản khi bắt đầu cầm máy.

    Tháo lắp ống kính:
    Ống kính và thân máy luôn có dấu hiệu để định vị trí gài vào cho khớp. Ví dụ hình trên là chấm đỏ. Đặt ống kính khớp vào thân máy, đối với máy Nikon thì vặn theo chiều ngược chiều kim đồng hồ. Ngoài Nikon thì các hiệu máy khác vặn theo chiều kim đồng hồ. Khi vặn thật cẩn thận và nhẹ tay.

    [​IMG]
    Lưu ý trong quá trình tháo ống kính, bên hông máy đều có một nút bấm khóa ống kính. Khi tháo phải bấm giữ rồi xoay ống kính cho đến khi ống kính bắt đầu xoay được thì thả ra.

    [​IMG]

    Mở máy, thiết định chế độ chụp tự động.
    Với phương thức chụp tự động program kết hợp tự động lấy nét (Autofocus) và đo sáng đa phần (MatrixMetering) : cách chụp hình đơn giản nhất.

    Ở đây minhf giới thiệu một tính năng có sẵn, có thể nói là “Ai cũng có thể chụp được một cách đơn giản”. Đó là chức năng chụp tự động Program. Khi đặt máy ở chế độ này, máy sẽ tự động lấy nét nhờ vào hệ thống tự động lấy nét AF, kết quả đo sáng của hệ thống đo sáng đa phần matrix metering sẽ giúp máy chọn được khẩu độ và tốc độ thích hợp. Bạn chỉ việc ngắm chọn khung hình và bấm chụp.

    Cách cầm máy:
    Hình dưới đây mô tả cách cầm máy nằm (ngang). Tay phải cầm thân máy, tay trái đỡ là cách cầm căn bản. Ngón trỏ phải đặt ở nút bấm chụp. Các ngón tay trái hợp lại cầm chắc ống kính và nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của máy. Hai khủy cánh tay co giữ chặt máy. Để ngắm chụp dùng mắt trái hay phải đều được, thường thì dùng mắt phải dễ nhìn hơn. Khi bấm chụp, nín thở bấm nhẹ nhàng.

    [​IMG]

    Khi cầm đứng máy thì tay phải cầm phía trên, cánh tay cũng giữ chặt máy. Chụp đứng máy hay ngang máy đều cố định máy bằng hai tay và trán. 3 điểm tựa này trở thành nguyên tắc. Trường hợp chụp ghép nhiều lần trên một film thì cần lưu ý chiều đứng của máy phải cố định. Do đó tốt nhất các bạn nên tập thói quen cầm máy đứng theo một chiều.
    [​IMG]

    Cũng có khi cầm máy đứng mà tay phải ở phía dưới. Nhưng khi ấn một nửa nút chụp để lấy nét cảm giác như hơi vướng víu vì cà hai tay đều phía dưới. Mới tập chụp thì nên chụp máy đứng theo cách đặt tay phải phía trên.

    [​IMG]

    Luyện tập lấy nét:
    [​IMG]
    Máy chụp hình AF SLR có nút bấm chụp là loại có hai nấc. Khi bấm một nửa là tác động hệ thống lấy nét tự động AF. Sau khi máy đã lấy nét xong mới bấm tiếp thêm một nấc nữa để chụp ảnh. Thông thường ta sẽ gặp ba dạng lấy nét sau :

    -M (Manual Focus): Lấy nét thủ công, tự điều chỉnh bằng tay

    -S (Single Auto Focus): Lấy nét tự động một lần. Máy chỉ thực hiện lấy nét lại khi bạn bạn thả và bấm nhẹ nút chụp lần nữa.

    -C (Continue Auto Focus): Phương thức lấy nét một liên tục. Khi dời điểm lấy nét sang vị trí khác máy sẽ tiếp tục lấy nét lại ở vị trí mới.


    Bước 1: Ấn nhẹ một nửa nút chụp.
    Hướng điểm lấy nét vào chỗ cần lấy nét. Lúc này chưa quan tâm đến bố cục. Ấn nhẹ nút chụp, hệ thống lấy nét tự động làm việc.Thường sẽ có đèn báo hiệu lấy nét xong trong viewfinder.

    Bước 2: Chỉnh bố cục hình
    Vẫn ấn nhẹ nút chụp sau khi đã lấy nét. Đặt lại bố cục hình ảnh theo ý muốn.

    Bước 3: Bấm chụp
    Sau khi canh bố cục xong, ấn nút chụp thêm một nấc nữa để chụp. Khi bầm chụp lưu ý nhớ bầm nhẹ nhàng, nín thở để tránh bị rung máy làm giảm độ rõ nét

    [​IMG]

    Các yếu tố khi chụp ảnh:
    Theo một số nguồn hướng dẫn thì để có một bức ảnh đẹp thì các yếu tố bao gồm: GÓC ĐỘ, CƯ LY, BỐ CỤC. Ở đây mình xin trích dẫn bài viết hướng dẫn chụp hoa của 1 thành viên trên vnphoto về vấn đề GÓC ĐỘCỰ LY....Còn phần BỐ CỤC mình sẽ đi chuyên sâu hơn bởi nói cách khác, BỐ CỤC bao gồm cả GÓC ĐỘCỰ LY.

    GÓC ĐỘ:
    [​IMG]
    [​IMG]

    CỰ LY:
    [​IMG]
    [​IMG]


    BỐ CỤC:
    Đây là phần quan trọng nhất, quyết định sự "sống còn" của một bức ảnh. Bố cục trong nhiếp ảnh là vô hạn. Có mọi cách để tạo một bố cục đẹp. Nhưng thường nhắc đến bố cục, người ta thường nhắc đến bố cục 1/3. Đó được xem như sự chuẩn mực trong nhiếp ảnh, kể cả trong hội họa và kiến trúc. Vậy bố cục đó là gì?

    Người ta chia mỗi chiều của bức ảnh ( hình chữ nhật hoặc hình vuông - giới hạn không gian của ảnh) ra làm 3 phần bằng nhau, từ đó vẽ những đường song song với các cạnh.
    - 2 đường song song với cạnh ngang, gọi là 2 đường mạnh nằm ngang.
    - 2 đường thẳng song song với chiều đướng, gọi là 2 đường mạnh thẳng đướng.
    - 4 giao điểm của các đường mạnh cho chúng ta 4 điểm được gọi là 4 điểm mạnh.
    Dựa trên các đường mạnh chúng ta có thể chia không gian thành nhiều phần hoặc đặt những thành phần cần nhấn mạnh của bối cảnh vào hoặc gần với đường mạnh, điểm mạnh. Những đường mạnh, điểm mạnh cho phép ta tạo những “trọng lương thị giác”, những điểm nhấn của bố cục.

    [​IMG]
    Trong hệ thống chuẩn mực còn có các dạng bố cục khác như: Đường Chéo, Đường Cong, Vùng Mạnh, Vùng Tựa...
    [​IMG]
    Bố cục Đường Chéo.
    [​IMG]Bố cục đường cong.
    [​IMG]
    Bố cục Vùng Mạnh.
    [​IMG]
    Bố cục Vùng Tựa.
    Ngoài ra, còn có một số dạng bố cục được phá cách:

    [​IMG]
    [​IMG]
    Mẹo: Khi áp dụng quy tắc 1/3, nên hạn chế đưa đường chân trời lên nằm giữa bức ảnh. Tốt nhất nên để đường chân trời nằm trên 2 hàng ngang. Ngoài ra, trừ một số trường hợp phá cách trong bố cục thì tuyệt đối không được để đường chân trời bị nghiêng.

    Các thể loại nhiếp ảnh:
    Nhiếp ảnh cơ bản được chia làm các thể loại sau:

    -Ảnh thiên nhiên, phong cảnh.

    -Ảnh chân dung.

    -Ảnh macro, tĩnh vật.

    -Ảnh sự kiện.

    -Ảnh B&W.

    -Ảnh phóng sự.

    -Ảnh Fashion.

    -Ảnh Street life.

    Những thể loại này nội dung đều thể hiện qua cái tên, mình xin phép được bỏ qua. Ngoài ra còn một số "trường phái" khác mà khá nhiều người chưa định nghĩa được (mình không biết đó có được tính là thể loại không, cũng chẳng biết gọi là gì nên gọi tạm là Trường phái ảnh). Ở đây mình chỉ nêu sơ lược về định nghĩa, phương pháp thực hiện cơ bản chứ không đi sâu. Mỗi loại mình sẽ đi sâu hơn vào các bài viết nâng cao.

    Ảnh Phơi sáng (exposure): Thuật ngữ “phơi sáng” (exposure) để chỉ cảm biến bắt sáng được “phơi” ra lấy hình ảnh của một khung cảnh. Tuy nhiên, để thu được một bức ảnh từ cảm biến thông qua cơ chế phơi sáng, còn cần phải có thêm cả ống kính, thân máy.

    [​IMG]
    Ba yếu tố ảnh hưởng đến phơi sáng.

    Có 3 yếu tố ảnh hưởng tới phơi sáng, hay nói cách khác là ảnh hưởng tới ánh sáng tạo nên bức ảnh, đó là tốc độ cửa trập (shutter speed), độ mở ống kính (aperture)độ nhạy sáng (ISO). Trong đó, quá trình ánh sáng tiếp xúc với vật liệu nhạy sáng như phim, giấy ảnh hoặc mặt cảm biến trong máy ảnh kỹ thuật số sẽ quyết định để có một tấm ảnh. Quá trình phơi sáng phụ thuộc vào 2 giá trị là thời gian trập và khẩu độ của ống kính. Thời gian trập (hay được gọi là tốc độ chập) là khoảng thời gian mà màn chập của máy ảnh mở cho ánh sáng đi vào mặt vật liệu nhạy sáng. Khẩu độ là kích thước thay đổi của màn chắn trong ống kính, điều chỉnh lượng ánh sáng đi qua vào mặt vật liệu nhạy sáng.

    Một số hình ảnh phơi sáng:
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]


    Ảnh HDR: HDR là viết tắt của cụm chữ Hight Dynamic Range. Dynamic Range là khái niệm dùng để chỉ sự khác biệt cao nhất giữa vùng sáng và vùng tối mà các thiết bị có thể ghi nhận hoặc thể hiện lại. Dynamic range của máy ảnh số, màn hình, của máy in… là khác nhau. Máy ảnh số thông thường chỉ ghi nhận được 8 bước khác biệt, một số máy cao cấp nhất hiện tại ghi nhận được tới 12 bước khác biệt. Trên thực tế, sự chênh lệch sáng tối là rất khác nhau. Bởi vậy kỹ thuật HDR sẽ giúp máy ảnh số mở rộng hơn khả năng ghi nhận sự chênh lệch sáng tối này.

    Một số ảnh HDR:
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    Phong Phong, tomcat, Quang Định11 người khác thích bài viết này.
  3. TOMMYH167

    TOMMYH167 Thành viên cấp 3

    đa phần mình đều đã đọc và nằm lòng :) đây quả thực chỉ là cơ bản thôi :D mình rất thích bài viết :D
  4. PaPu

    PaPu Thành viên cấp 1

    Nhìn qua mấy cái hình thấy đáng để đọc, thanks bác chủ thớt.
    Vì có 3 hình của e ko load được là hình Len marco, hình len fisheys là và hình cuối #2. Em biết ơn bác lắm nếu bác convert sang pdf hộ e cái(lấy về cất về máy :x) .
    Tý quay lại like sau ạ :D
    Kel Media thích bài viết này
  5. Kel Media

    Kel Media Thành viên cấp 2

    Mình tổng hợp lại các vấn đề cốt lõi dành cho các bạn chưa làm quen với nhiếp ảnh bao giờ, còn những ai đã biết thì nó quá cơ bản để đọc :D

    Để em convert rồi sẽ bổ sung sau :D
    PaPu thích bài viết này
  6. Nguyễn Nam Thắng

    Nguyễn Nam Thắng Mới đăng kí

    một bài viết hay.
    Kel Media thích bài viết này
  7. đăng bụi

    đăng bụi Thành viên cấp 1

    rất bổ ích..rất hay..rất tuyệt..tks bác chủ thớt cực kì nhiều nhé :v . khai thông cho e nhiều điều.
  8. Kel Media

    Kel Media Thành viên cấp 2

    Đã up PDF cho bác nào cần, nếu được ủng hộ em sẽ viết tiếp các phần còn lại :D
    Nguyễn MyPaPu thích bài viết này.
  9. PaPu

    PaPu Thành viên cấp 1

    Có 1 cái hình động mục lenzoom convert pdf bị mất hiệu ứng, bác nào đọc pdf thì xem luôn hình đó trên web cho sướng :v
    Em cũng đang tìm hiểu các vấn đề cơ bản, phần bố cục thấy của bác có nhiều cái e chưa đọc hị hị
    Bác mà viết tiếp thì post vào đây hoặc share đc link vào đây cho e tiện theo dõi với nha :x
    Thanks bác nhiệt tình :D
  10. Kel Media

    Kel Media Thành viên cấp 2

    Cảm ơn bác ủng hộ, em đang định bổ sung thêm một số kĩ thuật nâng cao của nhiếp ảnh, sẽ update đầy đủ lên đây :3 :3
    Nguyễn MyPaPu thích bài viết này.
  11. M00N

    M00N Thành viên cấp 2

    bài viết này 1 lần nữa cho e củng cố thêm cái cơ bản :) cảm ơn bác

Ủng hộ diễn đàn