Hãy đăng ký thành viên để có thể dễ dàng trao đổi, giao lưu và chia sẻ về kiến thức đồ họa.
  1. Hãy đăng ký subscribe kênh Youtube mới của Việt Designer tại địa chỉ: Youtube.com/VietDesignerChannel để theo dõi các video về thiết kế đồ họa. Do trước đó kênh cũ bị Youtube quét không rõ lý do, trong thời gian chờ kháng cáo nếu các bạn thấy video trên diễn đàn bị die không xem được thì có thể vào kênh mới để tìm xem video sơ cua nhé.
    Loại bỏ thông báo

Sự thật về “học đồ họa” tại Việt Nam

Chủ đề thuộc danh mục 'Chuyện trò linh tinh' được đăng bởi Người Chia Sẻ, 3/7/15.

Lượt xem: 76,273

  1. Người Chia Sẻ Share to be shared!

    Kì 1: BẢN CHẤT CỦA TRUNG TÂM ĐÀO TẠO THIẾT KẾ

    Câu Chuyện Chân Thực của việc Học Trung Tâm và Đại Học.
    (Nhân thi đại học làm tắc đường và mình bị trừ 600K đi muộn)

    hr0SzgW.jpg
    Nguồn ảnh: Mạnh Cường

    Mình đã từng học tại đại học (cả thảy là 8 năm cho 3 bậc: cao đẳng - đại học - thạc sĩ) và dạy cho Trung Tâm uy tín (trong chừng 7 năm với vai trò giảng viên chính thức), dạy khóa riêng (5 năm với khoảng 70 học viên), và chừng đó, quan điểm riêng của mình thế này:

    TRUNG TÂM ĐÀO TẠO THIẾT KẾ

    Chiêu mầu nhiệm của các trung tâm là "Có việc ngay và lương cao". Câu quảng cáo này ẩn đằng sau 2 mạch đề:

    CÓ VIỆC NGAY:
    bản chất của các trung tâm là đạo tạo thợ (trung tâm uy tín sẽ đào tạo ra thợ giỏi, bắt nghề nhanh), và kiến thức chủ yếu là kĩ năng về thao tác, không có kĩ năng tư duy và sáng tạo (kỹ năng của designer chuyên nghiệp), thế nên, việc tiệm cần với nghề là rất thuận lợi trong giai đoạn đầu, nên có việc ngay không khó.
    Nhưng vấn đề là hạn sử dụng (HSD) của những kiến thức này rất ngắn, 5 năm là nhiều.
    Điều tai hại hơn, kiến thức thao tác này ko cung cấp cho học viên nền tảng cơ bản để tự học trong suốt hành trình nghề nghiệp sau này. Vì thế, đa số gặp bế tắc sau vài năm đi làm, và không có vị trí cao. Khi nhận ra, thường đã hơi muộn, quay lại học thì gặp nhiều cản trở khách quan và tâm lí.

    LƯƠNG CAO:
    các trung tâm thường nhắm vào nghề hot để đạo tạo, nhưng không bao giờ nói với bạn, khi nào nó hết hot. Cái gì nóng rồi mà chả nguội, mà khi nguội, nó sẽ đi về đâu? Cứ nhìn vào tuổi thọ của trung tâm bạn sẽ biết tuổi thọ kiến thức mà bạn học (và trừ đi vài năm, vì nó phải xuất hiện trước để đón sóng nghề).
    Cách khác là đưa ra các nhân vật lương cao, nhưng họ không bao giờ nói thật, những người này đã học kiến thức cơ bản ở một trường Đại Học rồi. Từ đó, tạo ra ẢO ẢNH là đi đường tắt, và "vinh quang" thì thật dễ dàng.
    Mình đảm bảo 100% là các bạn đó đã học cơ bản đầy đủ.
    Một thực tế đau lòng là một trung tâm đào tạo ra học viên không qua đại học, nhưng đã không bao giờ nhận họ là nhân viên chính thức, đặc biệt trong vai trò giảng viên, vì đơn giản, họ không có bằng đại học. Các giảng viên của họ đều là sinh viên giỏi của các trường đại học mà ra.
    Dưới đây là câu chuyện của mình với một bạn học viên rất giỏi (về kỹ năng) mình từng dạy ở trung tâm (nếu bạn có đọc được, hy vọng bạn cho phép). Và đây ko phải là bạn duy nhất nói điều này với mình trong nhiều năm qua.
    Hãy nhìn thẳng vào con đường mà bạn chọn, đừng cố tô hồng cho nó.

    OgnV2wi.jpg


    Kì 2: BẢN CHẤT CỦA ĐẠI HỌC VỀ THIẾT KẾ

    Một cánh cửa tương lai mở ra...nhiều cánh cửa khác, có cánh cửa tới thẳng đích, có cách cửa tới một nơi vô cùng mông lung và mộng mị, có cánh cửa đi vòng tròn rồi lại về điểm xuất phát.

    Không nói nhiều đến bạn làm gì và học gì ở đại học, mà nói bạn sẽ như thế nào nếu học đại học và không học đại học.
    Mình dạy mỗi năm 100 học viên, vậy trong 7 năm chừng 700hv qua đò. Nhưng tỉ lệ mình đoán chính xác ai học đại học và không học gần như tuyệt đối. Bạn học viên nào đã từng bị test có thể vào cmt để xác nhận. Và có 2 đồng nghiệp cũng gật đầu xác nhận là đúng khi đồng ý tham gia test. Vậy cái gì khác nhau giữa người học hết trung học và người học đại học: tư duy.

    Khi bạn học đại học (đúng nghĩa), bạn sẽ phải học quan sát, tổng hợp, phân tích, đánh giá, tổng kết để rút ra một khái niệm hoặc một qui luật. Nó giống như họ phải tìm nguyên liệu, sơ chế nó rồi nấu thành món.

    Nhưng những bạn học hết phổ thông rồi thì chỉ dừng lại ở nhận diện, mô tả một hiện tượng (phần nguyên liệu), rất ít khi phân tích, đánh giá được, đừng nói đến đưa ra khái niệm và qui luật (món ăn), họ không thể nấu ăn, chỉ dùng "đồ fast food" (là mẫu thiết kế, temple, qui trình do người khác viết ra. Một số bạn có kĩ năng tìm và khai thác tài liệu tốt thường nghĩ mình thế là...chuyên nghiệp. Họ không thể sáng tạo, tức là làm ra cái mới, cái riêng). Mình có kinh nghiệm thực tế kì cục khi dạy một học viên chưa qua đại học về tư duy sáng tạo, nhưng mình đến h này vẫn ngơ ngác, vì mình miễn phí và rất nhiệt huyết, nhưng học viên cao chạy xa bay. Sau này bạn đó tâm sự với bạn khác, là thấy nó quá khó, và hơi dư thừa để đi làm (một công việc có mức lương cao). Và từ đó,mình không nhận dạy ai thiết kế nữa.

    Tại sao phải nói dài dòng thế, là vì mình muốn giải thích tại sao những ai học đại học nghiêm túc lại có khả năng "gia hạn" cho kiến thức của mình lâu hơn so với số đông những bạn không học. Và đó cũng là lí do họ trụ với nghề hoặc tiến xa hơn nếu như cố gắng hoàn thiện nốt khâu kĩ năng rất yếu ở đại học Việt Nam (và họ tới TRUNG TÂM chỉ vì thế thôi).

    Quay về câu chuyện ĐẠI HỌC VỚI CHUYÊN NGÀNH THIẾT KẾ. Đáng nhẽ đại học cần phải dạy để có tư duy như trên, thì nó lại ngược lại. Bạn nào đã qua đại học về ngành thiết kế đều có thể trả lời cho mình: Đại học có giáo trình chuyên ngành không? Mình mới bước ra khỏi cổng trường năm 2012, nên trả lời cho bạn luôn và ngay: không có. Thầy cầm tay chỉ việc, nghĩa là, bản chất của phần lớn Đại Học Chuyên Ngành Thiết Kế là dạy nghề, chẳng khác gì trung tâm, riêng về mặt cập nhật thì thua xa các trung tâm. Đại Học công không cần lợi nhuận để tồn tại, vì thế, không cần đáp ứng nhu cầu của khách hàng, thầy dạy gì bạn đều phải học.

    Bạn có ăn món ăn nào đã quá date 20 năm? Kiến thức của các giảng viên đại học thậm chí còn bị đông lạnh lâu hơn thế. Cái bẫy nguy hiểm nhất của Đại Học nằm ở đây. Đó là dù bạn có chạy với tốc độ nào thì cũng chỉ để giảm bớt khoảng cách với thiết kế hiện đại, chứ không thể bắt kịp được, đừng nói vượt qua. Mà thiết kế là sáng tạo, tạo ra cái mới, vượt qua cái cũ.

    Còn đường ngắn nhất họ chọn sau này là copy và paste. Một thế hệ designer copy + paste + google ra đời với niềm tự tin công nghệ bất tận. Trong 7 năm mình dạy, chưa thấy một học viên nào chạm nổi vào từ sáng tạo. Trong cả khóa học thạc sĩ, không có một bạn học nào viết được một giải pháp cho một vấn đề khúc mắc trong thiết kế, toàn bộ là thạc sĩ google. Còn đề tài chuyên ngành của mình thì được cắt cử một thầy giáo Triết Học hướng dẫn vì nghe nó Âm Âm – Dương Dương gì đấy (mình viết về không gian âm bản trong thiết kế. Nhân đây cũng cảm ơn người thầy không có chuyên môn thiết kế, nhưng có tấm lòng chân thành của một nhà giáo, biết cơ chế tồi tệ làm khổ sinh viên, đã vẽ đường cho mình chạy ra khỏi cổng trường an toàn).

    Nhưng tại sao mình vẫn khuyên nhiều bạn học đại học, vì vẫn tốt hơn ở TRUNG TÂM về sự toàn diện. Bạn được biết toàn bộ những kiến thức thiết yếu và cơ bản nhất của một người làm nghề chuyên nghiệp phải biết, cái TRUNG TÂM phải lược bỏ đi vì họ không có đủ qui mô và các nguồn lực như Đại Học công lập. Còn học những kiến thức này thì bạn phải chắt lọc, kiểm tra, đối chiếu để tránh gặp phải kho “kiến thức đông lạnh” hơn 40 năm. Nếu bạn tiêu hóa và để nó thẩm thấu vào các cơ quan nội tạng, vào máu, vào não, bạn sẽ không bao giờ quay trở lại hiện tại được nữa. Lúc đó, bạn sẽ nhìn thấy cách cửa tới một nơi vô cùng mông lung, mộng mị. Còn nếu bạn vứt đống kiến thức đó đi, bạn lại quay về điểm xuất phát. Phần lớn bạn bè mình và học viên từ Đại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp đều sẵn sàng tới một nơi mông lung và mộng mị, họ ko đủ dũng cảm đập đi xây lại từ đầu, hoặc đã quá già (người Mỹ có câu: "không thể dạy con chó già những trò mới được"). Đã có 6 bạn theo lời khuyên của mình quay lại đại học, và thừa nhận, nó giúp họ tốt hơn rất nhiều.

    Không tin TRUNG TÂM, không vào ĐẠI HỌC, còn 2 cách: du học và tự học. Mình chưa đi du học vì nhà mình nghèo, nên không viết, còn tự học nghề đã 18 năm, sẽ viết về CÁI GIÁ CỦA TỰ HỌC để bạn tham khảo.
    Nhân đây cũng giải thích vì sao mình viết những trái nghiệm cá nhân này. Trước đó, khi còn là giảng viên cho trung tâm, mình chỉ dám thẳng thắn nói với học viên mình dạy, cho đúng với lương tâm của người thầy, nhưng không public vì nhiều điều phải tránh.

    Sau rồi, vì có khóa dạy riêng, ko muốn mang tiếng PR trá hình, nên cũng ko viết. Giờ mọi thứ đã kết thúc, mình được tự do với quan điểm của bản thân, nên chia sẻ với bạn. Bạn có thể đồng ý, có thể không đồng ý, điều này không quan trọng, miễn là bạn nhìn thấy một góc của con voi là được.

    Kì 3: CON ĐƯỜNG VÀ CÁI GIÁ CỦA TỰ HỌC

    Nói đến tự học, mình không biết có bạn nào hứng thú với nó không, chứ mình quay đầu nhìn lại, thấy ngậm ngùi. Vậy để mình nói đến cái giá trước nhé, sau đó sẽ nói đến “vinh quang”, và cuối cùng sẽ bàn đến việc làm thế nào để tìm được đường tới được “đỉnh vinh quang”.

    CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO TỰ HỌC
    Mình thì không phải trả phần lớn những cái giá này, nhưng không phải không mất gì cả.

    CÁI GIÁ ĐẮT NHẤT CỦA TỰ HỌC là bạn đi lạc đường. Nếu bạn phải tự mình băng qua một khu rừng, hay đi du lịch một thành phố mới, bạn sẽ phải có bản đồ hoặc một hướng dẫn viên giầu kinh nghiệm đúng không? Nếu không có thì sao? Mình chắc chắn bạn sẽ bị lạc, thậm chí không phải một lần, mà là nhiều lần, thậm chí lạc không về nổi nữa. Mình hay lên phố cổ chơi với bạn mỗi chủ nhật, và gặp Tây trên tay cầm tấm bản đồ, vẫn hỏi đường bét tè le, vì phố cổ rắc rối lắm.

    Lạc trong rừng bạn sẽ đói, có thể bị hổ ăn thịt hoặc bị khỉ quấy khi ngủ, bạn gái có thể sợ thêm ma nữa…Và vì thế, bạn sẽ có quyết tâm ra khỏi rừng hoặc chờ người cứu để quay trở về cuộc sống bình thường. Nhưng lạc đường trong học lấy một cái nghề là lạc sang nghề khác. Những trường hợp lạc sang nghề không phải là thế mạnh, mình thấy phần lớn những người này như con lười, cả ngày chỉ leo cây được 3 mét. Khi mệt, nó sẽ ôm chặt cây và ngủ. Nếu nó bị rơi xuống đất hoặc muốn chuyển sang cây khác, mọi thứ sẽ rất tệ, vì khi bò dưới đất, bò được 1 mét với nó đã là kì tích rồi. Và chẳng ai cứu bạn ra khỏi một công việc trừ chính bạn. Không ai muốn quay lại để bắt đầu một con đường mới, và mình nhắc lại câu “con chó già không thể học các trò mới được”, đặc biệt là các ngành nghệ thuật thường đòi hỏi phải xuất phát càng sớm càng tốt.

    CÁI GIÁ THỨ HAI CỦA TỰ HỌC LÀ học đủ thứ. Trong hành trình của mình, bạn thấy thác nước đẹp: Ồ, tôi muốn trở thành nhiếp ảnh gia, quên đi mất mục tiêu thành designer chuyên nghiệp ban đầu. Bạn loay hoay mua máy ảnh, rồi lang thang đi chụp ảnh. Khi lang thang, bạn thấy con khỉ đít đỏ rất yêu (Ở rừng lâu sẽ thấy khỉ đẹp), bạn muốn làm họa sĩ. Rồi bạn mua wacom, down tut trên mang về, hì hụi học vẽ và tả lông sao cho giống. Đến lúc bạn sực tỉnh, nhớ rằng mình muốn làm desinger, quay lại hành trình, mọi người đã đi mất đâu hết rồi. Mình đã học chụp ảnh, học vẽ, học làm film, học 3D và đang học web, nhưng luôn tự kỉ ám thị để học đúng và đủ, ko đang ham hố (dù mình toàn học với chuyên gia hoặc những địa chỉ hàn lâm nhé).

    Hôm qua có bạn học viên đang học Visual Communication hỏi mình: “Chị ơi, em muốn làm họa sĩ concept thì có cần học cái này sâu ko?”. Ố, đến hôm nay mình mới biết bạn ấy muốn làm họa sĩ concept. Và tình huống này thì đông vô số kể trong các trung tâm dạy thiết kế. Đây là điều mà kể cả nhận được tiền, mình vẫn thấy buồn phiền vô cùng, cũng là lí do lớn nhất mình bỏ dạy cả khóa học riêng lẫn từ chối lời mời của các trung tâm và 1 trường đại học.

    CÁI GIÁ THỨ BA CỦA TỰ HỌC là lặp đi lặp lại các kĩ năng sai quá nhiều lần, đến mức trở thành bản năng. Trường hợp này khó chữa nhất. Các bạn gái ít chơi game hay sao ấy, nên mỗi lần mình dạy phần mềm đều hiếm khi để các ngón tay đúng một tổ hợp phím. Mình kêu lên “đừng làm thế, về sau không sửa nổi đâu”, nhưng rồi vẫn phải chấp nhận những câu trả lời bẽn lẽn, dễ thương “em quen rồi”. 80% học viên của mình không sử dụng được đánh 10 ngón. Phần lớn khi bắt đầu học phần mềm, đều không biết tay đặt lên phím thế nào cho đúng (thế mà chat nhoay nhoáy).

    Sai thao tác còn dễ, sai tư duy mới sợ. Có một vài trường hợp học các trường mỹ thuật đã quen làm đẹp, khi mình yêu cầu làm một cảm giác tiêu cực (quảng cáo không phải lúc nào cũng đẹp) thì không…chịu đựng được. Các trường mỹ thuật chỉ dạy bạn công thức…làm đẹp thôi, không dạy bạn sáng tạo. Các sinh viên này giống thợ trang điểm, chỉ biết làm đẹp, trong khi designer là họa sĩ hóa trang, và trong trường hợp này, mình cần một nhân vật “giầu-xấu-nhầu” cơ. Với cách học kiểu thợ trang điểm, họ biến các market đầu vào giống như các cô gái có mặt mộc khác nhau, và đầu ra là 100 cô dâu giống nhau. Bi hài nhất là chị gái mình. Chị đã phải chụp 2 bộ ảnh cưới, vì bộ đầu, toàn cảnh trông giống hệt một cô chụp cùng buổi, khác mỗi chú rể.

    Mình bảo họ, không phải lúc nào cái đẹp cũng cần cho truyền thông và đưa ví dụ, các bạn đó lí luận : em biết, nhưng đa phần người ta vẫn thích cái đẹp hơn.

    Ừ, đa phần nhân vật chính đều “trẻ-khỏe và đẹp trai” mà. Và họ rời khóa học mình dạy.

    CÁI GIÁ CUỐI CÙNG là tuổi thanh xuân. Nếu bạn được đứng trên vai của một người khổng lồ, nhờ kinh nghiệm và tri thức của họ, bạn sẽ đi qua khu rừng một cách dễ dàng. Họ cũng giúp bạn tạt ngang tạt dọc chút ít để ngắm cảnh đẹp nữa. Nhưng nếu chỉ có một mình, bạn phải trả giá cho những lần đi lạc. Cho dù không lạc, bạn cũng phải bỏ thời gian ra để trải nghiệm kiến thức, xem nó đúng sai, tốt xấu, hữu ích hay vô dụng ở chỗ nào. Rồi phải đợi cho nó ngấm vào máu thịt, tim óc của bạn nữa. Và đó là cái giá được trả bằng tuổi thanh xuân. Để trải nghiệm lí thuyết về Art Director và có thời gian học thêm ngoại ngữ, mình đã bỏ công việc ở một ngôi trường có tiếng và mức lương khá, để đến một doanh nghiệp rất khắc nghiệt. Nhiều bạn bảo mình hâm, hoặc ngông, nhưng với mình, hành trình đi về phía trước và việc phải “gia hạn” cho kiến thức bản thân không thể ko hy sinh lợi ích trước mắt.
    Mình đã đi một hành trình (ko hề biết trước là bao lâu) để chạm được đến từ “chuyên nghiệp”. Khi quay đầu lại, nó đã là mười lăm năm. Ba năm lại đây mình lại tiếp tục đi nốt hành trình của “art director”, và mình biết, nhanh thì 5 năm nữa, muộn thì 7 năm nữa mới chạm được vào nó.

    Bạn không muốn trả giá kiểu này, còn một cách khác, trả tiền, chính là con đường du học tại các trường uy tín trên thế giới. Các gia đình giầu có đều biết, và muốn con họ rút ngắn con đường gian khổ này bằng tiền. Gia đình mình không có tiền, đến con mình chắc cũng không mong gì đi nổi con đường này, vậy con đường tự học là bắt buộc. Nhưng để rút ngắn con đường của con, mình dạy cháu từ nhỏ, đây là con đường đặc biệt của cái gọi là “con nhà nòi”.
    (Mình không đề cập đến những tài năng lấy được học bổng du học, vì họ là người đặc biệt, nằm ngoài các hệ thống thông thường).
    (Kì này quan trọng, mình viết chi tiết, nên khá dài).


    Kì 4: SỰ KHÁC NHAU GIỮA “CHUYÊN NGHIỆP” VÀ “CHUYÊN GIA”

    THIẾT KẾ CHUYÊN NGHIỆP

    Từ điển tiếng Việt nêu định nghĩa về chuyên nghiệp là “chuyên làm một nghề, một việc nào đó; phân biệt với nghiệp dư”. Theo đó, người ta có thể chuyên làm một việc nào đó, cho dù không giỏi, vẫn được coi là chuyên nghiệp. Tuy vậy, trong thực tế, tính chuyên nghiệp thường được dành cho những người có phong cách làm việc tốt, đạt hiệu quả cao, tức là professional, là rất chuyên nghiệp. Như vậy, khái niệm tính chuyên nghiệp theo quan niệm số đông là sự chuyên tâm làm một lãnh vực hoạt động nào đó và đạt được hiệu quả cao, nói một cách nôm na là người “có nghề” (Phan Thuận Thảo).

    Mình thường hỏi học viên của mình khái niệm chuyên nghiệp theo tự điển, nôm na là họ cần học môn gì và làm cái gì thì mới là một Graphic Designer? Tất cả đều trả lời không đầy đủ.

    Mình cũng từng đứng ở vai trò người phỏng vấn tuyển dụng, hỏi các ứng viên quan niệm của họ với từ chuyên nghiệp kiểu 2 bằng các câu hỏi cụ thể (đại loại: “Giả dụ mình là khách hàng cần thiết kế logo, bạn sẽ hỏi mình thông tin để thiết kế?”). Nếu trong 10 câu hỏi, có câu hỏi: “Anh/Chị thích mầu gì?” là mình loại luôn (:D). Phần lớn đều không thể phân biệt nổi tờ rơi khác gì tờ gấp, kể cả các thiết kế khá già dặn với nghề, đối với họ, nó chỉ là 2 tờ giấy có khổ khác nhau. Đến một giảng viên cứng tuổi của MTCN còn nói với sinh viên: “có tờ rơi rồi thì không cần tờ gấp nữa”, thật dũng cảm (1-xem cuối bài).

    Mình ko biết bạn quan niệm thế nào về một Graphic Designer chuyên nghiệp, nhưng ở vị trí một giáo viên, một leader, mình thường yêu cầu các bạn học viên và ứng viên có hiểu biết về:
    1. Đồ họa chuyên ngành (ngành thiết kế truyền thông hay gọi là visual communication để gọi đúng bản chất môn học, hơn là dùng từ Graphic Design).
    2. Phần mềm chuyên dụng (trong trường hợp này là Ps, Ai, Id, biết nhiều hơn càng tốt).
    3. Hình họa cơ bản (chỉ cần biết vẽ, không cần giỏi).
    4. Hiểu biết về marketing (đặc biệt là về quảng cáo).
    5. Hiểu biết xã hội (2 – xem cuối bài).
    Mình thường động viên các bạn designer học cho đầy đủ, bởi thiếu một trong số kĩ năng này, bạn sẽ gặp khó khăn với nghề, nhất là khi bạn đi trên một con đường dài. Riêng kĩ năng hình họa cơ bản có vẻ ít được quan tâm nhất, vì nó không ra “cơm gạo”. Nhưng bạn nên nhớ, luyện hình họa không phải chỉ để vẽ, mà môn học này gói trong nó rất nhiều khía cạnh của tư duy thẩm mỹ (cấu trúc, khối, không gian, góc nhìn, ánh sáng…). Chả thế mà, từ Mỹ thuật đến Kiến trúc, trường nào sinh viên cũng phải học hình họa, tùy theo nghề mà học nhiều học ít (bạn cũng có thể học nó với một thầy giỏi). Mà dù không ra “cơm gạo”, nó cũng làm đẹp tâm hồn nghệ sĩ của một thiết kế.
    Khi bạn là một nhóm trưởng, một Giám đốc nghệ thuật, một Freelancer, cần phải minh họa ý tưởng và concept của mình cho rất nhiều người để phối hợp ăn ý, chính xác, bạn ko thể dùng…mồm hay body language được.

    Như đã nói ở bài trước, nếu bạn đang trong tình trạng phải tự lực cánh sinh, bạn hãy chọn môn học nào giúp gia nhập thị trường lao động nhanh nhất, nhưng đừng bỏ qua nhữn môn học kiện toàn kĩ năng nghề của mình trong tương lai. Bản thân mình còn có một chiến lược học kiểu cấp 3, đó là học tất cả cùng lúc. Kiểu học vẽ 1h, học phần mềm 1h…, môn nào quan trọng thì học 2-3h, một là cho đỡ chán những môn mình không thích (không thích cũng phải học), hai là kiến thức môn này sẽ giúp bổ trợ cho việc hiểu môn kia. Học hết cơ bản một lượt, môn nào kiếm cơm, hoặc quan trọng, mình quay lại dành thời gian học sâu hơn. Nếu tất cả đều khá vững, lúc đó, mình mới học thêm môn cho một vị trí khác rồi mới di chuyển sau.

    NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG GIỎI

    Có thể coi Người Dẫn Đường giỏi là một giáo viên giỏi. Một giáo viên giỏi không nhất thiết phải biết đủ thứ, mà cũng không ai có thể có thể biết hết mọi thứ. Quan niệm của mình về một giáo viên nghề giỏi là:
    • Có kiến thức chuyên môn cơ bản chắc: ở đây là kiến thức cơ bản về ngôn ngữ thị giác.
    • Có kiến thức hoàn chỉnh về nghề: có cái nhìn toàn cảnh về các môn học cần cho nghề.
    • Có kiến thức thực tế: vì đây vẫn là kiến thức nghề, nên không thể thiếu kiến thực thực tế.
    • Có khả năng sư phạm tốt: diễn giải các kiến thức, khái niệm rất đơn giản và dễ hiểu, cho dù nó trừu tượng, mơ hồ và phức tạp (chứ không phải làm cho những thứ đơn giản biến thành phức tạp. Bạn nên cẩn thận, các giáo viên nghệ thuật thích làm điều này lắm).
    Nói thì đơn giản, nhưng khi ở vị trí học viên mới, bạn rất khó thẩm định được tất cả những tiêu chí ở một giáo viên. Vậy bạn nên dựa vào các học viên đã học trước, những người có chuyên môn cao chỉ dẫn giúp bạn. Bạn học mình từng đùa: “Làm giáo viên là sướng nhất đấy. Tôi làm sản xuất thì sai phát khách hàng biết ngay, nhưng làm giáo viên, thì phải 5-7 năm sau học viên mới biết sai hay đúng, quay lại, chả thấy các vị đâu. Lúc đó biết bắt đền ai, mà “đời” thì cũng tàn”.

    Thế nên, mất tiền vẫn là cái giá chấp nhận được, mất thời gian, mất cơ hội…mới là mất nhiều.

    CHUYÊN GIA

    Có câu chuyện thế này, một giáo viên mình quen khi nhìn đồ án của một học viên đã nói “Tôi không biết tại sao, nhưng tôi thấy nó rất xấu”. Nếu bạn có một cục tiền, bạn đi gặp bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ. Sau một hồi lâu ngắm bạn, bác sĩ nói “Tôi không biết phải làm gì, nhưng cô rất xấu”. Bạn có tức giận không? Ko cần có anh ta, bạn vẫn biết là bạn xấu. Còn anh ta ngồi đó không phải để chê bạn xấu, mà phải đưa phương án làm đẹp cho bạn chứ.

    Chuyên Gia là người giỏi nghề + giáo viên giỏi. Hơn thế, không chỉ dừng lại ở kiến thức cơ bản, họ còn nắm vững nó ở những tầng rất sâu và rộng. Ngoài cho bạn biết bạn xấu, xấu như thế nào, họ sẽ chỉ cho bạn phương pháp làm đẹp, con đường duy trì cái đẹp lâu dài. Chuyên Gia còn làm bạn đẹp lên dựa vào những nét thiên phú của mình, chứ không biến bạn thành một phiên bản trong cỗ máy tạo ra cái đẹp hàng loạt.

    Mỗi người đều có một cá tính đơn nhất, đây là điều đẹp nhất trong nghệ thuật, và chuyên gia phải giúp bạn phát triển cá tính sáng tạo dựa trên cá tính sẵn có của bạn, đồng thời chỉ ra những điểm yếu cản trở bạn tiến xa hơn, không phải kiểu người làm nghề “đầu này là một con gà sống”, đầu kia “nó đã được vặt sạch lông và đóng hộp”.

    Cuối cùng, Chuyên Gia giỏi còn có thể chỉ cho bạn nhiều lựa chọn khác nhau, và cái giá bạn nhận được sau mỗi lựa chọn đó là gì.

    Trên đây là những điều mà một người giỏi nghề không thể làm được. Người giỏi nghề chỉ chỉ cho bạn con đường họ đã đi, cách họ đã làm. Nếu bạn làm như thế, bạn sẽ giống hệt họ, không hề có con đường riêng cho bạn.

    Muốn chọn được con đường phù hợp, con đường đi xa…có lẽ bạn cần một “mối quan hệ cứu sinh” như thế này.

    Kì này là kì cuối của loạt “Tiểu thuyết chương hồi”. Cảm ơn bạn đã đọc và thấy nó hữu ích.

    Chú giải:

    (2) Hiểu Biết Xã Hội
    1. Sự tự nhận thức: Kiểm soát những hành động của chúng ta ảnh hưởng đến hành vi của người xung quanh như thế nào.
    2. Độ nhạy cảm đối với người khác: Cho thấy sự quan tâm đối với nhu cầu và cảm giác của người khác.
    3. Hiểu biết xã hội: Hiểu biết các phương pháp tác động đến hành vi và nhận thức của người khác.
    (1) Các phương tiện truyền thông cơ bản cho thương hiệu
    1. Bộ nhận diện thương hiệu: logo, nhãn hiệu thương mại, biểu tượng…
    2. Báo cáo thường niên, kỷ yếu…
    3. Thư trực tiếp
    4. Thư mời, thông cáo, thư cảm ơn.
    5. Quảng cáo: poster, tờ rơi, tờ gấp, brochure, billboard, voucher…
    6. Bao bì
    7. Biển hiệu, phương tiện vận tải…
    8. Online Design (Web, Apps, More – truyền thông động)
    9. Film quảng cáo (truyền thông động)

    Tình cờ đọc được bài viết của chị Vũ Thu Hương trên facebook, bài viết phản ánh cái nhìn chân thực về việc đào tạo đồ họa hiện nay. Mình đã xin phép chị để đăng tại lại bài viết này trên cgvn cho những bạn có ý định học đồ họa hay đang học tham khảo để có định hướng cho riêng mình nhé!

    ...
    Endric, hatdolato, dinhtra53th35 người khác thích bài viết này.
  2. songbangao

    songbangao Thành viên cấp 2

    Đọc sơ sơ để nắm nội dung. Mình thấy như thế này, bạn ấy ko lên được chức "art director" ko có nghĩa là người khác ko lên được, bạn ấy tự học mà đi lệch hướng thì cũng ko có nghĩa là người khác tự học sẽ đi lạc hướng, mỗi người mỗi khác. Vẫn có nhiều học viên ở các trung tâm trở thành Art Director chỉ sau vài năm.

    Mình cũng từng học đại học (ko phải ngành thiết kế) nên biết trong trường đại học dạy những cái căn bản rất cứng. Học đại học thì tốt hơn học ở trung tâm, đúng là như vậy, nhưng điều đó ko cản trở việc bạn trở thành Art Director.

    Trung tâm thì cũng có nhiều loại trung tâm, có trung tâm chất lượng kém nhưng cũng có trung tâm chất lượng tốt, tất nhiên vẫn ko thể bằng đại học. Mình chỉ muốn nói thế này, nếu ko có điều kiện vào đại học thì mới vào trung tâm học. Chỉ có điều học ở trung tâm thì bạn phải nỗ lực hơn, đọc thêm sách tiếng Anh, chọn những quyển được đánh giá cao vì lúc này sách trở thành người thầy của mình. Bạn vẫn có cơ hội trở thành Art Director như thường.
    Unmber Nguyễn, cáo Drin, FMP5 người khác thích bài viết này.
  3. changjinew

    changjinew Thành viên cấp 2

    Bài viết này rất hay, mình cũng có những suy nghĩ y như chủ bài viết này. Designer và họa viên là 2 khái niệm rất xa nhau nhưng hiện nay có khá nhiều bạn bị nhập nhằng 2 khái niệm này là 1.
  4. Đa Hi

    Đa Hi Mới đăng kí

    Bài viết bổ ích lắm bạn. Mình cũng đang cố gắng tự học, đôi lúc cũng ham hố, đôi lúc cũng bị lạc nhưng vẫn ko từ bỏ tìm kiếm đường đi đúng ^_^
  5. Phạm Khánh Duy

    Phạm Khánh Duy Thành viên cấp 2

    Đáng suy ngẫm
  6. Hi im Bisu

    Hi im Bisu Thành viên cấp 2

    Những cái giá của tự học hoàn toàn có thể xuất hiện ở người có đi học.
    Nhưng những người đi học chưa chắc làm được những thứ của những người tự học.
    Tôi đang làm designer lương cũng bèo nhèo 5tr 1 tháng. Tôi có khiếu vẽ và sáng tạo từ năm lớp 3 4, nhưng mãi đến năm cuối cao đẳng ( tài chính ngân hàng ) tôi mới bắt đầu chuyển mình và quay lại với đam mê, ko có kinh phí nên tôi phải tự học. Tôi tự học cái cơ bản, mày mò tài liệu trên mạng, phần lớn là xem tranh của người khác rồi tự ngẫm bức tranh đó vẽ như thế nào. Rồi tìm hiểu cách vẽ trên photoshop, đỉnh điểm của tôi là sau khi tôi dùng tiền đi làm CTV cho báo game để mua 1 con wacom itous.
    Tôi bắt đầu tự học và những thứ căn bản là cái tôi nhắm đến đầu tiên, tôi lớn rồi nên ko còn trẻ trâu và ảo tưởng sức mạnh, chán nản là cái hay gặp nhất, nhiều khi vẽ không được lại quăng bút bỏ 1 tháng mới quay lại.
    Khi quay lại tôi lại mày mò và ngạc nhiên là mình vẽ tốt hơn, mặc dù vậy vẫn cố học cơ bản, tài liệu và clip trên youtube có đầy.
    Chừng 4 tháng thì tôi ngẫm rằng những thứ thiết kế thực chất chỉ là cắt dán, download tài nguyên trên mạng về dùng, quan trọng là có con mắt để dùng nó tốt hay ko thôi, nó khác với Digital Painting mà tôi theo đuổi, nó dễ hơn. Thấy vậy tôi xin vào làm design của 1 trung tâm và đậu phỏng vấn, công việc tới giờ là hơn 1 tháng và tiến triển rất tốt.
    Tôi sẽ dùng lương của mình để đi học đàng hoàng sau đó, nhưng như vậy có được coi là tự học ko, hay lại " à tưởng gì cuối cùng cũng phải đi học thôi :| "
    p/s: Những người đi học nếu mà có chuyện gì đó đột biến chắc gì đã xoay sở nổi, trong chổ làm tôi có 1 người designer trong chuyên mục khác du học từ singapor về, nói không phải ảo tưởng chứ nhìn vào thiết kế của họ tôi thấy hơi thất vọng, cũng chả có gì đặc biệt, cũng có thể họ không biết vẽ trong khi 1 thằng tự học như tôi đã và đang cố tạo một nhân vật đại diện cho công ty, chỉ chờ sếp duyệt thôi.
    Endric, Kis, Luffy Mũ Rơm9 người khác thích bài viết này.
  7. mt-Orange

    mt-Orange Thành viên cấp 2

    có một sự thật là một số trường Đại Học ở VN mướn giáo viên từ các trung tâm lớn vào dạy :D và những giáo viên Ds lão làng thì họ rèn cho ta kiến thức Ds của những năm thập niên 80 hồi đó. Nhưng bù lại thì họ truyền lại được rất nhiều kinh nghiệm của họ đi trước ở con đường Đại Học ! :) ( vác cái thiết kế giao diện phẳng đưa ông thầy ổng không biết :-ss)
    - hiện nay thấy giống đào tạo thợ hơn đào tạo Ds chuyên nghiệp: vì sao ? vì môn học bị giàn trải quá rộng ! ông Ds nào ra trường theo cái cách dạy này, cái nào ổng cũng nhảy vô hết trơn, từ dựng phim, dựng sân khấu, vẽ 3d,........ không từ 1 thứ gì!
    - việc học Ds tốt nhất là nên ở môi trường Đại Học ( tốt ) để định hướng cái cần học rồi kèm theo đó là sự tự học mới đuổi kịp với tốc độ thiết kế hiện giờ!
    không thì bỏ ngành theo thiết kế thời tờ rang cho hợp xu thế ( ngành đang hot đó )$-)
    FMP, Luffy Mũ RơmHồng Sơn thích bài viết này.
  8. ToiHocDoHoa.com

    ToiHocDoHoa.com Thành viên cấp 3

    Nguồn thì cgvn mà cái hình thì giống hệt bên blog của mình :v thiệt tình
    Đầu tiên mình thấy bài viết rất tâm huyết nên xin phép đăng về blog đặt tên là " Sự thật về “các con đường học đồ họa” theo cách nhìn của chị Vũ Thu Hương" Để nói rõ rằng đây chỉ là một cách nhìn nhận, một quan điểm của người có kinh nghiệm. Mục đích là tránh việc soi mói người viết. Mà giờ thì sự thật kia nó thành sự thật này rồi. :D
    SebastianNguyenDzungDG thích bài viết này.
  9. Gà Con Lạc Mẹ

    Gà Con Lạc Mẹ Thành viên cấp 3

    mình đang học 2 trường, 1 trường của đại học chuyên ngành công nghệ thông tin... Đại Học Thành Đông
    1 trường là học viện công nghệ thông tin quốc tế karrox - Ấn Độ
    -----------------
    Xét về 2 khía cạnh:
    *Đại Học
    Thứ 1: 1 lớp đại học trung bình ít nhất 30 học sinh, 1 buổi học thầy giáo không thể chỉ bảo từng ng được
    Thứ 2: Như thống kê các bạn có thể thấy, bình quân 1 lớp khoảng 40 ng của đh sau khi tốt nghiệp để kiếm 1 công việc đúng với chuyên ngành mình học thật ra là rất ít.
    Thứ 3: Mình cảm thấy nhiều học sinh đi học cho vui, và bản thân mình học 1 thời gian cũng đã đăng kí 1 khóa học thiết kế đồ họa ở ngoài
    Thứ 3: Ở đh học rất nhiều môn học, mà sau khi ra trường đi làm ngẫm lại những môn đó giúp chúng ta điều gì ???

    *Trung tâm ngoài ( tùy nơi nhé. đây là mình đã và đang học ở học viện này có nhận xét riêng )
    Thứ 1: học sinh mỗi lớp không quá 15 người ( lớp mình hiện tại có 9 người ) thầy giáo rất dễ chỉ tận tay từng ng. Nhưng nhiều lúc lớp ít quá, con gái 1 2 đứa học cũng buồn... nhưng đây là đi học lấy kiến thức chứ không lấy vui
    Thứ 2: ở không biết apptech arena phải học bao nhiêu môn nhưng trường mình học có 3 môn duy nhất là : tiếng anh chuyên ngành, kĩ năng mềm, và IT ( có 1 số môn cơ bản như word, exer, powpoit, gõ máy tính 10 ngón, cài win ... mình không kể ra :D ). 1 điều có thể thấy nước ngoài hơn VN ở điểm họ xác định sau này chúng ta ra trường để làm gì ???
    Thứ 3: mọi người có thể bổ sung ở dưới nhưng riêng và chuyện học phí thì để học 1 khóa thiết kế đồ họa đa phương tiện của trường này thì mất 8tr/1 kì 5 tháng. Còn chuyên gia lập trình là 12tr680 cò. Khá là mặn
    Luffy Mũ Rơm thích bài viết này
  10. Pham Anh Nguyet

    Pham Anh Nguyet Mới đăng kí

    bài viết hay !
  11. ToiHocDoHoa.com

    ToiHocDoHoa.com Thành viên cấp 3

    songbangao Art-director cty ất ơ cùi bắp nó khác với mục tiêu Art-director như Unilever chẳng hạn, bạn thấy đúng không ^^
    Theo mình thì sự thật này hơi cay đắng cho các bạn học trung tâm, nhưng cần phải biết mình đang ở đâu và cần phải cố gắng hơn nữa để bù đắp mà đạt được mục tiêu. Ảo tưởng nhiều quá - bài viết xuất hiện cực kì đúng lúc.
  12. Do Anh

    Do Anh Mới đăng kí

    Theo mặt bằng chung mình cảm thấy, hiện tại sự cách biệt lớn nhất mình thấy bây giờ giữa việc học trung tâm và đại học chỉ là tấm bằng, cay đắng thay, chất xám và giá trị trí tuệ ở Việt Nam đa phần không được tỷ lệ thuận cho lắm. Mà hơn hết, phạm trù thiết kế lại vô cùng vô chừng.Chả ai đánh giá được , cũng chẳng có mức cảm quan nào đo lường. Mình học 5 năm đại học đúng chuyên ngành, nhưng khi làm việc thì mới thấy, quan niệm cái đẹp của mình và của khách đôi lúc có khoảng cách rất xa...Dài dòng văn tự là thế nói túm lại là xu hướng thiết kế giờ là" tiền nào của đó"...mấy nhà in còn free luôn khi in tại cửa hiệu của họ mà...Học ở đâu không quan trọng, chủ yếu là có nắm được dây tơ lòng của khách hay không mà thôi.Dẫu sao cái mình học cũng chỉ là công cụ cơ bản, còn Ds vẫn là ngành thiên về năng khiếu mừ...Còn thì không phải cứ đi đường dài sẽ thành được leader hay director, đó lại là phạm trù khác nữa, khi tố chất lãnh đạo, truyền đạt và hầm bà lằng thứ khác...( có kinh nghiệm là rất tốt, nhưng không bồi dưỡng kỹ năng cũng chỉ đến vậy mà thôi):v:v:v:v
    chichuot, lê thế hồng, FMP4 người khác thích bài viết này.
  13. DzungDG

    DzungDG Thành viên cấp 1

    Lót dép hóng. Đã kết bạn với Hương Vô Tội .facebook.com/vu.thuhuong.98?fref=ts:D
  14. GiangPM

    GiangPM Banned

    Xét tổng quan, tác giả nêu đúng nhiều vấn đề: từ môi trường Đại học tới Trung tâm và cái gọi là nhanh ra nghề, nhưng không xác đáng ở từng góc nhìn cụ thể.

    Tôi tốt nghiệp MTCN, ra nghề lại đi dạy cho nhiều Trung tâm, có đôi lời trao đổi với tác giả.

    Cảm tưởng của tôi là tác giả chê việc đào tạo ở Trung tâm.

    Nhưng Đại học và Trung tâm ra đời với vai trò khác nhau hoàn toàn, và bạn đang yêu cầu Trung tâm làm công việc của Đại học.

    Thực ra năng lực và nhận thức cá nhân, điều kiện gia đình, và nhiều thứ khác nữa ở từng người là khác nhau, do đó việc chọn lựa lối đi cũng có khác biệt. Còn Học viên, thì tôi và bạn hay bất cứ ai không có quyền phán xét họ vào Đại học hay Trung tâm là đúng hay là sai.Vấn đề là họ học ở đó ra họ có thỏa mãn hay không thôi.

    Dù học ở Đại học hay ở Trung tâm, cũng luôn có người giỏi và kẻ dốt; ra nghề, cũng sẽ có phân cấp bất kể bạn học như thế nào, ở đâu.

    Vậy vấn đề ở đây là có Trung tâm tốt và Trung tâm xấu, sau nữa là có Giảng viên tốt và Giảng viên xấu.

    Thế nào là Trung tâm tốt?

    Trung tâm tốt luôn có sao nói vậy và thực hiện đúng cam kết của mình, từ môn học, thời gian, chất lượng giảng viên...

    Trung tâm tốt là trung tâm không bao giờ đưa cho người học các kiến thức hay kỹ năng ôi thiu mà luôn là cái mới nhất.

    Trung tâm tốt là Trung tâm luôn trao cho Học viên các quy tắc được xã hội chấp nhận...

    Thế còn thế nào là Giảng viên tốt?

    Một Giảng viên tốt, bất kể đứng dạy ở Đại học hay Trung tâm cũng luôn biết khuyến khích Học viên, trao đổi với Học viên kinh nghiệm xương máu mà mình đã đúc rút được để họ không ngã vào đúng cái hố mà Giảng viên đã từng ngã.

    Một Giảng viên tốt, luôn hoàn thiện kiến thức và kỹ năng để không bị "đứng hình" trước các câu hỏi của Học viên.

    Một Giảng viên tốt, không bao giờ muốn Học viên trở thành bản sao của mình.

    Một Giảng viên tốt, không bao giờ từ chối trao đổi với Học viên...

    Trung tâm đào tạo nghiêm túc, học trò học nghiêm túc thì kết quả ra sẽ tốt, bất kể bạn là người đã học Đại học hay mới tốt nghiệp phổ thông, còn học không nghiêm túc, tôi cho rằng nhiều bạn có trong tay tấm bằng Đại học, ra xã hội còn cống hiến không bằng một bạn tốt nghiệp phổ thông và học ở Trung tâm.

    Không ai bắt Học viên yêu Thiết kế nếu họ không muốn, vấn đề ở đây là sự lựa chọn và năng lực của họ.

    Tôi từng có một người Học viên học thiết kế, tất nhiên là ở Trung tâm rồi. Học hết cả kỳ, tới khi làm Project thì bạn ấy gửi mail cho tôi, lâu rồi nên tôi chưa tìm lại được mail đó, nhưng đại ý là "cảm ơn thầy lâu nay đã nhiệt tình hướng dẫn và trao đổi với chúng em, em đã tiếp nhận được rất nhiều kiến thức mới và hay... tuy nhiên tới thời điểm là Project, em suy nghĩ và tự thấy thực tế là mình không thực sự phù hợp với nghề này, mặc dù nhận thức như vậy là muộn, nhưng em muốn tìm một lối đi khác cho mình và do đó em viết mail này, xin phép thày cho em không làm Project kỳ này. Em cảm ơn vì những kiến thức và sự nhiệt tình mà thầy đã chia sẻ với chúng em..." Như vậy bạn ấy không thất vọng về Trung tâm, không thất vọng về Giảng viên mà cuối cùng là thất vọng vì chính mình khi nhận ra mình không thực sự phù hợp, dù vẫn thấy kiến thức nhận được là hay, là bổ ích...

    Tuy nhiên tôi cũng có rất nhiều học viên khác, thành công trong công việc và xã hội (theo cách chung nhất mà mọi người vẫn đánh giá), hoặc làm nghề đã học đóng góp cho xã hội một cách lương thiện...thỉnh thoảng tôi lại rất vui khi nhận được lời thăm hỏi hay chia sẻ niềm vui của các bạn ấy khi họ thành công một việc gì...

    Hãy đặt đúng mọi việc, mọi người về đúng chỗ của nó, hãy làm đúng việc mình cần làm, đơn giản thế thôi...
    dinhtra53th, vodanhsuphu, wlan18 người khác thích bài viết này.
  15. songbangao

    songbangao Thành viên cấp 2

    ToiHocDoHoa.com Cùi bắp hay ko thì mình ko biết nhưng mức lương cho Art Director là $1000 trở lên

    Mình xin đưa ra 2 người đang ở vị trí Art Director làm ví dụ. 1 là 1 ông ở Fpt arena, lương của ổng bây giờ là $2000 - $3000, link:
    http://vozforums.com/showthread.php?t=3976187

    2 là bà cô của mình, cũng là Art Director ở công ty, bả là học viên cũ của trung tâm và giờ là giảng viên của trung tâm, lương bao nhiêu ko rõ, mình nghĩ ko dưới $1500

    Nói chung mình đồng ý quan điểm trung tâm thua kém đại học nhưng ko đồng ý quan điểm 1 người học ở trung tâm thì ko thể trở thành 1 Art Director giỏi.

    Gửi những bạn đang học trung tâm và bị lung lay bởi bài viết trên: Nếu bạn bị lung lay, thoái chí chỉ vì 1 lời nói của ai đó thì bạn ko thể nào tiến xa hơn đâu, bất kỳ lĩnh vực nào, ko chỉ riêng thiết kế đồ họa.
    FMP, nguyenthao811, t0nguyen951 người khác thích bài viết này.
  16. Galaxy Paint

    Galaxy Paint Thành viên cấp 1

    Cô Hương FAN 1 :D
  17. Dudesi

    Dudesi Thành viên cấp 1

    Bài viết hay. Thanks!
    Đồng cảm, thấm thía với chia sẻ về TƯ DUY của tác giả.
    Điều quyết định tất cả (chọn nghề này hay nghề kia, chọn trường này hay trường kia, tự học-theo hướng đúng hay tự học-theo hướng sai, học có định hướng và học mông lung...) để dẫn đến THÀNH CÔNG (là mục đích cuối cùng), chính là TƯ DUY.
    Chỉnh sửa lần cuối: 3/7/15
    FMP thích bài viết này
  18. _noregret_

    _noregret_ Thành viên cấp 2

    Bài viết là sự trải lòng của 1 người theo ngành thiết kế đã được nhiều năm , tuy nhiên hàm chứa nhiều tiêu cực trong đó quá với lại tui thấy người viết còn đang chán nản ,ý chí hao mòn theo thời gian .
    Mọi người đọc bài viết này xin hãy luôn cố gắng phấn đấu nhé và hãy luôn luôn tự tin , 1 điều mình biết đó là cho dù bạn học ĐH hay trung tâm như người viết đưa ra thì đầy đủ nhất vẫn là các bạn đi làm thực tế , trường nào cũng dạy tốt khâu kiến thức cả nhưng để có thể đưa kiến thức đó ra thành thực hành và dẫn đến thực tiễn thì ai cũng phải đi làm mới ngộ ra nhiều thứ được.
    Bản thân mình sau khi học ở 1 trung tâm rất tốt tại HN xong đi làm cũng lơ mơ lắm nhưng sau 1 quá trình đi làm 1 ,2 năm cũng ngộ ra rất nhiều thứ trên thực tế làm việc nhờ chăm học lóm mấy sư huynh , sư tỷ level cao :)) với bị củ hành trong công việc rất oái oăm :)) . Nhưng không nhờ bị củ hành thì không ngộ mấy cái hay ho được (cái khó ló cái khôn mà) :))
    Bản thân mình thì chắc là kiến thức còn hạn hẹp không bằng nổi 1 góc của người viết bài này nhưng dù gì thì gì mình vẫn luôn tự tin bước tiếp về phía trước , mọi người hãy cứ lạc quan đi vì cuộc sống là 1 cuộc chiến , không ngày nào chúng ta không phải vật lộn đấu tranh cho cuộc sống này . Ai cũng vấp ngã nhưng quan trọng mình đứng dậy ra sao , gặp vấn đề thì mình nghĩ cách tốt nhất là đi xuyên qua nó chứ đừng trốn tránh .
    Đến giờ trong ngành thiết kế này mình rất vui vì biết mình muốn làm gì ,muốn phấn đấu để đạt được điều gì nên dù vất vả mình cũng vẫn cứ lạc quan tiến lên thôi . Sống là phải tự tin , mạnh dạn tiến lên phía trước mà các bạn
    Mình viết cũng hơi tào lao mía lùi rồi :D nên thôi nói với các bạn là hãy cứ tự tin theo con đường mình đã chọn . Tấm vé ĐH hay bất cứ tấm vé bằng cấp nào cũng không bao giờ giúp bạn đi con đường đời mình dễ dàng thuận lợi thành công cả đâu , ai cũng phải phấn đấu liên tục với 1 tâm thái yêu đời và tự tin mới gặt hái được thành công thực sự .
    Chúc các bạn thành công và yêu đời như mềnh :))
    FMPLuffy Mũ Rơm thích bài viết này.
  19. trinhvanhiep

    trinhvanhiep Thành viên cấp 2

    Hi im Bisu mình cũng giống bạn. cũng đều tự học, hiện đang làm việc cho 1 cty thương mại điện tử thôi, lương cũng 5tr cả thưởng nên cũng bèo, đủ để chi phí sinh hoạt. mình thì chuyên thiết kế logo và banner ads là chủ yếu thôi. Ở cty cũng có một ông anh cũng học trung tâm thiết kế ra, để so sánh về sự chuyên nghiệp và trình độ của mình và ông đó thì mình ko so sánh vì mỗi người có cái người ta gọi là Chất riêng khác nhau. Nhưng cái mình thấy thoải mái đó là khi làm logo hay banner cho khách hàng thì đa số Boss toàn giao cho mình đi gặp khách hàng hoặc mình sẽ là người nói chuyện cũng như làm về bản thiết kế đó cho khách. Mình ko lấy làm tự cao nhưng đôi khi mình nghĩ 1 thằng tự học như mình vẫn làm ra được các sản phẩm, vẫn làm hài lòng khách hàng... thì cũng được coi là thành công (an ủi bản thân chút). Mình nghĩ cái quan trọng nhất là mỗi người thì mỗi hướng, có cách nhìn khác nhau, đứng trên hệ quy chiếu khác nhau ...quan trọng bạn vẫn luôn là bạn và có cái Chất của riêng bạn. Học học nữa học mãi... câu mà Ba mình hay nói với mình. (p/s: Chỉ là một ý kiến riêng)
    dinhtra53th, FMP, nguyenthao8114 người khác thích bài viết này.
  20. hungdang16

    hungdang16 Thành viên cấp 1

    Mình thấy bài viết rất hay vì thấy bản thân nhiều lúc cũng lạc lỗi như tác giả chiêm nghiệm.

    Nên sau đó mình rút ra kinh nghiệm khi học một cái gì mới chúng ta nên xác định một con đường (một kế hoạch - xác định được nên học cái gì trước, cái gì sau, học trọng tâm vào cái gì... => để tránh CÁI GIÁ THỨ HAI CỦA TỰ HỌC LÀ học đủ thứ) để làm theo mình đã đọc được một bài viết này khá hay các bạn có thể tham khảo karenx.
    com/blog/how-to-become-a-designer-without-going-to-design-school/

    quan trọng hơn hết là luôn phải biết đâu là mục tiêu của mình ( ví dụ như trở thành một designer thì luôn luôn suy nghĩ trong đầu làm thế nào để trở thành designer => để khi học một cái mới chúng ta luôn tự hỏi xem nó có giúp ta hoàn thành mục tiêu lớn nhất là trở thành designer ko? mục đích của việc này là tránh cái giá CHO VIỆC ĐI LẠC ĐƯỜNG).

    Còn CÁI GIÁ CUỐI CÙNG LÀ TUỔI THANH XUÂN
    thì ko thể tránh khỏi được rồi. mầy mò mà tất nhiên ko thể nhanh được nên lời khuyên của mình là nếu có điều kiện thì các bạn nên đến trường lớp để học để rút ngắn nó lại.

    Hiện nay mình cũng đang học ở 1 trung tâm thì mình thấy các bạn nên cố gắng học kinh nghiệm thiết kế ở các thầy giáo chứ ko nên học kỹ thuật làm gì cả (kỹ thuật các bạn có thể tự học ở nhà được và trên mạng rất là nhiều)

    Vài kinh nghiệm bản thân rút ra sau nhiều năm tự học và mày mò
    FMP thích bài viết này

Ủng hộ diễn đàn