Hãy đăng ký thành viên để có thể dễ dàng trao đổi, giao lưu và chia sẻ về kiến thức đồ họa.
  1. Hãy đăng ký subscribe kênh Youtube mới của Việt Designer tại địa chỉ: Youtube.com/VietDesignerChannel để theo dõi các video về thiết kế đồ họa. Do trước đó kênh cũ bị Youtube quét không rõ lý do, trong thời gian chờ kháng cáo nếu các bạn thấy video trên diễn đàn bị die không xem được thì có thể vào kênh mới để tìm xem video sơ cua nhé.
    Loại bỏ thông báo

[Tut] Do you know how to be happy?

Chủ đề thuộc danh mục 'Chuyện trò linh tinh' được đăng bởi SilverRow1988, 4/6/13.

Lượt xem: 3,356

  1. SilverRow1988 Cựu quản trị

    Người này tôn ông thành triết gia thông thái nhất thế giới, người khác chửi ông là “đồ lợn”. Epicurus chào đời vào khoảng năm 341 trước Công nguyên ở đảo Samos, Hy Lạp. Sinh thời ông đã là một hình tượng thần thoại, sau khi chết lại càng nổi hơn. Tuy nhiên, nhiều chi tiết trong đời ông đến nay vẫn chưa sáng tỏ. Vì hầu như tất cả những gì ta biết về ông đều có cùng một xuất xứ duy nhất, mà cuốn tiểu sử ấy cũng 500 năm sau mới ra đời.

    [​IMG]

    Tục truyền rằng Epicurus đến Athens năm 18 tuổi, vào thời Alexander Đại đế đang trị vì. Sau khi vua qua đời, người Athens vùng dậy nhưng thất bại. Epicurus theo cha đến bùng Ephesos thuộc đất Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay. Ở tuổi 35 ông quay về Athens và mua khu vườn Kepos nổi tiếng. Khu vườn nhanh chóng trở thành trung tâm của nền dân chủ đang tái phát triển rực rỡ ở Athens. Đại diện của mọi tầng lớp xã hội gặp nhau ở nhà Epicurus. Đồng thời, một nhóm bằng hữu sống ngay trên đất này như một môn phái, một cộng đồng, không có sở hữu cá thể. Kepos chào đón cả phụ nữ và nô lệ – một thực tế khiến người Athens bất bình. Người ta xì xầm về tay sư phụ và những tập tục kì quái ở đó, rỉ tai nhau về những trò thác loạn tập thể. Nhưng ai thật sự đến Kepos sẽ thấy một câu viết trên cổng: “Hỡi người lạ, hãy bước vào! Chủ nhà thân thiện chào đón bạn bên bàn bánh mì và nước uống tràn trề, vì ở đây không khích thích mà làm thỏa mãn các ước nguyện của bạn.” Epicurus làm chủ vườn gần ba chục năm cho đến khi qua đời năm 270 trước CN. Nhưng Kepos đã thành một địa chỉ và còn tồn tại tiếp tục gần 500 nữa.

    Thực tế Epicurus đã sống ra sao và làm những gì trong khu vườn mờ ám của mình, nay ta chỉ còn biết qua những nẻo vòng vèo, vì bậc thầy này chỉ để lại vài mảnh vụn từ công trình của mình. Nhưng trong các tác phẩm của giới môn đệ và đối thủ đông đảo còn tìm được nhiều dữ liệu về ông. Học trò và địch thủ đã vẽ nên một bức tranh quá xung khắc, khó lòng phân bạch được vàng thau một cách đơn giản. Đời sau, đặc biệt là người Công giáo tị hiềm, còn bồi thêm một đòn nữa và làm méo mó chân dung của Epicurus đến mức lố bịch.

    Bản chất cấp tiến và hiện đại vĩnh cửu trong học thuyết Epicurus là nó không được xây dựng trên nền tảng nào khác ngoài cuộc sống được cảm nhận qua tri giác. Epicurus cự tuyệt mọi thứ siêu nhiên. Thần thánh và tôn giáo không có ý nghĩa gì với ông. Cả ý nghĩa của cái chết đối với cuộc sống thường nhật, theo quan điểm của ông, cũng không nên được coi trọng quá mức: “Hãy quen dần với ý nghĩ là cái chết không có giá trị gì đối với chúng ta. Vì tất cả những gì tốt và những gì xấu đều là hệ quả của tri giác. Chừng nào ta còn đó thì cái chết không hiện hữu, còn khi cái chết đến thì ta không hiện hữu.” Sự tiếp cận thế giới của Epicurus thu gọn vào những gì có thể nhận biết được. Tuy đánh giá cao trí năng logic, song ông gắn kết mọi thức nhận với những gì giác quan con người có thể nhận biết và thấu hiểu. Những gì bên ngoài thế giới khả tri đó thì ông không thèm bước vào. Epicurus tránh không thảo ra sơ đồ tổng thể về sự ra đời, bản chất và trạng thái của thế giới như nhiều triết gia Hy Lạp tiền bối. Thật ra ông cũng không muốn giải thích điều gì một cách thấu đáo, vì ông nhận ra khắp nơi đều có khiếm khuyết về tri thức và thiếu giải trình. Thay vì một luận thuyết nhận thức bao phủ vạn vật, ông tập trung trả lời câu hỏi: cuộc sống thành đạt trong phạm vi hạn chế của khả năng con người là gì ?

    [​IMG]

    Epicurus đủ ranh giảo để biết rằng câu hỏi này không có đáp án đơn giản. Ông phải chấp thuận bản chất mâu thuẫn của con người.
    Con người được lập trình để thích cảm giác sung sướng. Sướng là tốt, không sướng là xấu. Quan sát một đứa trẻ nhỏ ta sẽ thấy tổng thể hành vi cảm xúc của con người. Thích sướng thì dễ hiểu như “lửa thì nóng, tuyết thì lạnh, mật ong thì ngọt” vậy. Người lớn cũng thích tìm sự sung sướng. Nhưng đa số các trạng thái sướng – tận hưởng tình dục, ăn, rượu, .. không kéo dài. Đảo sung sướng không mở rộng thành lục địa được, nó khó lòng được làm cơ sở cho hạnh phúc dài lâu. Nhất định là người ta nên tận hưởng, song đừng đánh giá nó cao quá mức. Ngoài ra Epicurus nghi ngờ các đại lượng quá lớn: những gì quá thừa thãi thì cũng nhanh chóng mất giá. Nhấm nháp từ từ và kỹ lưỡng một mẩu pho mát nhiều khi thích hơn ăn cả bữa tiệc ê hề. Để tăng cường vui sống một cách bền vững, người ta nên phanh lòng tham vô đáy như thường thấy ở trẻ nhỏ. Nghĩa là phải điều tiết các nhu cầu để có được sự sung sướng lâu dài. Nhưng việc đó chỉ làm được với trợ lực của lý trí. Sự thấu thị giúp ta phát triển các chiến lược đáng tin cậy và bền vững, để đừng liên tục chịu lệ thuộc vào những niềm vui chốc lát.
    Một cách để làm việc đó là rèn luyện giác quan, cũng như tận hưởng vô số các khoảnh khắc nho nhỏ của cuộc đời hệt như các khoảnh khắc lớn. Một cách nữa là diệt trừ nỗi sợ. Một khi không phải lúc nào cũng gây được sung sướng mạnh mẽ thì cũng nên cố gắng làm giảm các ác cảm: nên gạt bỏ lo sợ không cần thiết về tương lai, giảm bớt kỳ vọng, hạn chế các nhu cầu xa xỉ về tiền bạc và sở hữu. Những thứ đó vốn sinh ra ít niềm vui, mà nhiều lệ thuộc có hại: “Chúng tôi cho rằng, không bị phụ thuộc vào những thứ bề ngoài là một giá trị lớn vì chúng tôi hoàn toàn tin rằng, ai sở hữu thừa mứa là người không cần nó nhất, và dễ tạo được cái tự nhiên nhưng khó tạo được cái vô nghĩa.” Theo Epicurus, không phải sở hữu mà là quan hệ xã hội đem lại hạnh phúc bền vững nhất: “Trong tất cả những gì trí khôn đề xuất để người ta sống cả đời hạnh phúc, quan trọng nhất là tìm được tình bạn.”

    [​IMG]

    Theo chân Epicurus, môn đệ của ông là những người cân bằng, biết tìm hạnh phúc cho mình từ nhiều niềm vui nho nhỏ trong đời, biết chế ngự nỗi sợ, biết sống vui vẻ hòa thuận với mọi người. Các kẻ thù của họ về sau, nhất là người Công giáo, đã bóp méo kẻ vô thần Epicurus thành một tên đầu sỏ đồi trụy và xuyên tạc nát bét các quan điểm của ông. Nhưng xét về tâm lý thì Epicurus tiến xa hơn các học thuyết Công giáo nhiều, vì ông đã nhận ra sự tương tác không thể chia cắt giữa thể xác và linh hồn, và đưa mối tương tác đó vào trung tâm của triết học. Những gì ông từng truyền thụ, nay được tái hiện trong các thức nhận của môn Tâm lý học tích cực, một hướng nghiên cứu hiện đại đang được phát triển rộng, nhất là ở Mỹ. Người nghiên cứu tâm lý học tích cực đi tìm các tiêu chí phải được thỏa mãn để con người hạnh phúc. Và họ đề ra các chương trình tập luyện để con người hạnh phúc hơn. Họ nhất trí với Epicurus rằng, người ta có thể và phải chủ động tạo ra hạnh phúc. Hạnh phúc không tự sinh ra. Chỉ không đau, không bức xúc và không lo lắng thì chưa đủ để có hạnh phúc. Có biết bao nhiêu người không chịu khổ sở gì nhiều trong đời mà vẫn không thấy hạnh phúc chút nào, chỉ thấy chán chường. Nói cách khác là: hạnh phúc là tốt, nhưng phải vất vả mới có. Các nhà nghiên cứu hạnh phúc đã thâu tóm sự vất vả đó trong một loạt quy tắc thực tế mà tôi xin phép liệt kê ra dưới đây (đôi khi cũng không hẳn tuyệt đối nghiêm túc).

    Quy tắc thứ nhất là hoạt động! Bộ não của chúng ta thèm muốn được ta kích hoạt. Trì trệ tinh thần làm người ta bẳn tính. Ta chỉ cần nghỉ một ngày là hàng loạt tế bào thần kinh chết đi. Ai không kích hoạt óc mình thì sẽ khiến nó tóp lại – đây là quá trình đi kèm với cảm giác chán nản. Vì vậy sự trì trệ nhanh đưa đến trầm cảm. Rồi hoạt động nội tiết tố của ta sẽ bị ảnh hưởng nếu không được cấp đầy đủ dopamine. Ta không việc gì phải liên tục hoạt động, nhưng lười biếng quá mức thì không lợi cho hạnh phúc. Ví dụ như tập thể thao là một điều hay, vì sau những nỗ lực thể xác tích cực thì tinh thần tự thưởng cho mình bằng cách tạo ra tế bào thần kinh mới. Các thú vui cũng gia tăng vui sống. Thói quen có mặt hay của nó, song về lâu dài không làm hạnh phúc. Thay đổi và mới mẻ có thể là nguồn hạnh phúc. Vì vậy Wittgenstein vốn nghi ngại các cố gắng đi tìm hạnh phúc, tuân theo một phương châm ngược lại: “Ăn gì cũng thế mà thôi, quan trọng là lúc nào cũng ăn cùng một thứ”, – quả là một hướng dẫn đúng đắn để trở nên bất hạnh.

    Quy tắc thứ hai là sống theo xã hội! Epicurus không tán thành việc cố gắng đứng vào tâm điểm, kể cả trong đời tư lẫn ngoài xã hội. Nhưng ông nhận ra rằng hầu như không có nguồn hạnh phúc nào bền vững hơn các kết nối xã hội. Tình bạn, quan hệ đôi lứa và gia đình có thể tạo ra khung cảnh để trong đó ta cảm thấy yên ổn. Cùng trải nghiệm gì đó với người yêu, bạn bè hay con cái sẽ tằng trải nghiệm hạnh phúc. Ở trong khung cảnh đầm ấm, đàn ông tiết ra oxytocin và đàn bà vasopressin, đó là loại nội tiết tố cũng tìm thấy ở loài chuột thảo nguyên mà ta đã từng nói đến (xem Chuyện hi hữu thường tình). Ai sống trong một kết nối xã hội chặt chẽ, người đó không cô đơn với những lo toan và khó khăn của mình. Không có gì lạ, khi quan hệ lứa đôi tốt đẹp và mức sinh hoạt tình dục phù hợp lại quan trọng đối với cuộc sống hạnh phúc, hơn là tiền bạc của cải chẳng hạn.

    [​IMG]

    Quy tắc thứ ba là tập trung! Epicurus bỏ rất nhiều thời gian để dạy cho học trò tận hưởng cái Lúc Này và Nơi Này: hương thơm của hoa, vẻ đẹp của hình dáng, vị ngon của mẩu pho mát. Hưởng thụ một cách chọn lọc và tập trung sẽ gia tăng niềm vui trong cuộc sống. Cái gì đã đúng với sự vật thì càng đúng với con người. Càng cởi mở mạnh mẽ với người khác thì càng có cảm xúc và đồng cảm sâu nặng. Nói theo ngôn ngữ của môn nghiên cứu não bộ thì: hãy tận hưởng các trạng thái ý thức của bạn, ít nhất là những trạng thái làm bạn hài lòng. Và những gì bạn đã thâm nhập thì hãy thâm nhập một cách trọng vẹn, đến nơi đến chốn. Ai ăn miếng ngon mà cứ sợ béo, ai vừa nói chuyện vừa liên tục liếc đồng hồ – người đó tự phá hỏng trải nghiệm. Thỉnh thoảng nghĩ đến tương lai là hợp lý, liên tục nghĩ đến tương lai là cướp đi khoảnh khắc hiện tại.

    Quy tắc thứ tư là hy vọng một cách thực tế! Hạnh phúc là một vấn đề của hy vọng. Lỗi thường gặp là người ta tự gây áp lực cho mình quá nhiều, và quá ít. Cả hai đều gây ra bất mãn. Ai tự gây áp lực cho mình quá nhiều, người đó chịu sự bức xúc không đáng có. Ai gây áp lực cho mình quá ít thì sẽ tiết quá ít dopamine – sinh ra trì trệ và bàng quan. Và thiếu động lực rất có thể lại dẫn đến việc người ta gây quá ít áp lực cho mình, đúng là một vòng lẩn quẩn.

    Quy tắc thứ năm là nghĩ điều hay! Có lẽ đây là quy tắc quan trọng nhất. Epicurus và môn tâm lý học tích cực nhất trí rằng, cảm giác hạnh phúc không phải ngẫu nhiên mà là hệ quả của các ý nghĩ và tình cảm “đúng đắn”. Theo đó thì ý nghĩ đúng đắn là ý nghĩ tạo sự sung sướng và ngăn buồn chán. Một mẹo đặc biệt của nhà tâm lý học là đòi hỏi: “Cứ làm ra vẻ đang hạnh phúc là bạn sẽ hạnh phúc!” Dễ nói mà khó làm. Khi tôi buồn chán thì khó mà đủ sức ra vẻ đang vui. Văn hào Nga Fyodor Dostoevski đồng thời là một nhà tâm lý tài tình đã nửa đùa nửa thật giải thích ý nghĩa của các ý nghĩ hay: “Tất cả đều tốt. Tất cả. Con người bất hạnh vì không biết mình hạnh phúc. Lý do là vậy. Có thế thôi! Ai ngộ ra điều đó thì sẽ hạnh phúc ngay, ngay bây giờ, ngay lập tức!”
    Bỏ qua nghĩa mỉa mai thì điểm mấu chốt là, ít nhất thì trong một khuôn khổ nhất định, tôi được tự do đánh giá các sự kiện trong đời tôi. Dĩ nhiên người ta có thể tranh cãi về mức độ của sự tự do ấy. Khi đọc cuốn sách cuộc đời, tôi sẽ dừng mắt lâu hơn ở các đoạn thú vị, hay ở các đoạn buồn và nhạt ? Một số người biết cách lựa ra được cái tốt trong cuộc đời, ở những người khác thì ngược lại. Một cách tiếp cận có thể là ý thức được vai trò của trí năng trong khi đánh giá các cảm xúc của mình. Vì sao tôi băn khoăn mãi vì những điều tiêu cực và không thể quên đi được ? Tất nhiên tôi không có lựa chọn khi đánh giá sự vật là tích cực hay tiêu cực, nhưng cách tôi đánh giá cảm nhận của mình – chắc chắn đây là điểm mà tôi có ít nhiều tự do. Đây là sự tự do có thể tập được. Trong khi diễn ra một cảm xúc hay ngay sau đó mà định hướng và tương đối hóa được cảm nhận của mình – đó là một nghệ thuật lớn nhưng có thể tập được.

    [​IMG]

    Một cách hay được khuyến cáo là viết ngay ra giấy các cảm xúc tiêu cực của mình. Lập tức chúng được vỏ não soi rọi kỹ lưỡng và qua đó ít nhất cũng được xoa dịu. Hoặc viết ra các lý lẽ phản biện cũng là một cách hay. Các nhà tâm lý học tích cực còn khuyến khích viết nhật ký hạnh phúc, qua đó học cách dễ nhớ lại những điều tốt đẹp. Một lời khuyên thông thái nữa của các nhà tâm lý học tích cực: “Đừng coi trọng mình quá, hãy cười nhạo chính mình.” Ở đây ta cũng có một định luật: dễ nói mà khó làm. Người ta phải có khả năng đó đã, rồi mới thực thi được chứ ? Gì thì gì, phương châm ấy gợi tôi nhớ đến anh bạn Lutz. Ở một khóa học quản lý, huấn luyện viên tâm lý đề nghị cả lớp thể hiện sự bộc phát nhiều hơn nữa. Một đồng nghiệp Thụy Sĩ của bạn tôi rút ngay bút bi và nắn nót viết vào trang vở kẻ dòng của mình: “Hãy bộc phát hơn!” Học cách cười nhạo chính mình là một mục tiêu đầy tham vọng, gắn liền với mong đợi mạnh mẽ vào chính mình. Tránh một số nguồn nhất định sinh ra buồn chán thì dễ học hơn. Một trong những nguồn hay gặp nhất là so sánh. Nên nhớ một quy tắc phổ quát: ai so sánh thì sẽ thua! Tôi không đẹp như người mẫu trong tạp chí (cho dù ngoài đời người mẫu chưa chắc đã đẹp như thế). Tôi không thu nhập cao như anh bạn thành đạt cùng lớp. Tôi không hài hước như nhiều người khác. Hoặc rất bi ai: tôi không hạnh phúc như anh chị em trong nhà. Chừng nào còn nghĩ như vậy thì bạn sẽ không hạnh phúc đâu.

    Điểm thứ sáu là không nên cố gắng quá sức mình để đi tìm hạnh phúc bằng được. Thanh thản xử lý bất hạnh là một nghệ thuật lớn. Trong các nỗi bất hạnh – dĩ nhiên không phải tất cả – vẫn ẩn chứa một điều tốt. Một số người sau khi lâm bệnh cùng cực đã nói, từ khi ốm họ sống sâu sắc hơn. Khủng hoảng, khó khăn, thậm chí những đòn số phận cũng có thể có tác dụng chữa trị. Đôi khi khủng hoảng dẫn đến khởi đầu tốt hơn. Bứt rứt với những hoàn cảnh bất khả kháng là một thói quen khá lan truyền. Đây là lúc các nhà tâm lý học ra tay.

    Cuối cùng, điểm thứ bảy là vui trong công việc. Quy tắc này liên quan chặt chẽ với quy tắc đầu tiên (hoạt động!). Công việc là cái bắt buộc ta phải hoạt động, và đa số cần áp lực đó để tích cực đủ mức. Dĩ nhiên không phải loại công việc nào cũng có tác động ấy, nhưng đa phần. Công việc là trị liệu pháp tâm lý tốt nhất. Và điều tệ hại nhất của thất nghiệp chính là sự thiếu tự điều trị tâm lý ấy. Ai không làm việc thì dễ cảm thấy vô dụng và uể oải: quá ít dopamine và serotonin. Đó cũng là quan điểm của Sigmund Freud. Theo ông, hạnh phúc là “có khả năng yêu và làm việc”.

    Đó là bảy quy tắc. Người ta hoàn toàn được phép tranh luận về giá trị của quy tắc này hay quy tắc nọ – và cả về tác dụng của chúng. Vì đây là công việc không đơn giản. Sẽ không đủ nếu chỉ nêu ra các quy tắc. Câu hỏi bức xúc nhất và cũng bị các nhà tâm lý học tích cực bỏ bê nhiều nhất là: tôi có bao nhiêu chỗ trở tay ? Môn tâm lý học tích cực tuy tận dụng mọi thành tựu mới của ngành nghiên cứu não bộ, song lại ưa lờ đi cuộc tranh luận nguyên tắc về “tôi có được phép muốn cái tôi muốn?” Các phương châm khôn ngoan nhất phỏng có ích gì, nếu tôi không được tự do thực thi chúng ? Dường như câu hỏi này vẫn là một lĩnh vực khảo cứu cực kì lý thú.

    Câu hỏi về hạnh phúc đã được lý giải chưa? Có thể, nếu xét về triết học. Nhưng xét về tâm lý thì còn nhiều điều chưa phát lộ. Vì sao một số người sống theo kinh nghiệm triệt để một cách kinh ngạc, cứ như họ đã sống hàng nghìn năm rồi ? Vì sao một số người luôn biết rõ cái gì tốt cho mình ? Và vì sao đa số chúng ta cứ thế sống tiếp theo kiểu vu vơ nào đó ? Có thể không phải vì người này hiểu nhiều về hạnh phúc hơn người kia. Vì những lãng tử nhiều kinh nghiệm sống hơn không nhất thiết là người hạnh phúc hơn. Ta đánh giá quá cao ý nghĩa của hạnh phúc chăng ? Có thể một cuộc sống hạnh phúc và một cuộc sống thành đạt rốt cuộc không phải là một ? Có gì quan trọng hơn hạnh phúc không ?
    ________

    Trích “Tôi là ai – và nếu vậy thì bao nhiêu ?” – Richard David Pretc

    ...
  2. mgr

    mgr Cựu quản trị

    Tuyệt vời. Sâu sắc lắm anh! :x
  3. giolangthang_94

    giolangthang_94 Thành viên cấp 2

    đặt gạch, tối về đọc :D

Ủng hộ diễn đàn