Hãy đăng ký thành viên để có thể dễ dàng trao đổi, giao lưu và chia sẻ về kiến thức đồ họa.
  1. Hãy đăng ký subscribe kênh Youtube mới của Việt Designer tại địa chỉ: Youtube.com/VietDesignerChannel để theo dõi các video về thiết kế đồ họa. Do trước đó kênh cũ bị Youtube quét không rõ lý do, trong thời gian chờ kháng cáo nếu các bạn thấy video trên diễn đàn bị die không xem được thì có thể vào kênh mới để tìm xem video sơ cua nhé.
    Loại bỏ thông báo

VNPT chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại VietnamPost về Bộ Thông tin và Truyền thông

Chủ đề thuộc danh mục 'Đọc báo - Tin nóng hổi' được đăng bởi Street_Version, 20/12/12.

Lượt xem: 2,119

  1. Street_Version Mới đăng kí

    Ngày 19/12/2012, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức Lễ ký Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VietnamPost) từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông, theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là sự kiện chuẩn bị cho thời điểm VietnamPost chính thức tách ra hoạt động độc lập với VNPT từ ngày 1/1/2013 tới đây; đồng thời là bước cuối cùng, khép lại quá trình chia tách Bưu chính - Viễn thông (BC-VT) tại Việt Nam đã được khởi động triển khai từ hơn 10 năm trước.

    [​IMG]

    Việc chia tách BC-VT là nhu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế thị trường và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Trên thế giới, quá trình chia tách BC-VT được triển khai từ những năm 1970 và diễn ra mạnh nhất vào cuối những năm 1980, đầu 1990. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, việc chia tách này sẽ tạo điều kiện cho Viễn thông thực hiện tự do hoá thương mại, còn Bưu chính có điều kiện để cải cách, từng bước tiến tới cân bằng thu chi và có lãi. Đến nay, hầu hết các nước thành viên của UPU (189 nước) đã tách riêng BC-VT và chỉ còn khoảng 10%, chủ yếu là những quốc gia nhỏ, nơi quy mô mạng lưới và hoạt động của cả 2 lĩnh vực ở mức nhỏ và vừa là chưa thực hiện việc chia tách này.

    [​IMG]

    Tại Việt Nam, trên cơ sở nhận thức rõ xu thế phát triển của thế giới và xuất phát từ thực tiễn hoạt động BCVT trong nước, từ năm 1998, Tổng cục Bưu điện đã trình Chính phủ đề án về đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý ngành Bưu điện Việt Nam, trong đó có nội dung tách BC-VT. Tháng 9/2001, VNPT đã khởi động lộ trình chia tách BC-VT bằng việc tiến hành thí điểm chia tách ở cấp huyện tại 10 tỉnh, thành phố. Đến tháng 6/2007, với việc VietnamPost được thành lập, quá trình chia tách BC-VT trên quy mô toàn VNPT và trong phạm vi toàn quốc đã được cụ thể hóa. Từ ngày 1/1/2008, tuy vẫn nằm trong VNPT nhưng VietnamPost đã có pháp nhân riêng, thực hiện tổ chức sản xuất và hạch toán độc lập với khối Viễn thông.

    Trải qua 5 năm, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng VietnamPost vẫn giữ vững và phát huy vai trò chủ lực đối với mạng lưới Bưu chính chuyển phát của đất nước, đảm bảo thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, ổn định đời sống CBCNV, củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ, bước đầu nâng cao sản lượng các dịch vụ hiện có, phát triển thêm một số dịch vụ mới. Phương thức cung cấp dịch vụ đã chuyển biến từ chỗ nặng tính phục vụ và thụ động sang tăng tính chủ động, hướng tới kinh doanh... Đặc biệt, hiệu quả SXKD của VietnamPost qua 5 năm đã tăng lên rõ rệt: các mảng kinh doanh chủ chốt có tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt; cơ cấu nguồn thu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng doanh thu từ dịch vụ bưu chính và tài chính bưu chính trong tổng doanh thu phát sinh và doanh thu tính lương ngày càng lớn, giảm dần sự lệ thuộc vào nguồn thu từ dịch vụ đại lý VT-CNTT và trợ cấp công ích của Nhà nước. Những kết quả đáng khích lệ này đã khẳng định tính đúng đắn của định hướng chia tách BC-VT, đồng thời cho thấy các điều kiện cần thiết cho việc VietnamPost ra hoạt động độc lập hoàn toàn với VNPT đã tương đối đầy đủ.

    Để có được những kết quả đó, phải kể đến vai trò, trách nhiệm và những nỗ lực lớn của VNPT trong quá trình chuẩn bị các điều kiện để VietnamPost từng bước trưởng thành và có thể tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn. Dự đoán được tính phức tạp và mức độ quan trọng của việc chia tách BCVT, VNPT đã có những bước chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Với cơ chế quản lý tập trung, VNPT đã tập hợp được các nguồn lực, tạo điều kiện hỗ trợ để khối Bưu chính phát triển mạng bưu cục, điểm phục vụ, mạng khai thác, vận chuyển… đảm bảo cho Bưu chính vừa làm tốt nhiệm vụ công ích vừa phát triển kinh doanh các dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng doanh thu. Điều này đặc biệt quan trọng khi khối Bưu chính chưa tự cân bằng thu chi, các dịch vụ truyền thống phát triển chậm, phần lớn các dịch vụ mới đang trong giai đoạn đầu phát triển. Đặc biệt, về cơ sở vật chất và nguồn vốn, VietnamPost đã được ưu tiên kế thừa cơ sở vật chất, các nguồn lực, các hoạt động hiện có của VNPT trong lĩnh vực Bưu chính như hệ thống bưu cục; ki ốt; đại lý; điểm BĐ-VH xã; phương tiện vận chuyển... và đặc biệt là được ưu tiên nhận mặt bằng giao dịch thuận lợi. Với sự hỗ trợ của VNPT, hoạt động kinh doanh của VietnamPost đã có những bước phát triển mạnh, là tiền đề để tạo đà cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.

    Qua hơn 10 năm khởi động lộ trình chia tách BC-VT và gần 5 năm thành lập Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, đến thời điểm này, các điều kiện cần thiết để VietnamPost tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn đã được chuẩn bị tương đối đầy đủ, và việc triển khai hoàn tất lộ trình chia tách BC-VT là phù hợp. Đến thời điểm hiện tại, VietnamPost đã nhận bàn giao đủ tổng số 8.122 tỷ đồng vốn điều lệ. Đã có trên 50 Bưu điện và Viễn thông địa phương thống nhất được phương án phân chia tài sản nhà đất, trong đó có 43 địa phương đã trình và được Hội đồng thành viên VNPT ra quyết định phân chia nhà cửa, đất đai. Hiện nay, VNPT và VietnamPost vẫn đang tiếp tục khẩn trương hoàn tất các thủ tục phân chia và bàn giao phân chia nhà đất tại các địa phương.

    Việc tách VietnamPost hoạt động độc lập với VNPT là xu thế tất yếu, tạo điều kiện thuận lợi để cả VNPT và VietnamPost cùng đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn. Với VNPT, đây sẽ là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình tái cấu trúc, sắp xếp lại hệ thống kinh doanh của Tập đoàn. Còn với VietnamPost, đây sẽ là động lực để toàn ngành Bưu chính tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và phát triển bền vững.

    Cùng với việc tách khỏi VNPT, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam có tên gọi mới là Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (tên viết tắt tiếng Việt là “Bưu điện Việt Nam”, tiếng Anh là “VietnamPost”), hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên không có Hội đồng thành viên, áp dụng mô hình Chủ tịch Công ty và Ban Tổng Giám đốc với chủ sở hữu trực tiếp là Bộ TT&TT.

    Năm 2013, năm đầu tiên tách ra hoạt động độc lập hoàn toàn với VNPT cũng sẽ là năm cuối cùng VietnamPost được nhận trợ cấp công ích trực tiếp bằng tiền của Nhà nước. Đây sẽ là những khó khăn thách thức trước mắt đối với VietnamPost. Tuy nhiên, Vietnam Post vẫn đặt mục tiêu tổng lợi nhuận toàn Tổng công ty là 45,5 tỷ đồng, tăng 7% so với dự kiến thực hiện năm nay. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ - Bưu chính Việt Nam phấn đấu đạt 32,5 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012 và lợi nhuận các công ty con đạt 13 tỷ đồng, tăng 14%.

    VietnamPost cũng đã cơ bản hoàn thành xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, dự kiến các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động của VietnamPost qua các năm sẽ liên tục tăng cao, trong đó mức tăng trưởng doanh thu bình quân là 14%; lợi nhuận tăng trưởng bình quân 52% và năng suất lao động tăng khoảng 16%.

    Trải qua hơn 67 năm xây dựng, trưởng thành cùng với Viễn thông từ cội rễ là ngành Bưu điện, với bề dày truyền thống và 10 chữ vàng “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình”, Bưu chính Việt Nam hôm nay sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy truyền thống ấy để bước vào giai đoạn phát triển mới. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) tin tưởng rằng hai doanh nghiệp sẽ tiếp tục có sự gắn bó, hợp tác cùng phát triển vì sự phát triển chung của Ngành Thông tin – Truyền thông Việt Nam và của đất nước.

    Các mốc chính trên lộ trình chia tách Bưu chính – Viễn thông:

    - Từ năm 1998, Tổng cục Bưu điện đã trình Chính phủ đề án về đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý ngành Bưu điện Việt Nam, trong đó có nội dung tách BC-VT.

    - Tháng 9/2001, VNPT đã khởi động lộ trình chia tách BC-VT, với việc thí điểm chia tách BC-VT ở cấp huyện tại 10 tỉnh gồm: Lào Cai, Hà Tây, Hà Nam, Lâm Đồng, Bắc Ninh, Long An, Nghệ An, Cần Thơ, Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

    - Đầu năm 2005, VNPT thí điểm tách BC-VT ở cấp tỉnh tại 6 tỉnh mới thành lập do tách địa dư hành chính. VNPT đã thành lập 6 bưu điện tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang, Đắc Lắc, Đắc Nông, Điện Biên, Lai Châu chịu trách nhiệm tổ chức quản lý mạng lưới và kinh doanh dịch vụ bưu chính; thành lập 3 công ty Viễn thông: Đắc Lắc - Đắc Nông, Cần Thơ - Hậu Giang, Điện Biên – Lai Châu chịu trách nhiệm quản lý mạng lưới và kinh doanh dịch vụ viễn thông.

    - Ngày 1/6/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 674/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam. Trên cơ sở Quyết định này, ngày 15/6/2007, Bộ Bưu chính Viễn thông đã ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-BCVT thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam.

    - Ngày 15/11/2007, HĐQT Tập đoàn BCVT Việt Nam đã ra Quyết định 496/QĐ-TCCB/HĐQT phê duyệt Phương án chia tách Bưu chính - Viễn thông trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

    - Ngày 26/12/2007, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam chính thức ra mắt, là Tổng công ty nhà nước do Nhà nước đầu tư và thành lập, giao vốn qua Tập đoàn BCVT Việt Nam.

    - Từ ngày 1/1/2008, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam chính thức đi vào hoạt động. VNPT đồng loạt chia tách BC-VT trên địa bàn 58 tỉnh, thành phố còn lại và chính thức hoạt động theo mô hình mới.

    - Ngày 28/6/2010, thực hiện Nghị định số 25/2010/NĐ-CP, ngày 19/3/2010 của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đã chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (Quyết định số 928/QĐ-TCCB-BTTTT).

    - Ngày 16/11/2012, Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam từ Tập đoàn BCVT Việt Nam về Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam đổi tên thành Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam.

    ...

Ủng hộ diễn đàn