Hãy đăng ký thành viên để có thể dễ dàng trao đổi, giao lưu và chia sẻ về kiến thức đồ họa.
  1. Hãy đăng ký subscribe kênh Youtube mới của Việt Designer tại địa chỉ: Youtube.com/VietDesignerChannel để theo dõi các video về thiết kế đồ họa. Do trước đó kênh cũ bị Youtube quét không rõ lý do, trong thời gian chờ kháng cáo nếu các bạn thấy video trên diễn đàn bị die không xem được thì có thể vào kênh mới để tìm xem video sơ cua nhé.
    Loại bỏ thông báo

Tìm hiểu ống kính (lens) máy ảnh.

Chủ đề thuộc danh mục 'Các kỹ thuật trong nhiếp ảnh' được đăng bởi NhanPhoto, 7/7/12.

Lượt xem: 24,762

  1. NhanPhoto Cựu quản trị

    I. Những khái niệm cơ bản

    I.1. Tại sao máy ảnh của tôi lại không kèm theo một ống kính? Nó chẳng rẻ hơn sao?

    Không, đây thực sự là một điểm lợi. Thứ nhất, các máy ảnh thay thế được ống kính cho phép bạn gắn bất kỳ ống kính nào bạn cần. Không như các máy du lịch đơn giản với ống kính không thể tháo rời bạn không bị hạn chế bởi nhà sản xuất thân máy. Thứ hai, mỗi người đều có nhu cầu và ngân sách khác nhau bởi vậy thông thường mong muốn không dừng lại ở một ống kính, bạn có thể chọn các ống kính phù hợp với mình. Thứ ba, điều gì xảy ra khi bạn mua một máy ảnh khác? Bạn sẽ có hai ống kính giống hệt nhau.
    Canon bán nhiều máy ảnh EOS kèm theo ống kính. Những ống kính này gọi là ống kính bộ, nhưng thẳng thắn mà nói không phải tất cả chúng đều là các ống kính chất lượng cao. Thường thường, bạn thích mua thân máy phù hợp với mình và tìm những ống kính tốt gắn lên nó.

    [​IMG]

    I.2. Thế nào là ống kính góc rộng (wide), ống kính tiêu chuẩn (normal) và ống kính tiêu cự dài (tele)?
    Bạn đang cố chụp một số người bạn nhưng bạn không thể đưa tất cả mọi người vào trong ảnh. Bạn bước lùi lại phía sau nhưng có một bức tường, một vách đá hoặc cái gì đó khiến bạn không thể làm được điều này, vì vậy bạn phải bảo mọi người xích lại gần nhau hơn. Hoặc bạn nhìn thấy một con chim ở phía xa, bạn vồ lấy máy ảnh và bạn sẽ có một bức ảnh bầu trời với một đốm tí xíu vô vọng ở giữa khung ảnh.
    Trong mỗi trường hợp trên, trường nhìn tạo ra bởi ống kính không phù hợp với chủ đề của bạn. Trường hợp thứ nhất, ống kính của bạn không đủ “rộng” để lấy toàn cảnh và trong trường hợp thứ hai ống kính của bạn không đủ “dài”. Có ba loại ống kính chính được phân chia theo “lượng cảnh vật” mà chúng thu được, và trường nhìn của mỗi loại được xác định bởi một đặc tính quang học gọi là chiều dài tiêu cự của ống kính.

    Một ống kính được gọi là normal nếu trường nhìn tương tự như trường nhìn của mắt người. Thông thường, một ống kính normal trên máy phim 35 mm có chiều dài tiêu cự là 50 mm hoặc tương đương. Ống kính normal phù hợp để chụp gần nhưng không tiến được quá gần vào đối tượng, như khi chụp một ảnh bán thân trong một căn phòng bình thường.

    Một ống kính góc rộng có thể tạo được một vùng cảnh vật lớn hơn. Điều này có hai điểm lợi- thứ nhất bạn có thể có một vùng phong cảnh rộng lớn và thứ hai là bạn chụp được một khu vực rộng hơn trong một căn phòng bình thường. Nếu bạn chụp một nhóm bạn bè trong một bữa tiệc tối bạn sẽ cần một ống kính góc rộng trừ khi bạn có thể lùi ra xa để chụp được tất cả mọi người. Trên máy ảnh 35 mm, ống kính góc rộng có chiều dài tiêu cự là 35 mm hoặc nhỏ hơn.

    Nhìn qua một ống kính tiêu cự dài (tele) tựa như nhìn qua một kính viễn vọng vậy, nó làm hẹp góc nhìn và làm đối tượng có cảm tưởng gần lại hơn trong thực tế. Một ống kính tiêu cự dài có chiều dài tiêu cự khoảng 70 mm trên máy ảnh phim 35 mm.

    Đây chỉ là sự phân loại chung chung, tất nhiên có rất nhiều chủng loại ống kính trong mỗi nhóm trên. Chẳng hạn, bạn có thể có một ống kính 28mm, là ống góc rộng vừa phải không đắt tiền, hoặc bạn có thể có ống kính 14 mm rất đắt có thể chụp cả một vùng cảnh lớn, rất tốt khi mô tả bầu trời rộng lớn. Tương tự bạn có thể gắn ống kính 85 mm lên máy ảnh để chụp chân dung, hoặc bạn có thể bán ôtô của mình đi để tậu một ống kính 600 mm mà muốn mang đi đâu bạn phải có cả một va li to đùng nhưng cho phép bạn chụp khuôn mặt của một chú chim từ khoảng cách xa lắc.

    I.3. Sự khác biệt giữa ống kính đa tiêu cự (zoom) và ống kính một tiêu cự (prime).

    Ống kính một tiêu cự là ống kính mà trường nhìn (và chiều dài tiêu cự) không thể điều chỉnh được, chỉ có một cách để chụp được nhiều hay ít đối tượng là bạn phải tiến lại gần hay lùi xa khỏi vật chụp (đôi khi gọi là zoom bằng chân, dù kỹ thuật này không tạo ra hiệu quả giống hệt như khi thay đổi chiều dài tiêu cự) hoặc phải mang theo rất nhiều ống kính với các chiều dài tiêu cự khác nhau để thay thế chúng tuỳ tình huống chụp.

    Một ống kính đa tiêu cự là ống kính mà trường nhìn có thể thay đổi. Chẳng hạn nếu bạn không thể chụp hết nhóm bạn của mình, bạn chỉ cần xoay vòng zoom trên ống kính cho đến khi đạt được yêu cầu, hoặc khi con chim ở quá xa bạn có thể quay ngược lại để kéo nó lại gần hơn.

    Cho đến cuối những năm 1980, ống kính một tiêu cự vẫn là loại được bán chủ yếu bởi vì từ khía cạnh quang học việc chế tạo ống kính một tiêu cự chất lượng cao chụp được những bức ảnh sắc nét vẫn rẻ hơn nhiều so với chế tạo một ống kính đa tiêu cự loại thường thường. Nhưng ống kính một tiêu cự rõ ràng là bất tiện vì bạn sẽ phải đi tới đi lui khi chụp hình. Cuối những năm 80, ống kính đa tiêu cự càng ngày càng thông dụng hơn. Giờ đây rất khó tìm các ống kính một tiêu cự giá thấp vì mọi người đều thích ống kính đa tiêu cự hơn.

    Vậy tại sao bạn vẫn muốn ống kính một tiêu cự ? Do ống kính một tiêu cự dễ sản xuất hơn và có ít nhóm thấu kính hơn nên ống kính một tiêu cự thường cho một bức ảnh sắc nét hơn phần lớn các ống kính đa tiêu cự. Hoặc nếu bạn muốn có nhiều ánh sáng hơn qua ống kính để có thể chụp ngay tại các vị trí thiếu sáng thì ống kính một tiêu cự sẽ phù hợp hơn vì rất khó sản xuất ống kính đa tiêu cự thoả mãn yêu cầu này. Một số nhiếp ảnh gia nhiều tuổi, khó tính cho rằng sử dụng ống kính một tiêu cự rất quan trọng đối với các nhiếp ảnh gia trẻ tuổi vì buộc họ phải học về chiều dài tiêu cự và luật phối cảnh.
    Bạn luôn muốn có một ống kính nhỏ, nhẹ, đa tiêu cự, thu nhận được nhiều ánh sáng, tạo ra một bức ảnh tương phản tốt, không bị biến dạng và phải rẻ, nhưng đáng buồn là trong thực tế không thể có một ống kính như vậy.

    Phần lớn dân nghiệp dư chọn sự linh hoạt của các ống kính đa tiêu cự giá vừa phải chấp nhận chất lượng ảnh trung bình, nhiều người chơi ảnh nghiệp dư khó tính hơn chọn chất lượng ảnh cao hơn và chấp nhận các bất tiện của ống kính một tiêu cự, dân chuyên nghiệp thường tậu các ống kính đa tiêu cự chất lượng cao nặng hàng tấn và trị giá cả một gia tài.

    I.4. Vậy ống kính nào nên mua cho chiếc máy ảnh của mình?

    Khi chúng ta mua một cái máy ảnh có rất nhiều thứ cần phải cân nhắc đến, bởi vậy câu hỏi này không thể có câu trả lời nếu bạn không giải quyết được các vấn đề sau:

    - Chính xác thì bạn muốn chụp ảnh gì?
    Mục đích chụp ảnh của bạn sẽ ảnh hưởng đến mọi quyết định khác. Bạn sẽ chụp phong cảnh? Chân dung? Con cái bạn hay các vật nuôi? Hoa? Chim chóc hoang dã? Thể thao? Kiến trúc? Giao thông?...
    - Bạn có thể chi bao nhiêu tiền?
    Bạn có thể chi cả đống tiền cho ống kính, bởi vậy quyết định ngân sách của bạn là điều rất quan trọng.
    - Bạn muốn mua các ống kính mới hay đã sử dụng?
    Câu hỏi này cũng đặt ra khi bạn mua một máy ảnh mới.
    - Bạn muốn ống kính đa tiêu cự hay một tiêu cự?
    Ống kính một tiêu cự nói chung có chất lượng quang học cao hơn ống kính đa tiêu cự trừ những ống kính đa tiêu cự chuyên nghiệp và rất đắt tiền, tuy nhiên các ống kính một tiêu cự thường khiến bạn phải đi vòng vòng để đóng khung đối tượng chụp.
    - Bạn muốn có một ống kính nhanh không?
    Liệu bạn có muốn chụp trong những hoàn cảnh thiếu sáng mà không cần chân máy hay flash? hay chụp chân dung với hiệu ứng làm mờ nền? những yêu cầu này cần một ống kính nhanh cho phép nhiều ánh sáng hơn đi qua.
    - Bạn muốn mua một ống kính của Canon hay của hãng khác?
    Các nhà sản xuất ống kính độc lập cho ra rất nhiều ống kính chất lượng nhưng cũng có nhiều ống không được như vậy, bạn sẽ phải cân nhắc và nghiên cứu. Những ống kính này có vấn đề về sự tương thích với máy ảnh của bạn cả hiện tại và trong tương lai.
    - Bạn quan tâm đến tính tiện lợi hay chất lượng sản xuất?
    Một ống kính lấy nét chậm hoặc bất tiện khi sử dụng thường có chất lượng quang học hơn các ống kính khác trang bị động cơ nhanh. Các động cơ USM dạng vòng tốc độ nhanh, êm và có thể thay thế hoàn toàn lấy nét tay nhưng các ống kính có động cơ này thường đắt hơn các ống kính khác.
    - Chất lượng quang học nào là quan trọng đối với bạn?
    Độ sắc nét và tương phản được hầu hết chúng ta quan tâm, nhưng còn độ méo hình thì sao? Nhiều ống kính đa tiêu cự rẻ tiền gây méo hình rất nhiều và không thích hợp khi chụp kiến trúc, chúng cũng dễ gây hiện tượng loé hình (làm giảm tương phản và tạo ra các điểm sáng loé trong ảnh khi luồng sáng mạnh như mặt trời chẳng hạn nằm gần hoặc trên khung hình).

    I.5. Ống kính nào nên mua cho chiếc máy ảnh EOS?

    Có hai điều nên lưu tâm:
    Thứ nhất, máy ảnh số EOS rất đắt tiền nên bạn không nên chỉ chú tâm tìm những ống kính rẻ nhất có thể. Nếu bạn đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua thân máy thì việc mua một ống kính rẻ tiền là điều không kinh tế chút nào, điều này chẳng khác gì bạn bỏ ra cả đống tiền để mua một dàn CD và âm ly chất lượng cao để rồi cắm vào chúng một cặp loa đồ chơi vậy, chất lượng âm thanh cuối cùng thật khập khiễng với cặp loa này cũng như chất lượng ảnh thật khập khiễng với các ống kính rẻ tiền. Nên tránh mua các ống kính thuộc loại “quá rẻ”.
    Thứ hai, trừ vấn đề về hệ số thu nhỏ (crop factor) việc lựa chọn ống kính cho máy KTS giống hệt cho máy phim. Bạn chụp loại ảnh nào? Bạn có cần ống kính góc rộng chụp phong cảnh không? hay cần ống kính đa tiêu cự tốc độ lấy nét nhanh cho chụp thể thao? Một ống kính đa tiêu cự ngắn và nét để chụp chân dung? Bạn sẵn sàng mang theo mình bao nhiêu kg khi chụp ảnh?...
    Khác biệt lớn đối với các máy ảnh KTS là hệ số thu nhỏ hay còn gọi là hệ số nhân chiều dài tiêu cự (crop factor), trừ máy EOS 1Ds, 1Ds mark II và 5D có cảm biến ảnh bằng khung hình của phim 35 mm, phần lớn các máy KTS khác có cảm biến ảnh nhỏ hơn khung hình phim 35 mm. Nếu máy ảnh của bạn có hệ số thu nhỏ là 1,6x thì có nghĩa là ống kính 50 mm lắp trên máy này sẽ có hiệu quả y như ống kính 80 mm vậy (=50x1.6), chiều dài tiêu cự không đổi nhưng hiệu quả tạo ra thì thay đổi.
    Điều này tạo ra hai lợi thế, bạn có thể sử dụng ống kính 50mm rẻ tiền để sử dụng chụp chân dung và bạn có thể gắn một ống kính đa tiêu cự vào máy và nó sẽ có hiệu quả như một ống kính có chiều dài tiêu cự lớn hơn. Tất nhiên sẽ có điểm thiệt thòi, bạn phải sử dụng ống kính góc rộng hơn để chụp một tấm hình có góc nhìn tương đương khi chụp bằng máy phim, điều này thực sự là vấn đề nan giải đối với nhiều người, chính vì lý do này bạn cần các ống kính góc rộng hơn so với ống kính của máy phim, nếu bạn dùng ống kính 28-105mm trên máy phim thì bạn phải sử dụng ống kính 24-85mm trên máy KTS để cho hiệu quả tương đương.

    I.6. Thế nào là ống kính EF-S?

    Kể từ khi giới thiệu máy ảnh EOS năm 1987 đến năm 2003, Canon đã tiêu chuẩn hoá các ngàm lắp ống kính cho tất cả các máy ảnh SLR đó là ngàm lắp ống kính EF (ngàm lắp ống kính lấy nét điện tử).
    Đến năm 2003, Canon giới thiệu một máy ảnh số mới, chiếc EOS 300D sử dụng ngàm lắp ống kính mới được gọi là EF-S. Tất cả các máy EOS tầm thấp và tầm trung được sản xuất từ đó đều tương thích với cả EF và EF-S, nhưng không một máy phim nào tương thích với EF-S. Bạn phải luôn nhớ rằng thân máy ảnh số với ngàm EF-S đều tương thích với tất cả các ống kính EF thông dụng, tuy nhiên một ống kính EF-S thì chỉ tương thích với các thân máy có ngàm EF-S.
    Thân máy EF-S có hộp gương nhỏ khoảng 2/3 so với các máy ảnh EOS khác (hệ số thu nhỏ 1,6x) vì chúng sử dụng cảm biến ảnh nhỏ hơn khung phim 35mm. Các máy ảnh này và các máy ảnh APS đều được gọi là máy ảnh khung hình nhỏ (subframe), máy phim 35 mm và máy KTS dùng khung hình tương đương phim 35mm gọi là các máy ảnh khung hình tiêu chuẩn (full frame)
    Máy ảnh EF-S hỗ trợ cho các ống kính với khoảng tiêu cự phía sau ngắn hơn (shorter) so với ống kính EF, đây là lý do vì sao có ký hiệu “S” – các ống kính EF-S có khoảng tiêu cự phía sau ngắn hơn (tức là phần sau của ống kính có thể dịch lại gần mặt cảm biến hơn vì gương lật có kích thước nhỏ hơn). Đặc điểm này khiến Canon có thể sản xuất các ống kính góc rộng rẻ hơn thích hợp với các định dạng ảnh nhỏ của máy ảnh khung hình nhỏ vì rất khó chế tạo các ống kính góc rộng mà khoảng cách tiêu cự phía sau lớn.
    Canon sản xuất vô số ống kính EF-S, từ các ống kính bộ rẻ tiền đến các ống kính chất lượng cao với cơ cấu ổn định hình ảnh, cả những ống kính cận cảnh 60mm với ngàm dạng EF-S. Ống kính siêu rộng EF-S 10-22mm 3.5-4.5 USM (tương đương ống kính 16-35mm trên máy khung hình tiêu chuẩn) rất có giá trị cũng như EF-S 17-55mm 2.8 IS USM một ống kính cỡ L thực sự chỉ khác chất lượng sản xuất và tên tuổi.
    Vấn đề băn khoăn chính của ống kính EF-S là giá trị của nó trong tương lai, hiện tại cảm biến ảnh khổ rộng tương đương phim 35mm rất đắt tiền nên nhiều máy ảnh sử dụng cỡ cảm biến nhỏ hơn, nhưng trong tương lai khi giá thành sản xuất giảm xuống, số phận của EF-S sẽ ra sao? Bao giờ điều này mới xảy ra và liệu bạn có thể khai thác triệt để sự đầu tư của mình với ống kính EF-S trước khi nó diễn ra không? Vấn đề đầu tiên thì chẳng ai trả lời được, còn vấn đề thứ hai chỉ có chính bạn trả lời được mà thôi.

    I.7. Những máy ảnh nào có thể sử dụng ống kính EF-S?

    Bất kỳ máy ảnh EOS nào có một chấm đỏ trên ngàm gắn ống kính đều có thể sử dụng ống kính EF, các máy có cả chấm đỏ và một hình vuông trắng đều dùng được cho cả hai loại ống kính EF và EF-S.
    Những câu hỏi xung quanh chiều dài tiêu cự của ống kính EF và EF-S có thể làm bạn vô cùng bối rối nếu bạn là người mới bắt đầu, nhưng chỉ cần nhớ một điều quan trọng rằng dù sử dụng ống kính nào đi nữa thì bất kỳ những gì bạn nhìn thấy qua ống ngắm chính là những thứ lưu lại trên tấm ảnh của bạn (what you see is what you get!). Chỉ có một vấn đề nên lưu tâm là hệ số thu nhỏ khi bạn muốn so sánh góc thu hình của một ống kính EF trên máy ảnh khung hình tiêu chuẩn so với khi lắp trên máy ảnh khung hình nhỏ (hoặc so với một ống kính EF-S trên máy ảnh khung hình nhỏ).

    I.8. Phân biệt ống kính EF và EF-S.

    Thân máy và ống kính EF thông dụng có một chấm đỏ để căn chỉnh giữa ống kính và thân máy. Thân máy EF-S có một hình vuông trắng, khi lắp phải thẳng hàng với hình vuông trắng của ống kính EF-S. Các ống kính EF-S cũng có một vòng cao su phía đuôi gắn với thân máy, đây không phải là phớt chắn nước như của ống kính L, nhưng nó cũng giúp giảm lượng bụi vào thân máy, và theo hãng Canon. vòng cao su này giúp giảm thiểu các rủi ro nếu bạn cố gắng lắp một ống kính EF-S lên một thân máy chỉ dùng ống kính EF.

    I.9. Ống kính EF-S và máy ảnh phim.

    Không có máy phim 35mm nào sử dụng khung hình nhỏ hơn 36x24 mm, bởi vậy không có máy ảnh 35mm nào hỗ trợ ống kính EF-S. Ngay cả nếu gương lật không chạm vào đuôi ống kính thì hình ảnh sẽ bị mờ bên rìa vì ống kính EF-S không thể tạo ra vòng tròn ảnh lớn đủ cho khung hình của phim 35mm. Về mặt lý thuyết, Canon có thể sản xuất máy ảnh APS hỗ trợ ống kính EF-S vì đây cũng là máy ảnh sử dụng khung hình nhỏ nhưng thực tế thì không vì máy ảnh APS hầu như không sử dụng trong thương mại nữa. Tất cả các máy ảnh có ngàm EF-S đều là các máy ảnh số.

    I.10. Đẽo gọt ống kính EF-S.

    ống kính EF-S không được thiết kế cho máy chỉ dùng EF, nếu ta cố tình (và dũng cảm!) cắt ngắn nó đi hoặc tháo phần đuôi ra, nó cũng lắp vừa cho mọi máy ảnh EOS, nhưng với các thân máy có kích thước hộp gương lật tiêu chuẩn thì khi chụp, gương lật sẽ va chạm với phần đuôi ống kính. Chính vì điều này, ống kính EF-S chỉ làm việc được trên các máy EOS đời cũ như D30, D60 và 10D, nhưng ngay cả như vậy cũng vấn có vấn đề phát sinh. Chẳng hạn, ống kính EF-S 10-22mm ở góc nhìn rộng nhất sẽ va vào gương của thân máy không hỗ trợ EF-S, kể cả khi hộp gương nhỏ (vì vậy EF-S dù đã “chặt” bớt vẫn không thể dùng trên máy hệ số thu nhỏ 1.3x như 1D chẳng hạn).

    I.11. Những ký hiệu ghi trên thân ống kính

    Mọi ống kính đều có các ký hiệu ghi trên thân chứa đựng những thông tin quan trọng về đặc điểm của nó. Khi bạn mua ống kính phải rất cẩn thận, hai ống kính tên có vẻ giống nhau nhưng có thể khác nhau một trời một vực kể cả giá tiền.
    Ví dụ:
    CANON LENS EF 28-80mm 1:3.5-5.6 Φ58mm
    EF- Ký hiệu ống kính dạng EF, chỉ thích hợp cho máy Canon EOS mà gần như không lắp được lên máy khác.
    28-80mm- Chiều dài tiêu cự của ống kính, trong trường hợp này có hai giá trị vì ống kính là đa tiêu cự có thể thay đổi giá trị từ 28mm ở góc rộng nhất đến 80mm ở góc hẹp nhất, những số này đo bằng milimét biểu thị góc thu hình của ống kính.
    1:3.5-5.6- Chỉ khẩu độ lớn nhất mà ống kính đạt được. Đây là ống kính đa tiêu cự có hai giá trị khẩu độ- f/3.5 và f/5.6, trên thực tế đây là ống kính giá rẻ khẩu độ lớn nhất là f/3.5 ở góc rộng nhất (28mm) nhưng khẩu độ lớn nhất chỉ còn là f/5.6 ở góc hẹp nhất (80mm), một ống kính tương đối chậm, nó không thể cho nhiều ánh sáng đi qua ngay cả khi đã mở hết cỡ.
    Không có ký hiệu loại động cơ lấy nét tự động, nghĩa là ống kính này sử dụng các động cơ thông thường (loại AFD hoặc loại siêu nhỏ- micromotor drive) chậm và ồn hơn so với động cơ siêu thanh (USM).
    Φ58mm- Chỉ đường kính vòng lắp kính lọc, nói cách khác, kính lọc đường kính 58mm lắp vừa trên ống kính này.
    CANON LENS EF 200mm 1:2.8L II USM. Ø72mm.
    EF- Ký hiệu ống kính dạng EF.
    200mm- Chiều dài tiêu cự của ống kính, có một giá trị vì ống kính là ống một tiêu cự.
    1:2.8- Chỉ khẩu độ lớn nhất mà ống kính đạt được. Đây là ống kính khá nhanh vì giá trị khẩu độ f/2.8 tương đối lớn, nhất là với ống kính 200mm.
    L- Chỉ loại ống kính dạng L “luxury” của Canon, nói chung đây là dạng ống kính tốt nhất của Canon, chúng được đánh dấu bằng đường viền đỏ trên đuôi ống.
    II- Chỉ phiên bản thứ hai của ống kính này với cùng các đặc tính tương tự.
    USM- nghĩa là ống kính này sử dụng động cơ siêu thanh (ultrasonic) để lấy nét. Các ống kính sử dụng USM không thuộc dòng L được đánh dấu bằng đường viền vàng trên đuôi ống. Thường thì các ống kính dòng L đều sử dụng USM nhưng chỉ có một viền đỏ (viền đỏ được ưu tiên và đừng mất thì giờ đi tìm ống kính có hai đường viền !)
    Φ72mm- Chỉ đường kính vòng lắp kính lọc, nói cách khác, kính lọc đường kính 72mm lắp vừa trên ống kính này.

    ...
    Phạm Hữu Dư, KhahKai, quang.nminh003 người khác thích bài viết này.
  2. NhanPhoto

    NhanPhoto Cựu quản trị

    Những ống kính có "tốc độ" nhanh (có độ mở lớn) sẽ cho chất lượng ảnh tốt nhất, tuy nhiên, có giá cao.
    Hiểu rõ cơ chế hoạt động cũng như thông số kỹ thuật ghi trên ống kính là điều cần thiết đối với đa số người dùng máy ảnh. Việc chọn ống cho máy DSLR tương đối phức tạp vì bạn phải giải quyết nhiều vấn đề cơ bản liên quan, như giá thành, kích cỡ, trọng lượng, tốc độ, chất lượng ảnh và khả năng tương thích. Thông thường, ống kính có "tốc độ" nhanh (có độ mở lớn) sẽ cho chất lượng ảnh tốt nhất, tuy nhiên, có giá cao.
    Dưới đây là những yếu tố cơ bản xung quanh một số ống kính, giúp bạn có được lựa chọn phù hợp cho máy ảnh của mình.
    1. Các thành phần thấu kính và chất lượng ảnh.
    [​IMG]
    Hiện tượng quang sai màu do sự khúc xạ của ánh sán đơn sắc qua thấu kính.
    Ảnh: Letusdirect.
    Hầu như tất cả máy ảnh hiện nay đều được trang bị ống kính gồm nhiều thành phần thấu kính ghép lại. Mỗi thành phần có tác dụng điều chỉnh tia sáng theo một hướng nhất định nhằm tạo ảnh chính xác trên bề mặt cảm biến hay phim.
    Ánh sáng trắng gồm quang phổ của rất nhiều màu, liên tục từ đỏ đến tím. Nếu ống kính chỉ gồm một thấu kính đơn dạng cầu, ánh sáng sẽ bị khúc xạ qua. Tuy nhiên, các tia đơn sắc sẽ tạo góc lệch khác nhau đối với trục của thấu kính. Điều này dẫn đến việc các tia sáng không đồng thời hội tụ trên bề mặt cảm biến, gây ra hiện tượng quang sai màu rất khó chịu quanh vật thể có độ tương phản cao. Hiện tượng này càng rõ rệt đối với các ống tele vốn có tiêu cự rất dài. Các thành phần thấu kính bổ sung có tác dụng điều chỉnh đường đi của các tia đơn sắc trong lòng ống kính, giúp các tia này đồng thời hội tụ trên bề mặt cảm biến. Ngoài ra, các thành phần này còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nhòe ảnh, hạn chế hiện tượng đen 4 góc ảnh hay sửa lỗi phóng đại không đều trên các vùng của ảnh...
    [​IMG]
    Các nhóm thấu kính của một ống kính đơn giản. Ảnh: Cambridgeincolour.
    Việc thiết kế và chế tạo các nhóm ống kính này thường khó khăn, nguyên liệu làm một số thấu kính cũng rất đắt nên đã đẩy giá thành lên khá cao. Do vậy, các hãng liên tục cải tiến công nghệ nhằm giảm bớt số thấu kính trong ống mà vẫn nâng cao được chất lượng quang học. Các ống đạt tiêu chuẩn thường có từ 3 đến 4 thành phần thấu kính (đó cũng là lý do tại sao hãng Carl-Zeiss lại đặt tên cho dòng ống kính của mình là "Tessar", tiếng Hy Lạp nghĩa là "bốn"). Trong một số trường hợp, nguyên nhân khiến cho ảnh thu được chưa được đẹp không phải xuất phát từ lỗi ống kính mà từ bản thân đối tượng cần chụp.
    2. Ảnh hưởng của tiêu cự đối với trường nhìn của ảnh.
    Tiêu cự ống kính quyết định trường nhìn (hay góc nhìn) của ảnh. Khái niệm trường nhìn ở đây có thể hiểu đơn giản là số lượng vật thể đặt trên cùng một mặt phẳng mà máy có thể thu nhận được. Trường nhìn càng nhỏ thì số lượng các vật thể trên ảnh càng giảm. Các ống góc rộng có tiêu cự nhỏ, trong khi các ống tele lại có tiêu cự lớn hơn nhiều lần. Ống mắt cá (fish eye) có tiêu cự cực nhỏ, ngoài khả năng bao quát một trường nhìn rộng lớn đôi khi còn đem lại những hiệu ứng đặc biệt như bẻ các đường thẳng thành đường cong (và ngược lại) hay cho ảnh các vật thể không tuân theo tỷ lệ xa gần như nhìn bằng mắt thường.
    [​IMG]
    So sánh góc nhìn của ảnh tạo bởi góc rộng và ống tele.
    Ảnh: Yugatech.
    Việc lựa chọn tiêu cự ống kính có vai trò quyết định trong phối cảnh, vốn là yếu tố cơ bản của nhiếp ảnh. Một ống góc rộng có thể lấy được toàn bộ khung cảnh trong một phòng họp, tuy nhiên, không thể chụp được dòng chữ li ti trên màn hình máy chiếu nếu bạn đứng ở cuối hội trường. Ngược lại, các ống tiêu cự dài cũng sẽ gặp khó khăn khi lấy trọn vẹn một đoàn người dài vào trong khung hình trừ khi bạn có điều kiện chạy ra rất xa để chụp.
    Bảng phân loại sau sẽ đưa ra một số gợi ý cho bạn khi lựa chọn tiêu cự ống kính.
    Tiêu cự Thuật ngữ Thể loại phù hợp
    Dưới 20 mm Extreme Wide Angle Kiến trúc
    21-35 mm Wide Angle Phong cảnh
    35-70 mm Normal Ảnh đời thường và ảnh tư liệu
    70-135 mm Medium Telephoto Chân dung
    135-300+ mm Telephoto Thể thao và động vật hoang dã
    Một số yếu tố khác cũng bị ảnh hưởng bởi tiêu cự ống kính. Chẳng hạn, các ống tele thường gây rung rất lớn khi nhìn qua ống ngắm do sự rung của bản thân máy ảnh. Khi chụp với các ống này, người ta thường chỉnh thời gian phơi sáng xuống rất thấp hoặc dùng chân máy để hạn chế nhòe ảnh. Nguyên tắc chung để tính thời gian phơi sáng tối đa để ảnh không bị nhòe (đối với máy phim 35 mm) là lấy 1 chia cho tiêu cự ống ở đơn vị milimét. Ví dụ, thời gian phơi sáng đối với các ống 200 mm tối đa chỉ khoảng 1/200 giây nếu không sử dụng tripod. Đến nay, các hãng đã nhanh chóng tích hợp công nghệ chống rung ngay trong thân máy hoặc ống kính giúp tăng thời gian phơi sáng mà ảnh vẫn không bị nhòe. Công nghệ này cho phép tăng tốc độ chụp lên từ 2 đến 4 stop so với bình thường.
    Các ống góc rộng thường chống được chóe sáng tức hiện tượng phản xạ ánh sáng mạnh giữa các thấu kính trong lòng ống với nhau. Bù lại, các ống này sẽ làm hơi méo 4 góc ảnh tương tự như các ống fisheye (tuy nhiên, hiện tượng này không rõ bằng, có khi còn bị triệt tiêu hoàn toàn). Việc lựa chọn tiêu cự là điều quan trọng khi mua ống kính do phụ thuộc nhiều vào nhu cầu. Người ham du lịch chắn hẳn sẽ chọn cho mình một ống góc rộng có tiêu cự nhỏ nhất dao động từ 17-28 mm trong khi các phóng viên thể thao hay người thích chụp động vật hoang dã lại thích hợp với những ống tele "hầm hố" có tiêu cự 200-500 mm hoặc hơn thế.
    3. Ống kính zoom và ống kính một tiêu cự.
    Ống kính zoom (zoom lens) có dải tiêu cự thay đổi trong một khoảng cho sẵn. Ống kính một tiêu cự ("prime" lens hay fixed lens) không thể thay đổi được tiêu cự. Ống zoom đầu tiên mang tên "Varo" 40-120 mm dành cho máy phim 35 mm và được sản xuất trên quy mô công nghiệp vào năm 1932.
    [​IMG]
    Canon EF 50 mm f/1.0L USM, một trong những ống fix hiếm và đắt nhất hiện nay. Ảnh: Wikimedia.
    Do được chế tạo với một hoặc rất ít thấu kính nên các ống fix thường có giá rẻ nhưng chất lượng quang học cao hơn và nhanh hơn đa phần các ống zoom. Các ống đa tiêu cự thường có tầm zoom (tỷ số giữa tiêu cự cực đại và tiêu cự cực tiểu mà ống kính đạt được) vào khoảng 3x, 4x hoặc cao hơn thế. Những người không sành thường cho rằng ống kính có tầm zoom càng lớn càng cho chất lượng ảnh đẹp. Tuy nhiên, sự thực lại không như vậy, các ống có dải zoom càng rộng càng đòi hỏi nhiều thành phần thấu kính ở bên trong. Ngoài việc giảm đáng kể lượng ánh sáng vào cảm biến, hệ thống thấu kính phức tạp này cũng không thể cho ảnh đẹp trên mọi tiêu cự do giới hạn công nghệ chế tạo. Độ mở của ống zoom cũng không thể nâng lên quá lớn. Hậu quả là ảnh mà bạn thu được thường tối và không sắc nét lắm.
    [​IMG]
    Nikon AF-S VR 70-200 mm, F/2.8G IF-ED là loại ống kính zoom cho chất lượng quang học rất tốt. Ảnh: Letsgodigital.
    Các ống zoom thường rất linh hoạt trong việc giúp bạn phối cảnh, tuy nhiên, hầu hết chúng cho chất lượng quang học kém xa các ống một tiêu cự. Nếu muốn có được những bức ảnh đỉnh cao, bạn buộc đầu tư những ống zoom xịn có khối lượng lớn mà giá thành thì chẳng dễ chịu chút nào! Các ống một tiêu cự thường là sự lựa chọn lý tưởng vì giá cả phải chăng mà chất lượng quang học tốt cũng như rất nhanh và nhẹ, thích hợp chụp trong điều kiện thiếu sáng hoặc các tình huống cố định, ít cần di chuyển để phối cảnh.
    Lưu ý rằng, zoom số (digital zoom) trên các máy du lịch thực chất chỉ là việc phóng to một vùng trên ảnh bằng khả năng nội suy của vi xử lý do đó làm giảm chất lượng hình ảnh đi đáng kể.
    4. Độ mở của ống kính.
    Độ mở ống kính (hay khẩu độ) được điều chỉnh bằng sự ra vào của các lá thép nằm tại mặt trong ống kính nhằm điều tiết lượng sáng đi vào cảm biến. Trị số khẩu độ được gọi là F-number, là tỷ số giữa tiêu cự ống kính và đường kính lỗ sáng tạo bởi các lá thép. Độ mở càng lớn thì tỷ số F-number càng nhỏ. Khi so sánh các ống kính với nhau người ta thường dùng khái niệm "nhanh hơn" để chỉ các ống có độ mở lớn hơn, khái niệm "chậm hơn" để chỉ những ống có độ mở nhỏ hơn. Các ống có chỉ số f/1.0 là những ống kính thuộc loại nhanh và đắt nhất hiện nay. Các ống có f/4.0 hoặc nhỏ hơn thường là các ống tele một tiêu cự hoặc các ống zoom giá rẻ.
    [​IMG]
    [​IMG]
    Độ sâu trường ảnh (DOF) trong các trường hợp chỉnh khẩu độ của cùng một ống kính. Ảnh: Nikonians.
    Độ mở của ống kính thường ảnh hưởng đến thời gian phơi sáng trên máy ảnh và độ sâu trường ảnh. Các ống có độ mở lớn (nhanh hơn) sẽ cho nhiều ánh sáng đi qua hơn, do đó đòi hỏi thời gian phơi sáng thấp. Độ mở lớn cũng làm cho độ sâu trường ảnh bị thu hẹp lại, khiến các vật thể nằm ngoài vùng lấy nét bị mờ đi trông thấy.
    Ảnh chụp chân dung hay chụp thể thao trong nhà thường yêu cầu ống kính có dải khẩu độ rộng nhằm phục vụ những nhu cầu khác nhau trong đó quan trọng nhất là khả năng "đóng băng" đối tượng chuyển động nhanh và hiệu ứng xóa phông nền. Trong các máy ảnh SLR, ống kính có độ mở lớn cũng cho nhiều ánh sáng vào viewfinder và cảm biến (hay phim), tăng khả năng lấy nét tự động (nếu có), rất phù hợp để chụp trong điều kiện thiếu sáng. Mặc dù độ mở tối đa trên vài ống kính thường rất ít khi được dùng tới (như khẩu f/1.4 trên ống Canon 50mm) nhưng điều này không có nghĩa là chúng vô dụng. Những ống kính này thường gây ra rất ít quang sai khi tăng khẩu độ lên một hoặc vài nấc. Chẳng hạn, cùng đặt một giá trị khẩu độ f/2.0 nhưng ống 50 mm f/1.0 cho ảnh sắc nét hơn nhiều ống 50 mm f/1.8.
    Các ống có độ mở lớn thường có đường kính lớn đi kèm với giá thành cao. Yếu tố trọng lượng/kích thước và tính năng rất quan trọng trong việc lựa chọn các ống kính phục vụ nhiều mục đích khác nhau như du lịch, chụp ảnh hoang dã hay chụp đêm...
    KhahKai, FullmoonNgọc Anh thích bài viết này.
  3. Ngọc Anh

    Ngọc Anh Thành viên cấp 1

    bài viết chi tiết quá. thanks bác
    mà bác cứ up ảnh mấy em vòng đỏ, vòng vàng hàng khủng thế kia làm e rỏ dãi :))
  4. Phạm Hữu Dư

    Phạm Hữu Dư phamhuudu.com Ban quản trị

    Lại mắc lỗi cop bài sai! Chưa chỉnh lại size font chữ và căn ảnh ra giữa, xuống line dòng để chữ dính chùm thế kia! Mod ơi là mod :|
  5. Baron911

    Baron911 Mới đăng kí

    Bài viết rất hay. Mình đang tính tậu 1 con, nhưng rất bắn khoăn. Đang tìm hiểu và nghiên cứu
  6. nghiemthanhdung

    nghiemthanhdung Thành viên cấp 4

    thanks bạn
  7. kyliechen

    kyliechen Thành viên cấp 1

    thankss bạn, bài viết bổ ích với mìh

Ủng hộ diễn đàn