Hãy đăng ký thành viên để có thể dễ dàng trao đổi, giao lưu và chia sẻ về kiến thức đồ họa.
  1. Hãy đăng ký subscribe kênh Youtube mới của Việt Designer tại địa chỉ: Youtube.com/VietDesignerChannel để theo dõi các video về thiết kế đồ họa. Do trước đó kênh cũ bị Youtube quét không rõ lý do, trong thời gian chờ kháng cáo nếu các bạn thấy video trên diễn đàn bị die không xem được thì có thể vào kênh mới để tìm xem video sơ cua nhé.
    Loại bỏ thông báo

Những vấn đề về tư duy của các bạn mới vào nghề thiết kế ở VN (Phần 2) - CV

Chủ đề thuộc danh mục 'Kinh nghiệm / Kiến thức dành cho designer' được đăng bởi huytuandesign, 12/12/16.

Lượt xem: 19,037

  1. huytuandesign Thành viên cấp 1

    Chào các bạn, cách đây khoảng mấy tháng mình có viết một post chia sẻ những kinh nghiệm mà mình có trong quá trình làm thiết kế.

    http://forum.vietdesigner.net/threa...ban-moi-vao-nghe-thiet-ke-o-vn-phan-1.112521/

    Mình rất vui vì sau khi nó được share trên fanpage của website, bài viết được nhiều bạn đón nhận và vui nhất là thông qua đó mình có thể góp một phần nhỏ giúp các bạn mới vào nghề có những thông tin thực tế để tham khảo và tự tin hơn trên con đường mình đi. Do mình còn đi làm nên quỹ thời gian có eo hẹp, viết bài cũng hơi lâu các bạn thông cảm.

    Những gì mà mình trải qua, nó đúng với mình, đúng với một số bạn, nhưng nó sẽ không hoàn toàn đúng với một số bạn khác. Vì môi trường khác, tính cách khác, sự may mắn cũng khác. Đó là lí do mình rất muốn những bạn có kinh nghiệm nhiều hơn mình thẳng thắn bổ sung và chỉ ra những gì chưa phù hợp để mọi người có cái nhìn nhiều chiều khách quan nhất.

    Phần này mình nói về CV và thái độ mà mình cho là đúng đắn khi nhìn nhận về việc làm thiết kế. Ngoài ra thấy bài cũng dài nên mình có vẽ một số minh họa cho đỡ chán, sở đoản thôi, gọi là múa rìu qua mắt thợ vậy ^^

    2. Gây ấn tượng với NTD khi bạn không có bằng cấp

    Đối với những bạn nhiều kinh nghiệm và có các project khủng trong portfolio thì có lẽ mục này sẽ chẳng có gì để đọc với các bạn nữa, ở trình độ này các bạn hoàn toàn biết phải làm gì. Tuy nhiên với những bạn chưa có nhiều project để tự hào, hoặc còn mới tinh thì phải làm sao để NTD chú ý?

    Khác biệt. Đó là sự thú vị của nghề này.

    Đối với các nghề thông thường khác trong xã hội, những nghề đòi hỏi sự nghiêm túc phổ thông (formal) trong công việc, trong giao tiếp như kinh tế, kỹ thuật… bạn buộc phải làm CV chỉn chu, trình bày đủ các thông tin, kèm theo đó là trang trí bằng các loại bằng cấp để hỗ trợ cho lợi thế của bạn. HR những nghề này họ không có khái niệm về art hay cần một nhân viên có cái kiểu chất chất gì đó nên CV bạn càng chỉn chu càng tốt. Nhưng riêng đối với nghề thiết kế đồ họa này bạn có thể làm CV độc đáo hơn một chút bằng tất cả những gì bạn có thể tưởng tượng ra để NTD cảm nhận được trình độ của bạn.

    Thời gian gần đây thế giới có rất nhiều designer làm các CV độc, các bạn có thể tham khảo qua google mình không giới thiệu vào đây, CV bằng cách quét QR code và chuyển sang trang video, CV bằng animation, hoặc giả như bạn up CV của bạn lên một trang web, và khi NTD xem nó thì cái hình thẻ của bạn nó là hình động và nó cười cười như trong phim Harry Potter chẳng hạn vân vân.. Mình nghĩ đó là một cách rất hay vì cái mà NTD thấy đầu tiên đó là CV và nếu nó thể hiện thẳng trình độ của bạn cộng thêm chút may mắn thì bạn đã có cảm tình của họ rồi.

    Cách đây khoảng 4 năm, lần đầu khi đi xin việc, khi đó mình không biết đến khái niệm CV độc đáo này kia, mình muốn ứng tuyển vào vị trí front-end dev ở các cty để học hỏi thêm, thực sự lúc đó mình chưa từng làm vị trí này bao giờ. Vị trí này không phải là graphic design mà nó thiên về web design (ở các nước khác khi nhắc đến web design nó bao gồm cả graphic design và html, css, js) cộng với các kiến thức về client-side nhiều, nhưng mình chọn để chia sẻ vì nó đáng nhớ và cho mình nhiều kinh nghiệm khi xin việc. Sau này do có nhiều project trong portfolio hơn và quen biết nhiều hơn, nên phỏng vấn có khi qua loa và cũng không có gì để chia sẻ nhiều. Mình nghĩ rằng nhiều kinh nghiệm trong này rất có ích và có thể áp dụng được với graphic design.

    Quay lại với CV, lúc đó mình suy nghĩ rất đơn giản là, mình có khả năng gì thì mình lấy nó để làm CV luôn, cuối cùng mình tự design bằng Ps và code HTML, JS, CSS ra được cái CV bằng HTML. Tính cẩn thận nên mình chăm chút tiểu tiết như hiện lên animation loading rồi mới hiện ra nội dung, phần thông tin nào scroll tới mới cho load lên (lazy load), có hẳn một navigation ở góc phải dưới màn hình để bấm trượt lên xuống. Mình nghĩ kỹ tính cũng không thừa vì nhiều khi họ sẽ đánh giá mình qua những cái tiểu tiết như vậy. Các bạn có thể thấy là mình nghĩ sao làm vậy chứ nó ko hề giống một cái CV nào trên đời cả. Sau đó mình up CV này lên host của mình, trong file PDF gửi cho một số công ty chỉ có vài dòng bằng tiếng Anh (do họ tuyển bằng tiếng Anh) trỏ đến host.



    7jbLFCM.png



    Đây là link download HTML của nó nếu bạn nào muốn tham khảo. Xin lỗi mình phải xóa đi các thông tin về bản thân cũng như các project của mình nhé vì nhiều cái khá nhạy cảm mà mình không muốn public:

    http://www.mediafire.com/file/s8zs9v59c9nqhtv/Show.zip

    Mình nhận được điện thoại phản hồi của một cty sớm nhất và họ có 2 vòng phỏng vấn đều bằng tiếng Anh. Một vòng qua điện thoại chủ yếu tìm hiểu về cách nói chuyện và suy nghĩ của mình. Vòng kế là gặp trực tiếp. Mình trượt phỏng vấn!

    Và đây là kinh nghiệm thứ 2 dành cho các bạn:

    CV đẹp giống như vỏ bánh vậy, vỏ đẹp mà bóc ra mà bánh dở cũng không ai ăn

    Lúc đó với một đứa chưa có khái niệm nhiều về front-end nhưng vẫn muốn thử thì thực sự những gì trong buổi phỏng vấn là quá sức mình. Mình có khoảng 10 câu hỏi và chỉ trả lời được 1 câu duy nhất là câu liên quan đến HTML và CSS. Còn lại là hóc búa vì liên quan đến các framework mới lúc bấy giờ và các câu hỏi trừu tượng về Javascript.

    Chắc các bạn còn nhớ bài trước mình có nói về việc test trình độ trong ngành IT và design diễn ra rất nhanh và công bằng, thì đây đúng là như vậy. CV chỉ là viên ngọc trên đỉnh của cái vương miện vậy thôi. Bạn phải có thực tài. Đừng nhờ người khác sửa CV của mình đẹp lên trong khi sức bạn chỉ có đến vậy. CV là của bạn, hãy thể hiện nó bằng trình độ của bạn dù nó đẹp hay xấu. Sau này làm luôn về design nhưng mình vẫn rất nhớ kỷ niệm cũ này.

    PvUsLbt.png

    Điểm tiếp theo mình muốn chia sẻ là, CV độc đáo không phải lúc nào cũng tốt.

    Bạn cần ước chừng được CV của bạn có dễ nhìn hay không, có quá khó hiểu hay không, có tiện cho HR khi họ mở ra hay không và gửi đúng vào công ty phù hợp. Nếu bạn làm một cái CV kiểu như có 1 cái QR code rồi NTD sẽ cầm cái đt scan cái QR code đó để trỏ vào link youtube chứa cái clip bạn thuyết trình về mình rồi gửi cho một cty bình bình ở VN thì mình nghĩ là thất bại. Vì đt của HR có thể quá chậm khi nó trỏ link, HR ko có wifi ở đó, HR ko cầm điện thoại, hay đơn giản HR còn ko biết QR code là gì. Có khi bạn chỉ cần làm một CV đơn giản là file PDF thôi nhưng bạn ghi ngắn gọn, sáng tạo, dễ thương một chút cùng những hình vẽ của mình tự thiết kế được đặt 1 cách hài hòa thì cũng đủ để gây ấn tượng rồi.

    Và, bạn chém gì không biết nhưng nhớ phải có những thông tin cơ bản nhất để HR liên lạc lại với mình. Mình có một người bạn làm HR cho một cty, và có lần nó nói với mình thế này: “ Designer tụi mày vui quá hả, có lần tao đọc xong mấy cái CV chỉ muốn bỏ vào sọt rác, chém 2 tờ giấy nhưng ko có lấy một số đt để tao liên lạc lại? (HR đôi khi không muốn liên lạc qua email vì nó rất chậm) Thậm chí có cái CV ghi tôi là thế này thế kia, tôi làm được thế này thế này, cuối cùng kiên nhẫn đọc hết CV tao tự hỏi thế mày tên Tôi hay tên gì? Nó quên ghi tên mày ạ!

    Hãy làm CV dựa trên sự sáng tạo lẫn tôn trọng người đọc. Đừng sáng tạo quá lố gây bất tiện nhé.

    Ghi nhớ trong đầu một câu nói rất nổi tiếng của Jonathan Ive, không chỉ trong lúc làm CV mà cả trong lúc làm thiết kế: “It's very easy to be different, but very difficult to be better.” – Khác biệt thì dễ, tốt hơn mới khó.

    ao5j6iS.png

    Sau khi đã qua được vòng CV rồi sẽ có rất nhiều cách để bạn gây ấn tượng tiếp với NTD mà mình biết, mình sẽ ghi rải rác bên dưới các bạn tùy trường hợp mà áp dụng.


    3. Làm gì khi bạn chưa có project nào trong CV

    Với những bạn tốt nghiệp chuyên ngành hẳn hòi ra thì rất dễ, những gì các bạn làm trong lúc học cũng chính là kinh nghiệm ban đầu mà các bạn có thể đưa vào CV. Những hoạt động ngoại khóa trong lúc bạn học góp phần làm đẹp CV đó thêm chút nữa. Chưa kể một số nơi khi tốt nghiệp họ cũng liên kết giới thiệu việc làm cho các bạn luôn. Nên việc ứng tuyển với các bạn này khá dễ dàng. Nhà trường hầu như hỗ trợ.

    Nhưng với những bạn không học chuyên ngành như mình, trước khi làm freelance, mình giúp làm những thứ nho nhỏ miễn phí cho người quen người thân như bảng hiệu, logo các shop nhỏ, rồi sửa ảnh, nói chung cũng tán loạn lắm, vì không có học đàng hoàng ra, chỉ được cái lăn xả đụng gì có thiết kế là xin làm và chịu học hỏi cải tiến. Sau 1 năm 2 năm thì có cái không vừa ý không dám show nhưng cũng có kha khá cái tự hào dù nó cũng nhỏ thôi chứ không to tát gì, đủ để đi xin việc được. Mình nghĩ rất nhiều bạn trái ngành trên này cũng đi chung con đường này lúc mới vào nghề và có rất nhiều kỷ niệm do hoàn cảnh của mỗi người khác nhau. Nhưng tựu chung vẫn là, khi mới bắt đầu thì các bạn nên chịu khó năng nổ tìm việc từ mọi người, chịu khó ăn nói dễ thương một tí, chịu khó thiệt một tí để móc nối quan hệ và không ngừng tìm tài liệu trên Internet hay sách vở để trau dồi kiến thức sau đó áp dụng và thử vào những thiết kế mà mình làm để tiến bộ, tiến bộ sẽ dễ tìm project hơn.

    Khi bạn có kha khá các project để điền vào CV, khoảng 10 cái thì bạn có thể chèn vào đó 1 2 project riêng của mình. Những project này hãy làm về những gì bạn thích, bạn thấy tâm đắc, hoặc phô diễn những kỹ thuật mà bạn muốn làm nhưng chưa có cơ hội làm với khách hàng nào hết. Hãy tự ra yêu cầu cho bản thân và thực hiện nghiêm túc giống như bạn làm project cho client vậy. Nó phần nào sẽ giúp bạn giữ nhịp sáng tạo, chiêm nghiệm dc nhiều thứ, và luôn đặt bản thân trong trạng thái thử thách. Nếu bạn thích làm nhiều về minh họa, bạn có thể làm project này chẳng hạn, một project làm trong 30 ngày mỗi ngày vẽ một hình minh họa về những thứ xung quanh theo cách riêng:

    https://www.behance.net/gallery/37728383/Summer-Series-2016

    Nếu bạn làm nhiều về UI/UX, có thể chọn một trang web nào đó bạn thích và design lại nó theo cách của bạn, kèm theo những chú giải về suy nghĩ của mình tại sao lại sửa lại như vậy:

    https://www.behance.net/gallery/43661487/What-if-Linkedin-was-beautiful-Redesign-concept

    Hay một project được Behance feature mình rất thích của Thuy Mat Tit:

    https://www.behance.net/gallery/12412953/Whispered-Garden-Alphabets-ThuyMattit

    Nhớ là personal project như là chấm phá cho CV của mình thôi, nó bổ sung những gì còn thiếu để ai sắp thuê bạn hiểu thêm về bạn chứ đừng làm 1 CV toàn là personal project nhé.

    4. Thiết kế là công việc nghiêm túc

    Phần này mình có rất nhiều thứ muốn chia sẻ nhưng mình sẽ ghi lại ngắn gọn súc tích nhất (viết xong thấy nó dài chứ cũng chả súc tích gì), còn lại phía sau mình sẽ để các bạn tự nhận ra khi làm nghề, vì có những cái từ ngữ rất khó diễn tả khi chưa trải qua.

    Đa phần các bạn chọn làm graphic design thường trẻ, thích cái đẹp, thích thể hiện, có cái tôi kha khá. Cái này vừa là lợi thế vừa là điểm yếu nếu không biết tiết chế khi làm việc. Trong trải nghiệm của mình, mình gặp những điều mà bản thân mình cho là không hay như sau:

    a. Trọng công cụ và sự hào nhoáng trong khi cơ bản không vững

    Wacom, hàng Táo, card đồ họa rời cho đến những điều như Ps hay Ai phiên bản mới nhất là công cụ để designer làm những công việc nhất định mà họ biết chắc chắn mình đang làm gì chứ không phải là chuẩn mực của designer và cũng không phải thứ để thế hiện bạn là một designer giỏi. Trừ một số trường hợp các bạn làm 3D hay hoạt hình, CG v.v cần những công cụ đặc thù, newbie vui lòng đừng ảo tưởng về những thứ đó khi mới bắt đầu. Wacom không giúp vẽ đẹp hơn, mà ngược lại, nếu bạn vẽ giấy 10 điểm thì khi vẽ wacom đạt mức sư phụ cũng chỉ dc 9 điểm, công nghệ vẫn chưa mô phỏng được cảm giác vẽ tốt như vẽ bút trên giấy ngay cả khi dùng dòng cintiq vẽ trực tiếp lên màn hình. Theo kinh nghiệm cá nhân mình, Wacom gần như bắt buộc khi làm về CG, 3D modeling, vẽ chuyển động hoạt hình, vẽ digital painting hoặc vẽ minh họa kiểu thế này (vẽ giấy rồi scan sau đó dùng chuột đi nét cũng được nhưng nếu vẽ số lượng nhiều và biết cách vẽ, dùng wacom sẽ nhanh hơn trong Ai):

    http://twf.co.jp/

    Designer với những tác phẩm đẹp khi dùng wacom nghĩa là họ đã vẽ tay ở ngoài rất tốt, tốt hơn như vậy rồi. Nếu bạn làm logo, UI website, app không dùng những hình minh họa giống như trang web trên mình đề cập thì không cần. Nơi duy nhất mà bạn nhìn thấy câu “Wacom không thể thiếu với designer” là trong tiệm bán Wacom. Designer chưa vững kỹ năng rất dễ bỏ bê tập vẽ tay mà rơi vào ma đạo này.

    Hàng Táo, riêng hàng Táo nếu có điều kiện bạn nên có, còn không cũng không sao, do trên windows đúng là có một số hạn chế nho nhỏ như hay bị crash, bị lỗi font, hồi xưa mình từng gặp, nó như kiểu không nhận dạng được các font, bạn cài 10 font thì nó nhận dc 5 font, còn lại bị chồng lên nhau, kiểu vậy, những bộ font xịn có info đàng hoàng chứ không phải font free, trên Mac ko bị. Ngoài ra còn nhiều các khác biệt khác rảnh mình sẽ nói sau. Tuy nhiên những lỗi này ko phải lớn và ko nhất thiết phải có Mac nếu bạn ko có điều kiện. Giới đồ họa thế giới vẫn đang tranh cãi hằng ngày về Win và Mac chứng tỏ nó ngang ngửa nhau nên ko có gì phải lăn tăn.

    Còn về phiên bản phần mềm, mình chỉ ví dụ ngắn gọn, trong nước thì có mấy tiệm phục chế ảnh, trình Ps của họ chắc nhìn thành phẩm cũng hiểu ko cần nói nhiều, mình biết rất nhiều tiệm vẫn dùng Ps CS2, ở ngoài nước mình lấy ví dụ như Adam Hughes, một artist vẽ comic nổi tiếng cho DC Comics và Marvel đặc biệt là vẽ gái ^^ mình rất thích, trong một bài phỏng vấn ông nói mình dùng Ps CS2 trong công việc. Tại sao? Phiên bản nào ko quan trọng lắm, quan trọng nhất là flow làm việc, nghĩa là bạn quen với công cụ và điều khiển nó thành thục nhất, khi chuyển lên các phiên bản mới, có một số thay đổi làm chậm flow quen thuộc của họ, hơn nữa các phiên bản về sau này thực sự nâng cấp không mang tính cách mạng, chỉ thêm thắt tiểu tiết mà thôi.

    oWppPbC.png

    Tóm lại, là designer hãy nhìn nhận nhau bằng sản phẩm hoặc kiến thức nghề. Có hướng dẫn người đi sau thì nên tập trung vào căn bản, đừng làm cho họ bị rối vì những thiết bị hào nhoáng.

    b. Lo làm nghệ sĩ mà quên rằng thiết kế là để phục vụ cho nền công nghiệp

    Mình biết nhiều bạn mới vào nghề có tư tưởng rằng designer là một hình ảnh gì đó chất chất, art art, khùng khùng, lúc nào cũng thỏa sức sáng tạo, tóc tai kiểu cách, nhạc nhẽo này kia, làm như chơi mà lương thì ngất trời. Nên mới xảy ra tình trạng người mới làm thì tập tành thói hư tật xấu. Kẻ ở ngoài thì cũng bị ảo tưởng mà nhảy vào. Thực ra những hình ảnh như vậy thường thấy ở những designer rất khủng rồi, họ tự biết họ đứng ở đâu, lúc đó họ khùng chỉ là cái bề ngoài cho vui thôi. Như một đứa hồi xưa làm chung với mình, nó làm design lâu hơn mình, miệng cứ ra rả là tao chẳng cần tiền chỉ cần tình, chứ khi làm việc nó charge giá kiểu Mỹ rất cao mà khách vẫn đều đều. Bạn muốn kiểm chứng cứ add facebook mấy designer hot ở VN coi có đúng vậy không, nói chuyện vừa chuyên môn vừa tục tục cợt nhả rất vui. Nhưng đó là khi họ đã biết mình đứng ở đâu. Mình nói ví dụ đơn giản hơn, người giỏi thường nhiều việc ít thời gian nên sống bừa bộn hoặc họ biết chắc mình phải làm gì nên bỏ học, nhưng nếu bạn tư duy ngược rằng muốn giỏi giống vậy thì phải sống bừa bộn hoặc bỏ học thì mình cũng không còn gì để nói.

    APslBLY.png

    Thay vào đó, designer mới vào nghề nên dành thời gian để tìm hiểu lý thuyết căn bản bởi vì thiết kế đồ họa về bản chất là để phục vụ cho nền công nghiệp cho nên quan trọng nhất là nó có phù hợp với hoàn cảnh của khách hàng hay không và nó có tạo ra lợi nhuận cho họ hay không, sau đó mới đến chuyện thẩm mỹ. Lấy ví dụ khi làm layout cho 1 website, trên giao diện của có sử dụng slider (khối nội dung xếp hàng ngang có thể trượt qua lại để xem tiếp), designer làm xong ngắm đi ngắm lại thấy nó rất đẹp và tự hào, nhưng ai làm về UX cũng hiểu rằng gần đây xu hướng họ tránh đi việc làm slider do thống kê cho thấy tỉ lệ người dùng xem slide thứ nhất rất cao, vào khoảng 90% nhưng đến slide thứ 2 thì tụt xuống còn vài % vì họ lười bấm để chuyển qua và cũng không có kiên nhẫn để xem nó tự nhảy qua, kết quả là các nội dung phía sau không đến được người dùng, và cuối cùng phải thay bằng phương án khác hiệu quả hơn. Đây cũng là lí do tại sao gần đây UX đang rất được chú trọng và dc truyền bá nhiều hơn ở VN.

    ----------------------------------

    Nếu muốn mình cho một ví dụ trong thực tế, chắc nhiều bạn cũng biết đến VSCO, một app cho phép chụp và áp các filter rất đẹp lên ảnh, phiên bản update đầu năm 2016 cho phép người dùng đè vào nút chụp ảnh (là cái nút tròn bự nằm góc dưới màn hình) sau đó nếu quẹt xuống thì sẽ vào phần library, quẹt lên sẽ vào chế độ chụp ảnh, quẹt ngang trái hay phải thì vào social hay gì đó, còn giao diện thì đơn giản đến mức không còn text phụ đề chỉ có icon, và icon thì cũng tối giản nốt thành hình vuông, tròn rất trừu tượng. Các bạn có thể xem qua ở đây:

    https://amp.twimg.com/v/3c8702aa-67de-4b00-aa4a-e4f14e41d2ad

    Giao diện này đối với mình….cực khó sử dụng và lần đầu tiên khi mở lên sau khi update, mình hoàn toàn không biết làm sao để vào library! Cũng không hiểu ý nghĩa của những icon trừu tượng, và nhiều thứ khó hiểu khác nữa, mặc dầu, nếu giao diện này là một tác phẩm nghệ thuật thì nó rất đẹp. Không ngạc nhiên khi có rất nhiều người giống y như mình. Bài viết trên thenextweb:

    http://thenextweb.com/apps/2016/06/12/people-really-hate-new-vsco-cam/

    Rất may là 1 tuần trước ngay thời điểm mình đang viết post này thì VSCO đã cập nhật giao diện mới và không còn cái kiểu quẹt quẹt đó nữa. Thay vào đó ai dùng VSCO thời điểm này sẽ thấy 3 biểu tượng khá dễ hiểu góc dưới màn hình.

    NW2kLWq.png

    ----------------------------------

    Một ví dụ khác, hãy chọn một website nổi tiếng ví dụ như Facebook, sau đó bạn lên Dribbble hoặc Behance tìm từ khóa “facebook redesign”, là một designer, bạn sẽ thấy muôn vàn thiết kế nhìn có vẻ như đẹp hơn, chất hơn, nhưng tại sao Facebook không làm như vậy? Rất nhiều lí do, UX hiện tại đang hoạt động tốt, mang lại lợi nhuận? chi phí chuyển đổi là cực lớn với 1 website toàn cầu? Những vấn đề khó khăn cho người dùng phổ thông khi chuyển sang 1 layout như vậy? v..v.. mình sẽ để các bạn tự tìm câu trả lời

    Do đó công việc của designer khi mới bắt đầu là phải đầu tư tìm hiểu những điều căn bản này của nền công nghiệp, tập áp dụng nó thành thục trước khi muốn phá cách nó. Vì nếu bạn không hiểu tường tận những điều căn bản mà đã tập phá cách thì phần nhiều là bạn đi vào vết xe đổ của muôn vàn người đã phá cách trước bạn trên thế giới. Tương tự như muốn lách thuế hợp pháp thì bạn phải hiểu luật hoặc thuê luật sư vậy. Mình rất thích một câu nói mà ko biết ai là tác giả: “If you want to break the rule, you must first master it

    c. Tự hào quá sớm và thiếu văn hóa cộng đồng

    Mình cũng từng bắt đầu và cũng từng trải qua cảm giác này. Mình ghi lại với hi vọng những bạn đến sau có thể rút kinh nghiệm tốt hơn. Đó là cảm giác mà khi bạn còn là newbie, bạn làm ra một sản phẩm chưa hoàn thiện nhưng đã chăm chăm đem đi khoe với danh nghĩa là để mọi người chém cho lên trình độ. Kết quả là gì, ai khen thì bạn hả hê, ai chê thì bạn ko thèm rep. Rất trẻ con. Hãy nhìn lại thời gian trước đó, khi mà các group đồ họa chưa nhiều, thành viên cũng chưa đông, các designer nổi tiếng của VN bây giờ, họ up lên đâu cho ai chém? Họ cãi nhau ở đâu? Cộng đồng nào chỉ cho họ từng lỗi từng lỗi để họ sửa? Hầu như không có, mà họ tự nhận ra và tự sửa đổi chính mình khi làm với khách hàng.

    Mình nhớ cách đây mấy hôm có một bạn post lên group đồ họa khá dài, nhưng đại ý vắn tắt là: “newbie làm sao biết mình đang đứng ở đâu trong cộng đồng, ai đánh giá làm chuẩn, làm sao biết ý kiến của ai góp ý là đúng hay sai?”. Câu hỏi này nó …sai từ khi hỏi. Do bị ảnh hưởng quá nhiều từ các group, bạn đang lệ thuộc hết bản thân mình vào cộng đồng mà cộng đồng đó chưa hẳn đều là những designer tốt, có người thậm chí còn ko phải designer T_T Khách hàng dày xéo bạn còn chưa đủ sao? Hoàn cảnh mỗi người vào nghề là rất khác nhau, trải nghiệm cũng rất khác, việc bạn đứng ở đâu, ai mà xếp hạng được. Thậm chí một designer giỏi nhất ở VN hay thế giới cũng không được quyền xếp hạng bạn đang đứng ở đâu. Hồi còn chưa định hướng được bản thân, có một người thầy, kể cho mình nghe một câu chuyện: “ở việt nam có 1 ông họa sĩ (tệ cái là mình quên mất tên ông ta rồi, ai rành hội họa vn thì bổ sung giúp mình), ông ta vẽ hoa lá gì đó rồi bán tranh, bị giới vẽ tranh ở vn rất ghét do tranh ông ta vẽ dc cho là vô hồn, không sáng tạo, bình thường. Nhưng trớ trêu là, khách vn lẫn nước ngoài đều rất thích và hay mua tranh của ông nhiều hơn các họa sĩ kia” =)) Ông ta ko làm gì sai, cộng đồng nghệ sĩ nói cũng có lý, nhưng mà nó cứ trớ trêu như vậy, vậy thì bạn xếp ông ta ở hạng nào đây?

    Chỉ có tự mình nhìn nhận mình đang ở đâu, hoặc nếu quá bí bách, cứ nhìn vào những design đẹp nhất của các designer trên thế giới và nghĩ: “Làm được vầy rồi tính tiếp” mình tin rằng bạn sẽ có việc để làm cả đời và thôi không hỏi câu đó nữa. Và một lúc nào đó, khi nhìn lại chặng đường mình đi, bạn sẽ nhận ra, câu hỏi đó rất trẻ con và đứng đâu thì nó ko quan trọng nữa.

    Nếu bạn muốn đặt câu hỏi, hãy để ý, những câu hỏi chung chung vô thưởng vô phạt sẽ nhận được rất nhiều rep, ví dụ: “các bác chém nhẹ tay”, “cái nào thì được ạ”…. Vì sao, rep những câu này ko cần có kiến thức cũng rep được, lại vừa mang tính giải trí, xã hội VN lại thích giải trí, tội gì ko rep. Mình không nói những câu hỏi này sai, nhưng nó không nên xuất hiện quá nhiều. Ngược lại những câu hỏi thuần về kỹ thuật, hay chứng tỏ người hỏi có sự tìm hiểu nhất định và đang bị kẹt, sẽ nhận được rất ít rep, thậm chí là không có ai biết, nhưng những ai vào rep thì rep sẽ giá trị hơn và đây chính là những post mang lại kiến thức và giá trị cho cộng đồng đó. Một cộng đồng mà bạn kéo topic từ trên xuống thấy nhiều post và rep như vậy thì chẳng bao lâu bạn sẽ tiến bộ rất nhanh. Mình ví dụ có 2 lần mình từng hỏi trên các forum mà không có ai trả lời, mình cũng tự tìm hiểu được sau đó. Một lần là cách đây gần 2 năm hỏi về việc lần đầu mình nhận một thiết kế logo có giá trị khá lớn cho một tổ chức, mình rối và không biết xử lý các vấn đề như giao nhận, đặt câu hỏi, lấy yêu cầu ra sao để project diễn ra tốt đẹp, mình mời café xin giúp. Một lần là hỏi về CSS baseline, một khái niệm mình tìm hiểu được trong thiết kế website lúc bấy giờ được các designer nước ngoài áp dụng, có lẽ lúc bấy giờ quá ít người biết nên mình phải tự tìm hiểu.

    Tóm lại, hãy giúp ích cho cộng đồng bằng cách đặt những câu hỏi chứng tỏ bạn đã tìm hiểu bằng thực lực của mình trước, và ngừng rep những câu hỏi vô thưởng vô phạt đi. Bạn càng làm lơ nó sẽ càng ít dần. Im lặng cũng là giúp ích cho cộng đồng.

    Phần sau và hết
    6. Cty lớn và cty nhỏ
    7. Mục đích cuối cùng của nghề
    8. Linh tinh

    ...
    Hunggggg, tuanpv, ThanhIT10 người khác thích bài viết này.
  2. lvnam96

    lvnam96 Mới đăng kí

    Em cám ơn anh vì 2 bài viết.
    Chúc anh sức khoẻ!
    Chỉnh sửa lần cuối: 15/12/16
  3. Chung Vũ

    Chung Vũ Mới đăng kí

    Cám ơn anh em :)
  4. luanknooc

    luanknooc Thành viên cấp 1

    Bài viết chất lừ. Thank Bác nhiều
  5. Trần Trí Tri

    Trần Trí Tri Thành viên cấp 1

    :D cám ơn thớt.. bài viết hay. chất văn tếu, hình minh họa ngộ nghĩnh (Y)
  6. S-Design

    S-Design Thành viên cấp 1

    Mình cũng đang rơi vào hoàn cảnh như này, xuất phát điểm là 1 IT phần mềm => Web design => Và giờ đang tập chung vào graphic design ... Đi làm thiết kế cho 1 cty in ấn, nhưng mọi sáng tạo đều không được phát triển, tù túng bởi cách làm việc của cấp trên ... Trước khi đi làm ý tưởng nhiều, hay design free cho anh em bạn bè, trước đấy hồi còn blog còn hay thiết kế banner, skin blog, skin wed và hay bỏ thời gian vẽ vời các kiểu ... Từ khi đi làm thì các ý tưởng dần bỏ đi hết, và giờ khi đọc xong bài viết của thớt cảm thấy bản thân mình mất hết cả phương hướng trên con đường trở thành 1 designer :)
  7. mygarden2611

    mygarden2611 Mới đăng kí

    Cảm ơn bạn. Bài viết rất hay và tâm huyết. Mong bạn ra phần tiếp theo.
  8. leethanhftrung

    leethanhftrung Mới đăng kí

    Bài viết rất hay. Theo mình thì quan điểm về CV của bạn không chỉ đúng trong nghề thiết kế thôi đâu.
  9. huytuandesign

    huytuandesign Thành viên cấp 1

    S-Design có thể rất phũ phàng nhưng thật sự mà nói thì nghề design tuy hào nhoáng bên ngoài nhưng không phải ai cũng hợp và có thể đi được tới cuối đường của nó. Việc bạn nói không chỉ gặp ở công ty của bạn mà ngay cả ở những agency quảng cáo lớn đầy sáng tạo cũng vẫn có như thường. Rất nhiều designer trẻ. có tài, có ý tưởng mới lạ cũng đều vỡ mộng khi bước vào guồng quay công nghiệp thực sự. Đơn cử như những quảng cáo mà bạn thấy trên truyền hình, có những quảng cáo thật sự không hay và chán, không bằng các nước bạn, nhưng sự thật đằng sau nó thì không phải ai cũng hiểu. Những thứ mà designer hay director phía sau làm ra đều phải qua 1 cái sàng lọc của rất nhiều người, có cái hợp lí, có cái vô lí, tất cả để phục vụ cho lợi ích của công ty. Có thể quảng cáo đó nó chán nhưng 80% người dùng phổ thông ở VN với tư duy suy nghĩ đơn giản có thể hiểu được nó, vậy thì họ sẽ chọn nó mà ko mạo hiểm cho sáng tạo của bạn. Một chiến dịch quảng cáo hiệu quả hay đơn giản là một design nào đó đẹp thực sự chỉ xuất hiện khi toàn bộ đội ngũ thiết kế lẫn tư duy của người lãnh đạo thống nhất. Còn ngược lại, bạn sẽ phải xoay sở để tồn tại trong môi trường như vậy bằng cách này hay cách khác. Kể cả các designer tiếng tăm ở VN hay thế giới đang làm việc cũng vẫn gặp phải hoàn cảnh này, đó là hoàn cảnh chung và khi đã là chung thì ai cũng như ai và không thể đổ lỗi cho nó được. Cho nên bạn hãy tập quen dần và tìm cách tăng trình độ thiết kế của mình lên ngay cả trong môi trường như vậy, còn nếu không chịu nổi nữa hãy tìm một môi trường khác.
    Con Trẻtieuconuong thích bài viết này.
  10. tieuconuong

    tieuconuong Thành viên cấp 2

    Nói chung bạn design ra phải thuyết phục dc sếp approve cái sản phẩm đó hay để sếp quyết theo ý sếp thì nó lại khác.
  11. S-Design

    S-Design Thành viên cấp 1

    huytuandesign Sau 1 thời gian suy nghĩ thì mình cũng quyết định dứt áo ra đi tìm 1 môi trường mới rồi, mình cứ nghĩ mình design thì phải được ý khách mới là quan trọng nhất nhưng có vẻ là không đúng, cảm ơn những lời góp ý của bạn :)
  12. huytuandesign

    huytuandesign Thành viên cấp 1

    S-Design sau phần cuối cùng mình sẽ viết một bài về vấn đề giữa khách và designer, tại sao khách có tiền, designer có tài nhưng thiết kế làm ra vẫn thất bại, bạn chờ tham khảo xem có giúp gì cho mình được không nhé.
  13. S-Design

    S-Design Thành viên cấp 1

    huytuandesign Rất mong được tham khảo thêm những kinh nghiệm từ bạn :)
  14. Thư Kì

    Thư Kì Mới đăng kí

    team lót dép hóng phần sau ạ ~~~
  15. Khanhpatico

    Khanhpatico Thành viên cấp 1

    Thanks bác, em ko design j mà đọc còn thấy hay :D

Ủng hộ diễn đàn